Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Ngành Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện tốt các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)
Ngày cập nhật 15/12/2023

Để góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản về việc tuyên truyền nâng cao Chỉ số PCI năm 2023 nhằm triển khai thực hiện tốt các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PCI Sở được giao quản lý.

 

Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thường xuyên, liên tục; là giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong cơ quan, đơn vị, đồng thời tuyên truyền cho các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư hiểu được những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tăng cường sự đồng thuận, chia sẻ giữa DN với chính quyền. Kết quả cụ thể như sau:

* Tăng cường công tác tuyên tuyền các nội dung nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Trong năm 2023, Sở đã thường xuyên chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách; rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Khuyến khích người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí. Công khai, minh bạch quy trình giải quyết thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và thu hút đầu tư.

Đổi mới hoạt động cung cấp thông tin trên cổng, trang TTĐT của đơn vị  nhằm tăng tỷ lệ tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên tổ chức các cuộc họp với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh.

* Về tăng tính minh bạch thông tin trên trên cổng, trang TTĐT cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh

Hệ thống Cổng Thông tin điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế gồm Cổng Thông tin điện tử tỉnh và 174 Cổng/Trang thông tin điện tử thành phần của các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các tổ chức chính trị - xã hội.

Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tiến hành rà soát Trang thông tin điện tử của đơn vị nhằm tái cấu trúc để tổ chức nội dung thông tin theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/06/2022 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ:

 Thực hiện cập nhật kịp thời các văn bản điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh đối với Cổng Thông tin điện tử tỉnh, lãnh đạo các cấp đối với trang TTĐT các cấp và hiển thị thông tin tại vị trí thuận lợi trên cổng, trang TTĐT cơ quan nhà nước giúp người dân, doanh nghiệp truy cập tiếp cận dễ dàng thông tin, đảm bảo tăng số lượng tiếp cận thông tin mức cao nhất.

 Triển khai tái cấu trúc đổi mới về công nghệ, kỹ thuật một số cổng, trang TTĐT cơ quan cấp Sở, huyện, xã có giao diện website thân thiện với người dùng và tương thích với hầu hết các thiết bị di động, tốc độ tải trang và hiển thị thông tin trên website rõ ràng, nhanh chóng. Đảm bảo việc kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã giữa cổng/trang TTĐT tuân thủ theo Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh và các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc hoạt động và đăng tải thông tin trên cổng, trang TTĐT của các cơ quan nhà nước đảm bảo chính xác, đầy đủ, cập nhật, kịp thời, minh bạch, thuận lợi và tuân thủ các quy định của pháp luật; góp phần phục vụ phát triển chính quyền số và đáp ứng yêu cầu cải thiện, nâng cao chất lượng về các chỉ số của tỉnh về PCI, DTI, ICT-Index.

* Hoàn thiện nền tảng số kết nối doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin chính sách, kết nối Nhà nước và hỗ trợ pháp lý

Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan xây dựng chuyên mục trên Hue-S về hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 602/STTTT-CNTT ngày 15/3/2023 gửi Sở KHĐT đề xuất giao diện và mô hình triển khai chuyên mục trên Hue-S về hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

* Hoàn thiện nền tảng dịch vụ công trực tuyến

Hiện nay, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình, một phần và thực hiện Một cửa liên thông trên môi trường mạng. 100% UBND cấp xã có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mô hình Một cửa điện tử hiện đại; toàn tỉnh có 1.953 thủ tục hành chính; trong đó có 787 DVC trực tuyến toàn trình chiếm tỉ lệ 40% và 1.072 DVC trực tuyến một phần chiếm tỉ lệ 55%. Tỷ lệ TTHC được tích hợp, triển khai thanh toán trực tuyến là 100% trên tổng số 654 thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính.

 Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã kết nối và khai thác CSDL quốc gia về dân cư đảm bảo triển khai Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ đối với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh không yêu cầu CD cung cấp thông tin đã có trong CSDL quốc gia về dân cư.

 Đã liên thông các dịch vụ công thiết yếu triển khai theo Đề án 06 với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.

Dịch vụ công trực tuyến trên ứng dụng Hue-S đang được nâng cấp đảm bảo kỹ thuật theo hướng dẫn Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05 tháng 4 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ và các hướng dẫn của Trung ương.

* Về xây dựng chính quyền điện tử

Hiện nay,  Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp được triển khai đồng bộ và liên thông 4 cấp; đáp ứng đầy đủ tính năng gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị gắn với việc sử dụng chữ ký số cho 100% các cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp nhà nước có tham gia gửi nhận văn bản.

100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã được cấp chữ kỹ số cho tổ chức, đơn vị và các cá nhân dưới dạng USB Token, các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh được cấp SIM PKI ký số dành cho thiết bị di động với 101 SIM PKI. Đến nay, toàn tỉnh đã có 7.368 chứng thư số chuyên dùng, được các cơ quan, đơn vị sử dụng ký số trong phát hành các văn bản điện tử trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống một cửa điện tử và sử dụng trong các giao dịch điện tử như: giao dịch với Ngân hàng, Kho bạc, Thuế, Bảo hiểm xã hội,…

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia và Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cùng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số tổ chức Lễ phát động chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân. Đến nay đã cấp 8.382 chữ ký số công cộng.

Tiếp tục khai thác sử dụng hiệu quả Hệ thống thư điện tử công vụ trong việc trao đổi thông tin của cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Đã cấp hơn 14.853 tài khoản thư điện tử @thuathienhue.gov.vn cho các cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến bước đầu được triển khai, phục vụ tốt các cuộc họp giữa tỉnh với Trung ương và với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. 100% UBND cấp huyện có phòng họp trực tuyến (thuê dịch vụ).

* Hoàn thiện nền tảng quản lý, điều hành số doanh nghiệp

Hiện tại, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh thuộc Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp các đơn vị cung cấp dịch vụ bổ sung vai trò Doanh nghiệp trên nền tảng Hue-S, đã tích hợp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động đảm bảo đáp ứng đầy đủ  công cụ quản lý trên nền tảng số: văn phòng điện tử (xử lý công văn, văn bản điện tử); mạng xã hội công việc (tương tác, truyền thông nội bộ); quản trị nguồn nhân lực, tiền lương; quản lý quy trình, luồng công việc và lập lịch; quản lý thời gian làm việc; quản lý mua/ bán hàng và phân phối; hóa đơn điện tử - hợp đồng điện tử - báo cáo Thuế…

* Về đảm bảo an toàn an ninh mạng

Công tác đảm bảo An toàn an ninh mạng luôn được Sở chú trọng. Trong năm 2023, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý 6.598.676 lượt tấn công mạng; 91.391 lượt virus phát tán; 82.052 lượt phát tán email rác; chặn 3.847 email chứa mã độc, 410 email lừa đảo; khóa 14 tài khoản email lộ mật khẩu; xử lý ứng cứu 67 sự cố và hỗ trợ 60 đơn vị loại bỏ mã độc. Nguy cơ mất an toàn thông tin rất cao, tuy nhiên tỷ lệ ngăn chặn tấn công đạt 100% đảm bảo hệ thống luôn được vận hành thông suốt, an toàn, ổn định.

 

 

D.Q
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.325.859
Hiện tại 1.791 khách