Từ đó, nhiều giải pháp đã được hiến kế, triển khai đã mang lại một số điểm nổi bật trong quá trình lãnh đạo, điều hành nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính.
Các hoạt động chỉ đạo, điều hành
Nhằm tiếp tục thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp và xã hội trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 về Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021- 2030.
Theo đó, cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 tập trung vào 6 nội dung, đó là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Trọng tâm cải cách hành chính 10 năm tới là: Cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ CCHC được giao. Đồng thời, yêu cầu ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tháo gỡ những khó khăn, rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tiếp tục được kiện toàn cả về cơ cấu thành viên và quy chế hoạt động, kể từ khi thành lập, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ giữ vai trò là Trưởng ban Ban Chỉ đạo, điều này thể hiện sự quan tâm, quyết tâm và sự nêu gương của Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC.
Công tác tham mưu
Với vai trò là cơ quan thường trực của Chính phủ về CCHC, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh CCHC. Sau khi Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể, Bộ Nội vụ đã ban hành các văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCHC được giao; đồng thời, tích cực theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ và lộ trình theo quy định; kịp thời tổng hợp các đề xuất, kiến nghị và chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ những hạn chế, bất cập cho bộ, ngành, địa phương trong triển khai nhiệm vụ CCHC.
Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sử dụng có hiệu quả Chỉ số CCHC (áp dụng từ năm 2012) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (áp dụng từ năm 2017) trong hoạt động chỉ đạo, điều hành thực hiện CCHC. Đây là các công cụ quản lý mới, được sử dụng thường xuyên để xác định, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương. Phương pháp xác định, đánh giá các chỉ số được thực hiện thông qua các phương pháp định lượng, khoa học dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC; có sự tham gia đánh giá của các tổ chức trong bộ máy nhà nước, của người dân và doanh nghiệp vào quá trình đánh giá kết quả, tác động của CCHC một cách thực chất, khách quan hơn. Hàng năm, Bộ Nội vụ tiến hành khảo sát nhóm đối tượng công chức, lãnh đạo, quản lý các cấp và người dân, doanh nghiệp, các hội/hiệp hội để phục vụ cho việc đánh giá, xác định các chỉ số trên.
Trong năm 2021, Bộ Nội vụ đã khảo sát các nhóm đối tượng, trong đó, lần đầu tiên thực hiện khảo sát nhóm lãnh đạo, quản lý, khảo sát người dân, doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả các chỉ số này giúp cho các bộ, tỉnh xác định rõ kết quả tích cực và hạn chế trong thực hiện các nội dung của Chương trình; xác định được mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong từng yếu tố và nắm bắt được nhu cầu, mong đợi của người dân, tổ chức để làm căn cứ cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước; ban hành giải pháp, điều chỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân, tổ chức.
Tổ chức triển khai tại bộ, ngành, địa phương
Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể theo kế hoạch giai đoạn 5 năm, 10 năm và cụ thể hóa tại kế hoạch hàng năm. Tính riêng những tháng đầu năm 2022, kế hoạch CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề ra 913 nhiệm vụ, UBND các tỉnh, thành phố đã đề ra 2.953 nhiệm vụ và phân công rõ thời gian, trách nhiệm triển khai cho từng cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện; có nơi cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong triển khai từng nhiệm vụ CCHC được giao. Nhiều nơi đã có sự chủ động, vào cuộc quyết liệt và sát sao của các cấp ủy đảng thông qua việc ban hành các văn bản, nghị quyết, chỉ thị để chỉ đạo, quán triệt đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả CCHC tại các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương.
Công tác tuyên truyền, kiểm tra cải cách hành chính
Công tác thông tin, tuyên truyền CCHC được các bộ, ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh, với nội dung và hình thức ngày càng phong phú, đa dạng, sáng tạo và phù hợp với từng nhóm đối tượng; kịp thời truyền tải những thành tựu, kết quả CCHC nổi bật; nhanh chóng tiếp nhận, giải đáp và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ định kỳ hàng tuần phát hành bản tin điện tử cải cách hành chính, gửi đến hộp thư của lãnh đạo, quản lý các cấp từ Trung ương đến địa phương để cung cấp thông tin, tuyên truyền về những kết quả, giải pháp, kinh nghiệm, sáng kiến CCHC hay đang được áp dụng, triển khai có hiệu quả tại bộ, ngành, địa phương. Nhiều nơi có cách làm mới, sáng tạo và hiệu quả như việc tổ chức các cuộc thi tìm kiếm sáng kiến CCHC, tìm hiểu kiến thức về CCHC… góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm và phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ CCHC; giúp tìm kiếm, phát hiện và nhân rộng những đề xuất, ý tưởng và các mô hình, giải pháp CCHC có hiệu quả tại địa phương.
Công tác kiểm tra CCHC được các bộ, ngành, địa phương thực hiện thường xuyên theo kế hoạch, chuyên đề hoặc đột xuất. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc đánh giá chất lượng, tiến độ triển khai các nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch năm của bộ, ngành, địa phương; kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những hành vi vi phạm, thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu; đồng thời, qua kiểm tra cũng là dịp để các cơ quan quản lý lắng nghe, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của cá nhân, tổ chức, từ đó có giải đáp, hướng dẫn hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC tại các cơ quan, đơn vị.
Những hạn chế, bất cập còn tồn tại
Bên cạnh những thành tựu đạt được, một số hạ chế, bất cập vẫn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện, công tác chỉ đạo, điều hành như: Một số cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ CCHC thuộc phạm vi quản lý; có nơi người đứng đầu còn vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, thậm chí có hiện tượng tham nhũng, tiêu cực dẫn đến phải xử lý hình sự, do đó, ảnh hưởng lớn đến chất lượng chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ CCHC.
Năng lực của công chức tham mưu, đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành CCHC ở một số nơi còn hạn chế, còn rập khuôn, máy móc và thiếu tính sáng tạo, mang tính hình thức dẫn đến hiệu quả chỉ đạo, điều hành chưa cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động chỉ đạo điều hành CCHC có nhiều cải thiện rõ nét trong những năm qua. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ phụ thuộc khá nhiều vào quyết tâm, nhận thức và mong muốn thay đổi của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, dẫn đến có sự không đồng đều giữa các bộ, các địa phương trong việc áp dụng công nghệ, đổi mới phương thức làm việc... Do đó, làm gián đoạn quá trình xử lý công việc giữa các cơ quan, đơn vị và giảm hiệu quả chỉ đạo, điều hành CCHC.