Theo Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg quy định về Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền, đến ngày 15/5/2013 tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp phải chuyển đổi mô hình tổ chức sang loại hình doanh nghiệp và phải lập hồ sơ xin cấp Giấy phép thiết lập mạng viễn thông đáp ứng điều kiện kỹ thuật dịch vụ trước khi xin cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Ngày 10/5/2013, Bộ TT&TT đã có công văn hướng dẫn tạm thời việc cấp đổi giấy phép truyền hình cáp, lùi thời hạn để làm thủ tục xin cấp phép cho các doanh nghiệp này đến 31/12/2013.
Nếu áp dụng theo đúng quy định này, hết năm 2013 các doanh nghiệp truyền hình cáp chưa có giấy phép sẽ phải ngưng cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, do có nhiều khó khăn khi triển khai nên tại cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã đồng ý với phương án gia hạn thời hạn cấp phép cho các doanh nghiệp truyền hình cáp. Như vậy, sau năm 2013 các doanh nghiệp truyền hình cáp đang cung cấp dịch vụ sẽ được tiếp tục hoạt động như cũ. Chờ sau khi có Nghị định của Chính phủ về quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình, Bộ TT&TT sẽ xem xét để cấp phép cho các doanh nghiệp cáp đang cung cấp dịch vụ tới người dân.
Việc cấp phép cho các doanh nghiệp truyền hình cáp khó triển khai và 2 lần phải lùi thời hạn là do những tồn tại trong quá trình hình thành và phát triển thị trường này.
Giấy phép của đài, mạng của doanh nghiệp
Truyền hình trả tiền ở Việt Nam được cung cấp từ năm 1993, khởi đầu với sự ra đời của dịch vụ truyền hình cáp vô tuyến MMDS. Cho đến năm 2001, truyền hình trả tiền đã phát triển mạnh mẽ với sự phổ biến của công nghệ cáp hữu tuyến. Đến cuối năm 2011 cả nước có trên 40 đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền với đủ các loại hình: cáp, vệ tinh, số mặt đất, truyền hình IP, truyền hình di động. Cả nước đã có hơn 4 triệu thuê bao truyền hình trả tiền trong đó có tới 65% là thuê bao truyền hình cáp hữu tuyến và công nghệ analog.
Trước khi Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg, cơ quan nhà nước đã cấp 47 giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp và 9 giấy phép truyền dẫn phát sóng truyền hình cáp. Tất cả các giấy phép này được cấp cho các đài PT-TH địa phương, những đơn vị này sử dụng giấy phép hoạt động truyền hình cáp để tự tổ chức thực hiện hoặc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác để triển khai hạ tầng mạng truyền hình cáp.
Theo Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, đa số các doanh nghiệp truyền hình cáp tại địa phương đều cung cấp dịch vụ dựa trên giấy phép của các Đài PT-TH, cho nên thực chất là các doanh nghiệp này hoạt động chưa có giấy phép. Đặc điểm của thị trường truyền hình cáp giai đoạn này là manh mún, dàn trải, khó kiểm soát. Hơn nữa nhà nước hầu như không quản lý việc liên doanh, liên kết của các đơn vị đã được cấp giấy phép với các đơn vị liên kết.
Năm 2011, Quyết định 20/2011/QĐ-TTg ra đời cho phép doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều được tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Sau thời gian này, một số doanh nghiệp truyền hình cáp nhỏ, có số thuê bao dưới 10.000 đã tự mua bán sáp nhập, tính đến nay chỉ còn khoảng 26 doanh nghiệp tham gia thị trường truyền hình cáp. Phạm vi thuê bao của các doanh nghiệp từ 50.000 đến 100.000 thuê bao.
Có một vướng mắc khá lớn là giấy phép trước đây được cấp cho các Đài PT-TH địa phương, nhưng hạ tầng mạng cáp lại thuộc về đoanh nghiệp liên kết. Chính vì lý do này mà hầu hết các đơn vị đang cung cấp dịch vụ đều chưa chuyển đổi mô hình tổ chức để làm thủ tục xin phép. Mặt khác, nhiều giấy phép cấp cho các Đài PT-TH đã sắp hết hạn, cho nên nhiều doanh nghiệp nhỏ đã tự động mua bán, sáp nhập.
Sẽ sắp xếp lại thị trường truyền hình cáp
Vì bất cập này nên từ năm 2011 đến nay Bộ TT&TT mới có thể cấp giấy phép cung cấp truyền hình cáp cho 5 doanh nghiệp là: Công ty TNHH Truyền hình cáp SaigonTourist - SCTV, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) và Công ty CP Viễn thông FPT Telecom, 4 doanh nghiệp này được phép cung cấp dịch vụ trên phạm vi toàn quốc. Chỉ có Công ty TNHH MTV Dịch vụ kỹ thuật truyền thông HTV - TMS được phép cung cấp dịch vụ trên phạm vi 29 tỉnh, thành phố.
Còn lại gần 20 doanh nghiệp truyền hình cáp cung cấp dịch vụ tại các địa phương là chưa có giấy phép, đa số là doanh nghiệp tư nhân hoặc liên kết cung cấp dịch vụ từ nhiều năm nay.
Trong thời gian tới, chủ trương của nhà nước là sẽ sắp xếp lại thị trường truyền hình cáp theo hướng giảm dần số lượng doanh nghiệp, với khoảng 5 doanh nghiệp cung cấp trên phạm vi toàn quốc, giảm tối đa số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên phạm vi một vùng hoặc trong phạm vi một tỉnh.
Nhà nước cũng ưu tiên cấp phép cho những doanh nghiệp triển khai cung cấp dịch vụ tại vùng sâu vùng xa, vùng còn khó khăn, khuyến khích các doanh nghiệp cam kết áp dụng công nghệ số hóa tương ứng với lộ trình số hóa truyền hình của Chính phủ.