Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Mô hình một cửa điện tử: Cần có một “mô hình chuẩn” và thống nhất
Ngày cập nhật 15/01/2013

 Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến tháng 12/2012, mô hình một cửa tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đã được 687 trên tổng số 700 đơn vị cấp huyện trên cả nước triển khai. Trong đó, có tới trên 200 đơn vị đã triển khai mô hình một cửa điện tử hiện đại. Tuy đã bước đầu phát huy hiệu quả, song mô hình hiện đại này cũng đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức.

 Giảm khối lượng công việc thủ công từ 20% đến 30%

Trong số các tỉnh thành đi đầu trong triển khai mô hình một cửa điện tử không thể không kể đến Hà Nội. Đến nay, trên địa bàn thành phố, 100% UBND huyện, quận đã sử dụng phần mềm một cửa điện tử, hỗ trợ việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, các thiết bị phục vụ người dân tra cứu như kiosk, màn hình cảm ứng, thiết bị đọc mã vạch cũng đã được triển khai. 10/29 UBND quận, huyện đã triển khai giải pháp nhắn tin kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho công dân và doanh nghiệp thông qua điện thoại di động, hay tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ trên website của quận, huyện. Phần mềm một cửa của huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Long Biên cũng đã kết nối liên thông tới Cục thuế, Kho bạc. Nhờ đó, việc liên thông giải quyết thủ tục hành chính cho người dân được nhanh chóng và thuận tiện hơn trước rất nhiều...

Theo đánh giá của Sở TT&TT thành phố Hà Nội, phần mềm một cửa điện tử đã giúp các cán bộ thụ lý hồ sơ nâng cao năng suất, giảm khối lượng công việc thủ công từ 20% đến 30%; hỗ trợ cán bộ trong quá trình thụ lý hồ sơ, cung cấp thông tin chính xác kịp thời, bất cứ lúc nào, đồng thời giúp việc tra cứu, tìm kiếm, in ấn, thống kê báo cáo dễ dàng hơn. Từ thành công của mô hình một của điện tử, trong năm 2013, thành phố Hà Nội dự kiến sẽ mở rộng mô hình này đến cấp xã phường, với mục tiêu 23% UBND xã phường ứng dụng mô hình một của điện tử.

Vẫn chưa triệt để “điện tử”

Theo Bộ Nội vụ, mô hình một cửa điện tử đang được 42 trên 63 tỉnh, thành triển khai. Trong đó có 9 tỉnh, thành triển khai ở tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện. Tính chung cả nước có 203/700 đơn vị hành chính cấp huyện đang triển khai cơ chế một cửa điện tử, hay còn gọi là một cửa liên thông hiện đại. Việc ứng dụng CNTT tại bộ phận một cửa đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với việc xử lý hồ sơ, tỉ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn đạt mức 88,2%. Tuy đã khẳng định được tính hiệu quả, song mô hình một cửa điện tử ở nhiều địa phương đang vấp phải khá nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Văn Diệu, Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang cho rằng, sự vận hành của hệ thống một cửa điện tử hiện nay vẫn đan xen các khâu giải quyết thủ công, chưa triệt để “điện tử”. Ví dụ như, việc chuyển hồ sơ cho các bộ phận giải quyết vẫn làm thủ công, chuyển giao hồ sơ giấy, chưa phải “hồ sơ điện tử”. Do vậy, thời gian giải quyết còn chưa thể rút ngắn, do phải mất thời gian cho công đoạn bàn giao “hồ sơ giấy” giữa các bộ phận.

Việc đầu tư một số thiết bị tại nhiều địa phương còn chưa hiệu quả, do chưa phù hợp với trình độ dân trí. Hiện nay không ít người dân chưa biết sử dụng CNTT, nên họ không biết cách tra cứu tài liệu trong hệ thống màn hình cảm ứng, không biết xếp hàng điện tử, cũng không biết dùng mã vạch tra cứu kết quả… Bên cạnh đó, phần lớn người dân nếu tham gia thì cũng chỉ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp 1, 2 là đọc thủ tục hành chính trên mạng; in ra và mang đi nộp, còn dịch vụ công cấp 3, nghĩa là có thể nộp hồ sơ qua mạng thì vẫn còn hạn chế và chưa được nhiều người sử dụng.

Còn theo bà Kim Lan Hương, Trưởng phòng Ứng dụng CNTT - Sở TT&TT thành phố Hà Nội, việc các quận huyện và phường xã triển khai các phần mềm một của điện tử “na ná” nhau, nhưng lại do nhiều doanh nghiệp cung cấp đang đặt ra bài toán khó cho việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội đang tính đến phương án sử dụng chung phần mềm một cửa điện tử, được cung cấp và tích hợp với nhau thông qua Trung tâm dữ liệu của thành phố.

400 huyện sẽ được hỗ trợ triển khai mô hình một của điện tử

Bộ Nội vụ đánh giá, mô hình điện tử đang chủ yếu được các địa phương tự triển khai, nhiều phần mềm do địa phương tự xây dựng, nên mỗi nơi một kiểu. Nguyên do là chưa có hướng dẫn chung từ Trung ương, đặc biệt là hướng dẫn về mô hình chuẩn cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại và phần mềm điện tử dùng chung, thống nhất cho tất cả các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện. Để nhân rộng cơ chế một của điện tử, Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án hỗ trợ mô hình này tại UBND cấp huyện giai đoạn từ nay đến 2015. Đề án này đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong tháng 12/2012.

Theo dự thảo đề án, đến năm 2015 với sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương, cả nước sẽ có thêm 400 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện cơ chế một cửa điện tử. Như vậy, đến cuối năm 2015, cả nước sẽ có 650 đơn vị hành chính cấp huyện trên tổng số 700 đơn vị triển khai mô hình này. Số ít không triển khai là các huyện đảo, huyện miền núi quá ít giao dịch. Các huyện được Trung ương hỗ trợ triển khai mô hình một của điện tử sẽ được trang bị hạ tầng CNTT và phần mềm điện tử dùng chung, được hỗ trợ tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức. Bộ Nội vụ cũng sẽ phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng và chuyển giao phần mềm điện tử dùng chung cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện cho các địa phương.

Theo đánh giá của Cục Ứng dụng CNTT - Bộ TT&TT, chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn tồn tại một số hạn chế và cần phải hiện đại hóa nền hành chính thông qua ứng dụng CNTT. Trong đó mô hình một cửa điện tử rất cần được nhân rộng. Và để thực hiện hiệu quả mô hình này, thì việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức phải chuyên nghiệp, chất lượng. Việc phối hợp công tác giữa các tổ chức trong hệ thống phải thông suốt, thông tin phải được minh bạch và chia sẻ. Bên cạnh đó, nền hành chính phải hướng đến việc phục vụ người dân. Việc đưa lên mạng các giao dịch hành chính sẽ giúp đơn giản hoá các thủ tục giấy tờ, giảm bớt quan liêu, và làm cho các tác nghiệp diễn ra nhanh hơn và dễ dàng hơn thông qua việc điện tử hoá các thủ tục khai báo, đăng ký, lưu trữ và báo cáo thống kê...

theo mic.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.357.727
Hiện tại 998 khách