Chiến dịch tuyên truyền Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024 tập trung cung cấp các kỹ năng giúp người dân nhận biết và ứng phó được khi gặp tình huống lừa đảo trực tuyến. Đây là năm thứ 2 chiến dịch truyền thông về phòng chống lừa đảo trực tuyến được Bộ TT&TT giao Cục An toàn thông tin chủ trì triển khai.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), tiếp nối những kết quả đã đạt được ở năm đầu tiên, chiến dịch tuyên truyền năm 2024 đặt trọng tâm vào kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dân. Khi có kỹ năng, dù có xuất hiện hình thức, kỹ thuật lừa đảo mới, người dân vẫn có thể ứng phó, tránh được các bẫy lừa đảo. Chiến dịch cũng nhằm giảm tỷ lệ người dân bị lừa đảo trực tuyến thông qua việc nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng tránh. Đồng thời, xây dựng và mở rộng Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức an toàn thông tin bền vững, thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa Cục An toàn thông tin, các thành viên Liên minh cùng những đơn vị phối hợp.
Trước đó vào năm 2023, chiến dịch tuyên truyền đã tập trung giúp người dân nhận diện, phòng tránh 24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến trên không gian mạng Việt Nam.
Trong kế hoạch mới phê duyệt, Bộ TT&TT nêu rõ yêu cầu việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và gần gũi với công chúng.
Cùng với đó, cần luôn đổi mới phương pháp và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin thông qua các chiến dịch truyền thông mà Liên minh phối hợp triển khai.
Với mong muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả của chiến dịch tuyên truyền, trong các tháng 9 và 10/2024, Cục An toàn thông tin sẽ phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị và các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa mạnh mẽ các thông điệp truyền thông về phòng chống lừa đảo trực tuyến đến từng nhóm đối tượng như công nhân, người lao động; trẻ em, học sinh, sinh viên, phụ huynh và người chăm sóc trẻ; người cao tuổi, người yếu thế...
Không chỉ tận dụng ưu thế của mạng xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng, chiến dịch tuyên truyền Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024 còn có kế hoạch huy động cả hệ thống thông tin cơ sở cùng lực lượng hơn 457.800 thành viên của trên 93.000 Tổ công nghệ số cộng đồng trên khắp cả nước tham gia phổ biến các nội dung, hình thức lừa đảo trực tuyến và cách phòng tránh cho người dân ở các khu dân cư, nhất là người yếu thế.
Đáng chú ý, trong chuỗi hoạt động hợp tác cùng các mạng xã hội để triển khai chiến dịch, Cục An toàn thông tin dự kiến tổ chức giải thưởng KOLs có các video, content viral về hướng dẫn kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến được lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Song song đó, cơ quan chuyên trách về an toàn thông tin mạng của Bộ TT&TT còn cùng các nền tảng mạng xã hội tạo các hoạt động tương tác như câu hỏi đố vui, livestream chia sẻ về lừa đảo trực tuyến, tổ chức cuộc thi chia sẻ kinh nghiệm tránh lừa đảo.
Đồng thời, hợp tác với những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn trên mạng để làm các video ngắn tuyên truyền kỹ năng nhận diện lừa đảo. Những video ngắn lan tỏa thông điệp phòng chống lừa đảo trực tuyến có sự tham gia của nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng hiện đang tập trung vào 6 hình thức lừa đảo phổ biến là lừa đảo mạo danh, lừa đảo đầu tư, lừa đảo việc làm, lừa đảo tài chính, lừa đảo cho vay, lừa đảo xổ số.
Dự kiến, việc tổng kết, đánh giá chiến dịch tuyên truyền Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024 sẽ được Bộ TT&TT thực hiện vào tháng 11.
Quốc An
Nguồn: Tạp chí An toàn thông tin