Đây là một trong những nội dung quan trọng tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên mạng đối với hoạt động quản lý trò chơi điện tử trên mạng.
Theo đó, để được cung cấp game online, doanh nghiệp cần có vốn pháp định tối thiểu 10 tỷ đồng, có hệ thống quản lý thông tin cá nhân người chơi gồm họ tên, địa chỉ số điện thoại, số-ngày cấp và nơi cấp chứng minh thư trong thời gian tối thiểu 2 năm kể từ ngày người chơi đăng ký.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải có hệ thống lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về quá trình sử dụng dịch vụ của người chơi gồm tên tài khoản, địa chỉ IP của thiết bị người chơi, thời gian sử dụng dịch vụ…
Về việc cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản cho trò chơi G1, Thông tư nêu rõ trò chơi không có hình ảnh, âm thanh gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn; kích động bạo lực, thú tính; dung tục, khêu gợi, kích thích dâm ô, trụy lạc, vô luân, trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có biện pháp hiển thị liên tục thông tin về phân loại trò chơi theo độ tuổi cũng như thông tin khuyến cáo “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” ở phía trên màn hình trang chủ, diễn đàn và hiển thị liên tục trên màn hình bên trong của trò chơi.
Nếu doanh nghiệp không triển khai cung cấp trò chơi trong vòng 6 tháng kể từ khi được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản, quyết định sẽ bị thu hồi và không được cấp lại trong vòng 1 năm.
Đặc biệt, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 phải áp dụng biện pháp kỹ thuật để quản lý tập trung tài khoản của người chơi, bảo đảm tổng thời gian sử dụng tất cả các trò chơi điện tử G1 của doanh nghiệp với mỗi người chơi dưới 18 tuổi không quá 180 phút/ngày (kể từ 8-22 giờ).