Tại buổi họp báo, Phó GĐ Sở KH&ĐT Phan Thiên Định - đã thông báo khái quát về tình hình thực hiện nhiệm vụ KTXH năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.
Theo đó, năm 2013, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh; sự giám sát có hiệu quả của Thường trực, các Ban và các đại biểu HĐND tỉnh cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, có 9/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,89%. Mặc dù chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng đây là một kết quả hết sức quan trọng, cao hơn bình quân cả nước và cao hơn nhiều tỉnh duyên hải miền Trung. Thu ngân sách đạt kế hoạch đề ra. Việc tiếp tục thực hiện “Năm Đô thị - 2013” và Kết luận 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị trong năm qua đã góp phần cải thiện bộ mặt các đô thị, nhất là đô thị Huế. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công Đề án đề nghị công nhận Thừa Thiên Huế đạt tiêu chuẩn đô thị loại I và Đề án xây dựng Thành phố trực thuộc Trung ương. Trong năm 2013, cũng bằng nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện hiệu quả một số công tác như: xử lý vốn Bia, triển khai dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn La Sơn – Lăng Cô, bố trí vốn cho các dự án khôi phục di tích… Song song với sự phát triển trên lĩnh vực kinh tế, hoạt động du lịch tiếp tục giữ được sự tăng trưởng ổn định, đó là nỗ lực lớn trong điều kiện sân bay tạm đóng cửa, thiên tai xảy ra liên tục; tiếp tục khẳng định vị thế trung tâm văn hóa – du lịch của Thừa Thiên Huế. Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin và truyền thông… phát triển tốt. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được tăng cường giữ vững, chính trị - xã hội ổn định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Đó là: Công tác quy hoạch triển khai vẫn chậm so với tiến độ quy định. Công tác huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cho xây dựng, chỉnh trang các đô thị và phát triển sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn. Chưa kêu gọi được các nhà đầu tư công nghiệp có tiềm lực. Tiến độ triển khai các dự án chậm. Hiệu quả của nền hành chính tỉnh chưa cao. Thị trường tiêu thụ suy giảm, lãi suất đã giảm nhưng khả năng vay vốn của các doanh nghiệp hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh. Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” ở một số lĩnh vực có xu hướng gia tăng do lượng lớn học sinh theo học đại học và cao đẳng làm cho số học sinh theo học nghề hạn chế trong khi nhu cầu lao động làm nghề của tỉnh tăng nhanh...
Năm 2014, Tỉnh sẽ tập trung hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, phát triển môi trường.Phấn đấu, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng khoảng 9%, trong đó: Các ngành dịch vụ tăng 10,7 %; Công nghiệp - xây dựng tăng 8,9%; Nông - lâm - ngư nghiệp tăng 1,8%. Cơ cấu các ngành kinh tế dự kiến: Dịch vụ 54%; công nghiệp - xây dựng 35,7%; nông, lâm, thủy sản: 10,3 %. Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người (GDP): 2.000 USD. Giá trị xuất khẩu hàng hoá 580 triệu USD. Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh 0,2‰, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,1%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,3%. Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 14,0%... Bên cạnh đó, tập trung thực hiện 8 chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; trong đó ưu tiên 3 chương trình trọng điểm sau: Chương trình chỉnh trang đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị; Chương trình phát triển du lịch và Festival Huế 2014; Chương trình xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Về công tác chuẩn bị cho Festival Huế 2014, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế đã thông báo một số nội dung cơ bản về những lễ hội chính, chương trình biểu diễn nghệ thuật cũng như các hoạt động hưởng ứng tại Festival Huế 2014. Festival Huế lần thứ 8 - 2014 tiếp tục với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển" sẽ khai mạc vào ngày 12/4 và kết thúc vào ngày 20/4 với nhiều chương trình lễ hội độc đáo, hoành tráng diễn ra trong 09 ngày đêm như: Chương trình nghệ thuật khai mạc, Đêm Hoàng Cung, Lễ hội Áo dài, Chương trình nghệ thuật tôn vinh Ca Huế, Chương trình Đêm Phương Đông, Chương trình nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse, Lễ hội đường phố "Di sản và sắc màu văn hóa"... Ngoài ra, còn có một số chương trình hưởng ứng Festival Huế 2014 như Liên hoan Múa quốc tế, Liên hoan ẩm thực Việt Nam - Lào - Thái Lan - Campuchia - Myanmar - Trung Quốc; Festival Khoa học, Giải Gold Festival Huế 2014; Giải Tennis tại Festival Huế 2014, Hội chợ thương mại quốc tế...
Festival Huế 2014 hứa hẹn sẽ quy tụ các chương trình nghệ thuật tiêu biểu, đặc trưng cho những vùng văn hóa và các thành phố cố đô của Việt Nam, giới thiệu nghệ thuật ca múa nhạc cung đình và các làn điệu dân ca độc đáo của Huế, các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao của trên 30 quốc gia đến từ 05 châu lục diễn ra hàng đêm tại các sân khấu Đại Nội, Cung An Định, các sân khấu cộng đồng khắp các thị trấn, vùng xa của tỉnh...
Nhân dịp Festival Huế 2014 và các ngày lễ lớn của đất nước, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ triển khai chương trình kích cầu du lịch tại khu di sản Huế - năm 2014 nhằm quảng bá, giới thiệu giá trị Di sản Huế, các dịch vụ văn hóa và du lịch đang tổ chức hoạt động và sẽ triển khai thực hiện tại các điểm tham quan của di tích Huế thông qua những hoạt động giảm giá, khuyến mãi, tặng thưởng cho du khách và công ty du lịch đưa khách đến tham quan di tích Huế.
Tại buổi họp báo, các phóng viên đã trao đổi, nêu một số vấn đề, ý kiến đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng giải đáp như: công tác quản lý của chính quyền trong việc kiềm chế sự tăng đột biến giá cả trong Festival Huế 2014 sắp tới; nâng cao chất lượng biển báo hướng dẫn cho du khách đến với Huế. Đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến độ công tác chỉnh tranh đô thị, hệ thống cấp thoát nước tại một số tuyến đường, giải pháp cho việc buôn bán trên vỉa hè...
Các vấn đề được đề cập tại buổi họp báo của các phóng viên đã được lãnh đạo các ngành chức năng dự họp và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giải đáp cụ thể.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ngô Hòa đánh giá cao sự đóng góp của báo giới đối với công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà trong thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều đóng góp của báo chí để xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển.