Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Tỉnh Thừa Thiên Huế đáng giá công tác CCHC 9 tháng đầu năm 2024
Ngày cập nhật 29/10/2024

Trong Quý III năm 2024, công tác CCHC được UBND tỉnh tiếp tục được chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, các văn bản chỉ đạo thực hiện CCHC được ban hành kịp thời. UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương đẩy mạnh công tác CCHC, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có sự chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.

 

Về công tác chỉ đạo điều hành, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các quyết định, kế hoạch, chỉ thị[1] đã ban hành từ đầu năm bằng các văn bản triển khai, đôn đốc các nhiệm vụ, UBND tỉnh đã ban hành. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã chủ động, kịp thời tham mưu thực hiện các nhiệm vụ được giao, đảm bảo tiến độ đề ra,  tỉnh đã triển khai và hoàn thành 20/34 các nhiệm vụ đã đề ra. Các nhiệm vụ còn lại chủ yếu là công tác đánh giá kết quả cuối năm và xây dựng Kế hoạch triển khai năm 2024. Phấn đấu đến ngày 31/12/2023, tỉnh hoàn thành 34/34 nhiệm vụ (đạt tỷ lệ 100%).

Công tác kiểm tra CCHC luôn được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch kiểm tra và thành lập Đoàn kiểm tra[2]. Công tác kiểm tra được chỉ đạo tập trung đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC, kết hợp việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và tình hình giải quyết TTHC tại cơ quan, đơn vị. Tính đến ngày 10/9/2024, Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh đã kiểm tra và ban hành Thông báo kết luận kiểm tra tại 07 sở, 01 đơn vị cấp huyện và một số đơn vị cấp xã thuộc huyện[3]. Đang dự thảo thông báo kết luận kiểm tra tại UBND thị xã Hương Thủy.

Công tác tự kiểm tra CCHC của sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã tiếp tục được nâng cao nhằm chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước. Qua công tác kiểm tra, đã kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc; đồng thời đề ra những giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế về công tác CCHC trong thời gian đến tại các cơ quan, địa phương được kiểm tra.

Trong Quý III năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành 27 Quyết định công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh. Cập nhật công khai TTHC trên CSDL quốc gia 290 TTHC[4] và bãi bỏ 23 TTHC.

Tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương: 290 TTHC; trong đó: số TTHC do Trung ương quy định: 290 TTHC; số TTHC do địa phương quy định: 0 TTHC. 100% TTHC sau khi được UBND tỉnh công bố ban hành đã được các sở, ban, ngành cấp tỉnh cập nhật vào Hệ thống thông tin TTHC của tỉnh Thừa Thiên Huế theo đúng quy định và công khai trên Trang thông tin điện tử của đơn vị. Niêm yết công khai đầy đủ, đúng quy định đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại địa điểm tiếp nhận và giải quyết TTHC (Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Trung tâm Hành chính công cấp huyện; Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hiện đại cấp xã).

Về tình hình công bố danh mục TTHC tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa: Hiện toàn tỉnh có 2.059 TTHC được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 09 Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện và 141 Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hiện đại cấp xã (đạt 100% theo quy định). Trong đó: Cấp sở 1.554 TTHC một cửa (459 TTHC liên thông); UBND cấp huyện 367 TTHC một cửa (35 TTHC liên thông); UBND cấp xã 138 TTHC một cửa (17 TTHC liên thông). 100% TTHC đủ điều kiện được đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận một cửa các cấp, trừ các TTHC thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 14 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP. Tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, các Trung tâm Hành chính công cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Sử dụng Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và công khai tiến độ giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp từng cấp và ban hành các Quyết định[5] phê duyệt danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan đơn vị tại Bộ phận một cửa các cấp. Chế độ hỗ trợ cho công chức, viên chức và người lao động được quan tâm.

Vê tỉnh hình giải quyết TTHC, Từ ngày 15/06/2024 đến ngày 15/09/2024, tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận: 106.071 hồ sơ, (trong đó có 68.832 hồ sơ nộp trực tuyến, đạt tỷ lệ 64,89%), cụ thể:

+ Cấp tỉnh: Tổng số hồ sơ mới tiếp nhận trong kỳ báo cáo là: 24.836 hồ sơ (trong đó có 21.497 hồ sơ nộp trực tuyến, đạt tỷ lệ 86,56%). Số lượng hồ sơ đã giải quyết: 21.396 hồ sơ, giải quyết trước hạn: 7.030, đúng hạn: 13.804 hồ sơ (đạt tỷ lệ 97,37%), quá hạn: 562 hồ sơ; số lượng hồ sơ đang giải quyết: 2.710 hồ sơ; hồ sơ chờ tiếp nhận: 433 hồ sơ.

+ Cấp huyện: Tổng số hồ sơ mới tiếp nhận trong kỳ báo cáo là: 34.012 hồ sơ (trong đó có 13.951 hồ sơ nộp trực tuyến, đạt tỷ lệ 41,02%. Số lượng hồ sơ đã giải quyết: 26.212 hồ sơ: trong đó, giải quyết trước hạn: 16.168; đúng hạn: 7.706 hồ sơ (đạt tỉ lệ 96,29%), quá hạn: 2.338 hồ sơ ( trong đó có 1.416 hồ sơ không hợp lệ). Số lượng hồ sơ đang giải quyết: 7.181 hồ sơ; số hồ sơ chờ tiếp nhận: 900 hồ sơ.

+ Cấp xã: Tổng số hồ sơ mới tiếp nhận trong kỳ báo cáo là: 47.223 hồ sơ (trong đó có 33.384 hồ sơ nộp trực tuyến, đạt tỷ lệ 70,69%). Số lượng hồ sơ đã giải quyết: 45.679 hồ sơ: trong đó, giải quyết trước hạn: 33.092, đúng hạn: 12.063 hồ sơ (đạt tỉ lệ 99,16%), quá hạn 384 hồ sơ. Số lượng hồ sơ đang giải quyết: 1.413 hồ sơ; số hồ sơ chờ tiếp nhận: 396hồ sơ.

Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm giải quyết hồ sơ TTHC được các sở, ban, ngành, địa phương xác định chủ yếu là do: một số hồ sơ cần phải xác minh cụ thể hoặc phải thành lập đoàn kiểm tra, thẩm định và do các nguyên nhân khách quan khác, kể cả từ phía người nộp hồ sơ.

Tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính quyền số. Triển khai mạng diện rộng tỉnh theo mô hình mạng MetroNet kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ; thiết lập việc truy cập internet trong cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng tập trung. Đến nay, đã có 474 cơ quan, đơn vị (đạt 100%) cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã triển khai kết nối mạng MetroNet kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ, Internet tập trung.

Tiếp tục giám sát, theo dõi, điều chỉnh, nâng cấp các nội dung báo cáo đã thực hiện; tiếp tục rà soát hệ thống báo cáo số (bc.thuathienhue.gov.vn) để cung cấp cho các sở ngành địa phương.

Thực hiện Chuẩn hóa cấu trúc cơ sở dữ liệu lĩnh vực bưu chính viễn thông, chuẩn hóa dữ liệu du lịch, dịch các địa điểm sang tiếng Nhật, chuẩn hóa dữ liệu địa chỉ số, địa điểm địa bàn xã Phong An, số hóa dữ liệu chỉ số dịch vụ công theo cấp tỉnh và cấp đơn vị, cung cấp dữ liệu AI, tạo mã định danh cây đơn vị chi bộ toàn tỉnh...

Nền tảng làm việc số với mô hình tích hợp lại tất cả các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử, mô hình hơn 23 quy trình số đã tạo ra một nền tảng thống nhất trong hoạt quản lý nhà nước, thực thi công vụ của công chức, viên chức trên một nền tảng thống nhất bao gồm (Quản lý công việc, văn bản, lịch công tác, xử lý dịch vụ công, xử lý phản ánh hiện trường, nhận góp ý người dân, trả lời câu hỏi người dân; họp không giấy tờ…)

Vận hành, hỗ trợ nền tảng làm việc số, trang thông tin điện tử các cấp, nền tảng Hue-S, vận hành quy trình mạng lưới phát ngôn toàn tỉnh trên nền tảng làm việc số, hệ thống phản ánh hiện trường, hệ thống quản lý cán bộ công chức, viên chức. Vận hành, hỗ trợ trang thông tin điện tử các cấp (đã hỗ trợ cập nhật 06 trang TTĐT).

Kết quả cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến: 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình, một phần và thực hiện Một cửa liên thông trên môi trường mạng. 100% UBND cấp xã có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mô hình một cửa điện tử hiện đại. Toàn tỉnh có 1.953 TTHC trong đó có 1.859 TTHC được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến chiếm tỷ lệ 95% (gồm: 787 TTHC được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình chiếm tỷ lệ 40,29% và 1072 TTHC được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến một phần). Tỷ lệ hồ sơ DVC trực tuyến toàn tỉnh trong Quý III năm 2024 đạt 64,89%; DVC trực tuyến đã chuyển dần từ cán bộ hướng dẫn làm thay sang công dân tự làm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao; các hệ thống liên thông chưa kịp thời, dữ liệu quản lý các ngành số hóa chưa đầy đủ; các dịch vụ thanh toán trực tuyến còn gặp nhiều bất cập, chưa khuyến khích được nhiều người dân sử dụng. Những hạn chế về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc tại bộ phận một cửa ở cấp xã vẫn chưa được khắc phục.

Tồn tại nhiều nền tảng phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia, do đó, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện kết nối, quản lý, vận hành, duy trì, bảo đảm an toàn thông tin cho nhiều kết nối. Việc này dẫn đến sự chồng lấn trong triển khai kết nối, khó khăn trong quản lý trên quy mô quốc gia, không tối ưu về mạng lưới, về nguồn lực triển khai, gây bối rối cho các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.

Để khắc phục những hạn chế đó, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV như sau:

Một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình CCHC gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; triển khai Chương trình tổng thể CCHC gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh  Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Hai là, tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các bộ phận, đầu mối trực thuộc sở, ban, ngành và UBND cấp huyện theo Nghị định 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Ba là, đẩy mạnh cải cách thể chế, thực hiện tốt quy trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL, nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành và kiểm tra, tổ chức thực hiện văn bản QPPL. Thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bốn là, đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, kiểm soát quy định TTHC, kiểm soát việc thực hiện TTHC một cách hiệu quả và toàn diện, tập trung nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC, kiểm soát việc thực hiện TTHC được giao gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Năm là, tăng cường việc tiếp nhận và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử
thuộc phạm vi chức năng quản lý của UBND tỉnh. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia thực hiện và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Triển khai các biện pháp đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan; tăng cường chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường số, theo mục tiêu “Làm việc không giấy tờ; hội họp không tập trung; dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không dùng tiền mặt”.

Sáu là, duy trì và triển khai thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn theo các Nghị định của Chính phủ.

Bảy là, tiếp tục cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp thông qua cơ chế đối thoại. Triển khai và lập kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024; điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tám là, Triển khai đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn năm 2024.

 

 


[1] Quyết định số 3044/QĐ-UBND ngày 22/12/2023 về việc phê duyệt Kế hoạch CCHC gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh năm 2024; Kế hoạch số 437/KH-UBND ngày 30/12/2023 về kiểm soát TTHC năm 2024 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch 425/KH-UBND ngày 26/12/2023 về tuyên truyền CCHC trên địa bàn tỉnh năm 2024

[2] Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 22/01/2024 của UBND tỉnh về kiểm tra công tác CCHC, thực hiện ý kiến chỉ đạo và kiểm soát TTHC, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường mạng trên địa bàn tỉnh năm 2024; Quyết định số 1040/QĐ-UBND ngày 19/4/2024 của UBND tỉnh về thành lập Đoàn kiểm tra công tác CCHC, thực hiện ý kiến chỉ đạo và kiểm soát TTHC, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024.

[3] Sở Công Thương; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Ban Dân tộc; Sở Du lịch và UBND huyện Phong Điền.

[4] Trong đó: mới ban hành: 169 TTHC; sửa đổi, bổ sung/thay thế: 121 TTHC.

[5] Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 04/3/2024 về phê duyệt danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ban, ngành cấp tỉnh đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Quyết định số 592/QĐ-UBND ngày 09/3/2024 về phê duyệt danh mục TTHC thuộc thầm quyền giải quyết của UBND và các cơ quan cấp huyện được đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công cấp huyện; 

 

D.Q
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.327.127
Hiện tại 2.483 khách