Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết việc điều chỉnh cước 3G của các mạng Viettel-Mobifone-Vinaphone chưa có đủ cơ sở để coi đây là hành vi áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng. Kết luận trên được đưa ra sau khi cơ quan quản lý xác minh các dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh của 3 doanh nghiệp trên trong đợt điều chỉnh cước 3G ngày 16/10 vừa qua.
Theo đó, việc thay đổi giá lần này đã được thực hiện theo chủ trương, định hướng điều chỉnh giá của Chính phủ, dựa trên Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020. Trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký giá cước riêng, thời điểm nộp cũng như đề nghị áp dụng khác nhau. Khi Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) chấp thuận vào cùng ngày 4/10 thì thời điểm này đã qua chu kỳ tính cước đầu tháng của doanh nghiệp (ngày 1) nên đã áp dụng vào chu kỳ giữa (ngày 16). Lý giải này tương tự với những gì mà đại diện các nhà mạng đã đưa ra ngay sau khi tăng giá 3G
Thông cáo phát đi từ Cục cũng nêu rõ các gói cước điều chỉnh giống nhau đều là gói thông dụng, phương án giá đã được Cục Viễn thông phê duyệt. Ngoài những gói này, các nhà mạng đều có lựa chọn khác nhau về giá và tính năng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của người dùng. "Từ kết quả trên, Cục Quản lý cạnh tranh chưa phát hiện các dấu hiệu bất thường của sự cấu kết, bắt tay hay thỏa thuận giữa 3 doanh nghiệp", cơ quan này kết luận.
Về mức độ tăng giá cước, Cục xác nhận mức trung bình khoảng 20% so với giá trước đó và vượt quá mức 5% theo quy định tại Nghị định 116. Thêm vào đó, cơ quan chuyên trách khẳng định thời gian qua không có biến động bất thường nào làm tăng giá thành sản xuất dịch vụ 3G. Thực tế, giá thành kế hoạch năm 2013 đã giảm hơn so với 2012. Năm ngoái, không có đơn vị nào trong 3 doanh nghiệp trên điều chỉnh cước vì lý do đang bán dịch vụ dưới giá thành.
Trao đổi trong một cuộc họp gần đây, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cũng chia sẻ thêm do việc tăng cước của doanh nghiệp được thực hiện trong bối cảnh thuê bao, dung lượng tiêu thụ tăng mạnh. Hiện cả nước có 18,9 triệu thuê bao 3G với nhiều dữ liệu được sử dụng hơn đãvượt quá khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng đảm bảo của mạng lưới.
Trước thắc mắc vì sao doanh nghiệp vẫn lãi lớn, doanh thu tăng mạnh hàng năm mà cần điều chỉnh giá, ông Trung cho biết luật không cho phép bù chéo dịch vụ, bắt buộc phải bóc tách nên 3G sẽ không được tính lẫn với thoại. Do 3G đang bán dưới giá thành, doanh nghiệp lỗ tại dịch vụ này nên theo quy định sẽ phải điều chỉnh do bộ ba Viettel-Mobifone-Vinaphone là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, thị phần hạn chế và phải chịu sự quản lý nghiêm ngặt.