Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao đã báo cáo Bộ trưởng một số nội dung liên quan tới kết quả thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị và đề xuất một số kiến nghị liên quan đến việc xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến 2020.
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đang trình Bộ đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế để phục vụ công tác chuẩn bị Đề án đề nghị công nhận Thừa Thiên Huế đạt chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương song song với Đề án thành lập cả tỉnh Thừa Thiên Huế thành TP trực thuộc Trung ương…
Đại diện đơn vị tư vấn là Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và nông thôn - VIAP cho biết: Để xây dựng Thừa Thiên Huế thành TP trực thuộc Trung ương, tỉnh đã có rất nhiều cuộc hội thảo lớn. Lãnh đạo tỉnh và đơn vị tư vấn đều cùng xác định đây là đề tài khó và Huế là đô thị rất đặc thù…
Để xây dựng Thừa Thiên Huế thành TP trực thuộc Trung ương, theo Luật Quy hoạch Đô thị và Nghị định 42/2009/NĐ-CP về Phân loại đô thị cần thiết phải lập Đề án nâng loại công nhận đô thị Thừa Thiên Huế đạt các tiêu chuẩn của đô thị loại I.
Đây là đề án có tính chất đặc biệt, chưa có tiền lệ nên chưa có hướng dẫn trong Nghị định 42/2009/NĐ-CP. Năm 2013, Văn phòng Chính phủ chấp nhận chủ trương xây dựng song song hai Đề án phân loại đô thị Huế và Đề án đưa cả tỉnh Thừa Thiên Huế thành TP trực thuộc Trung ương.
Trong quá trình hình thành và phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đã hội tụ nhiều điều kiện đạt tiêu chuẩn đô thị loại I đặc thù theo Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về phân loại đô thị.
Phạm vi xét công nhận phân loại đô thị bao gồm toàn bộ các khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, khu vực trung tâm thành phố Thừa Thiên Huế tương lai được đánh giá theo các tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
Các đô thị vệ tinh TP Thừa Thiên Huế trong tương lai, xét theo 7 thị trấn đã và đang phát triển là Phú Lộc, Sịa, Phong Điền, A Lưới, Khe Tre, Phú Đa và Lăng Cô. Tổng diện tích xét TP Thừa Thiên Huế trong tương lai là 338km2, dân số thường trú 48,76 vạn người, dân số quy đổi là 5,5 vạn người.
Đánh giá khu vực đô thị trung tâm Huế (bao gồm TP Huế, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và thị trấn Thuận An mở rộng), đơn vị tư vấn cho biết: Có rất nhiều tiêu chí vượt trội so với mức tối đa quy định trong Nghị định 42/2009/NĐ-CP (có tới 11 tiêu chí như diện tích cây xanh, chỉ tiêu đất dân dụng, y tế, giáo dục…), bên cạnh đó cũng còn nhiều tiêu chí chưa đạt mức tối thiểu, nếu không được xét tính chất đặc thù.
Các đô thị vệ tinh của TP Thừa Thiên Huế tương lai là Phú Lộc, Sịa, Phong Điền, A Lưới, Khe Tre, Phú Đa và Lăng Cô đạt tiêu chuẩn loại V, tỉnh cần tiếp tục nâng cấp chất lượng các đô thị này.
Để tạo điều kiện cho Thừa Thiên Huế sớm trở thành TP trực thuộc Trung ương, lãnh đạo tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành Trung ương cho phép áp dụng các điều kiện đặc thù tính điểm theo yêu cầu của Nghị định 42/2009/NĐ-CP để triển khai Đề án phân loại đô thị công nhận Thừa Thiên Huế đạt tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Bộ Xây dựng luôn đồng lòng cùng địa phương thực hiện thắng lợi các đề án. Thừa Thiên Huế tuy còn một số tiêu chí chưa đạt chuẩn nhưng xét trên quan điểm đô thị di sản thì đây là đô thị có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đi đôi với việc bảo vệ di sản, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên.
Bộ trưởng khẳng định: Bộ Xây dựng luôn ủng hộ việc xây dựng đô thị lõi của Thừa Thiên Huế trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Bước tiếp theo là làm quy hoạch và cùng tỉnh lập đề án nâng cả tỉnh Thừa Thiên Huế thành TP trực thuộc Trung ương.
Đối với một số kiến nghị khác của Tỉnh, Bộ trưởng đã góp ý các phương án giải quyết. Trong đó, Bộ trưởng chú trọng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế phải thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị theo đúng tinh thần Nghị định số 11/2013/NĐ-CP do Sở Xây dựng đề xuất và hoạt động như một đơn vị sự nghiệp, chịu sự kiểm soát chuyên môn của Sở Xây dựng, giúp tỉnh quản lý về xây dựng.
|