Tại hội nghị, ông Chu Văn Hòa (Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành – Bộ Thông tin và Truyền thông) báo cáo những kết quả, hạn chế trong công tác quản lý, xuất bản, phát hành và triển khai nhiệm vụ trong năm 2014.
Trong năm qua, toàn ngành xuất bản 26.933 cuốn (giảm 3,8% so với năm 2012). Tổng vốn huy động toàn ngành và tổng doanh thu giảm 7% so với năm 2012. Hầu hết các nhà xuất bản đều gặp khó khăn trong kinh doanh, hoạt động không có lãi, thậm chí lỗ dẫn đến nợ thuế, nợ tiền thuê nhà đất. Chỉ một nơi số lãi, phát triển tốt mạng lưới kinh doanh như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ…
Theo nhận xét của Cục Xuất bản, In và Phát hành, nội dung xuất bản đáp ứng được yêu cầu xã hội, đặc biệt là ý thức về chủ quyền biển đảo. Việc phát hành, quảng bá xuất bản phẩm phát triển tích cực. Sách của Việt Nam được giới thiệu đến quốc tế qua các hội sách ở Đức, Trung Quốc, Mỹ, Cu Ba… Bên cạnh đó, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã phát hiện nhiều vi phạm. Năm 2013, Cục đã xử lý 124 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung, hình thức. Ngoài nội dung thể hiện sai sót về kiến thức, phản cảm, phản ánh xã hội phiến diện thì cũng có các ấn phẩm không đầy đủ chủ quyền biên giới, biển đảo. Loại ấn phẩm này đều được phát hiện, xử lý nghiêm.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng cơ chế phù hợp nhằm tạo điều kiện về chính sách thuế thuê nhà đất, cước vận chuyển để tăng cường đưa sách tới vùng xa, hải đảo cho nhà xuất bản. Cơ quan quản lý triển khai công tác phối hợp với đơn vị liên quan nhằm tổ chức hiệu quả các hoạt động Ngày sách Việt Nam lần 1 tại Hà Nội, tăng cường thanh tra, xử lý và đào tạo đội ngũ cán bộ, biên tập viên.
Tại hội nghị, ông Đỗ Quý Doãn, chủ tịch Hội xuất bản, nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông cũng đề nghị các nhà xuất bản quan tâm hơn tới công tác đào tạo đội ngũ quản lý, biên tập viên để tăng chất lượng ấn phẩm và giữ vững uy tín của nhà xuất bản.