Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu, bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa lần này là bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. Các tư liệu cho thấy, nhà nước Việt Nam từ thời kỳ phong kiến, trải qua nhiều thập kỷ bị đô hộ, xâm lược, cho đến đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất tổ quốc và đang xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được biên soạn, xuất bản từ thế kỷ XVI đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Phát biểu tại buổi khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền Thông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh: Triển lãm bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử” hôm nay là một hoạt động rất có ý nghĩa, tiếp nối các cuộc triển lãm đã được tổ chức tại Đà Nẵng và Hà Tĩnh thời gian qua đã thu hút hàng chục ngàn lượt người xem. Triển lãm cũng là dịp để chúng ta khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua gần 200 bản đồ, bức ảnh, tư liệu quý đã được khẳng định từ các triều đại của nhà nước phong kiến Trung Quốc trước đây cũng như nhà nước Trung quốc qua các thời kỳ; các nước phương Tây cũng như các triều đại phong kiến Việt Nam, nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã phát hành, lưu giữ những tư liệu quý giá này. Mặt khác, đây là những bằng chứng khẳng định chủ quyền của chúng ta tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng thời, cũng là dịp để chúng ta gửi thông điệp đến với bạn bè thế giới cũng như nhân dân Trung Quốc rằng: Nhân dân Việt Nam từ bao đời nay đã bảo vệ gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của mình ở hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa với tinh thần đoàn kết, hữu nghị, tôn trọng luật pháp quốc tế. Mặt khác, thông qua triển lãm cũng là dịp để tri ân đồng bào, chiến sĩ trong cả nước; kiều bào ta ở nước ngoài trong suốt nhiều năm qua đã dày công sưu tầm, gìn giữ để hôm nay hiến tặng cho chúng ta tổ chức triển lãm, làm tư liệu hết sức quý giá cho hôm nay và cho muôn đời sau.
Tại triển lãm đã trưng bày gần 150 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật và ấn phẩm là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế. Triển lãm được chia thành các nhóm tư liệu chính gồm: Phiên bản của các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX; Tập bản đồ gồm 95 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc công bố từ thế kỷ XVI đến nay; Ba cuốn atlas (tập bản đồ chính thức) do các nhà nước Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908, 1919 và 1933 (gồm Atlas Trung Quốc địa đồ xuất bản năm 1908, bằng tiếng Anh; Atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ: do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919, in bằng 3 thứ tiếng Trung - Anh - Pháp; Atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ: do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc tái bản tại Nam Kinh vào năm 1933, in bằng 3 thứ tiếng Trung - Anh - Pháp).
Điều đáng chú ý khác, các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục vào các năm sau đó. Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong atlas. Do vậy, mà cương giới cực nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điều này chứng tỏ rằng cho đến khi nhà Thanh phát hành các atlas này vào năm 1908 và sau đó chính quyền Trung Hoa dân quốc tái bản các atlas này vào các năm 1919 và 1933, thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử” phi lý của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Triển lãm còn trưng bày một số tư liệu, văn bản, ấn phẩm của các nước phương Tây từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, tư liệu về quần đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và một số hình ảnh, tư liệu về hoạt động phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội của Hoàng Sa và Trường Sa trong thời gian gần đây.
Đặc biệt, triển lãm cũng là dịp để giáo dục truyền thống, giáo dục ý thức, lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc - nhất là chủ quyền biển đảo.
Triển lãm diễn ra từ ngày 9 đến ngày 15/7/2013 tại Bảo tàng Lịch sử quân đội Việt Nam 28A Điện Biên Phủ, Hà Nội.