Theo đó đối tượng phạm vi điều chỉnh bao gồm cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác cải cách hành chính tại các bộ, ngành trung ương và các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong cả nước.
Với mục tiêu chung của đề án nhằm tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chỉ đạo, tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2022 – 2030, Đề án đã phân thành 02 giai đoạn cụ thể. Đồng thời, các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn cũng được đề ra, cụ thể:
Đến năm 2025 đạt trên 85% và đến năm 2030 đạt trên 95% cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính được cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết phục vụ quá trình tham mưu, tổng hợp, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính dưới nhiều hình thức; được tiếp cận với các mô hình cải cách hành chính hiệu quả, kinh nghiệm cải cách hành chính của các nước phát triển trên thế giới; 100% cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính được tiếp cận các bài giảng, tài liệu, số liệu, cơ sở dữ liệu về cải cách hành chính để tra cứu, tham khảo trong thực hiện nhiệm vụ; được kịp thời hỗ trợ và giải đáp các thắc mắc trực tiếp hoặc gián tiếp qua kênh hỏi đáp về cải cách hành chính.
Đề án nêu rõ bảy nhiệm vụ quan trọng cần triển khai thực hiện:
Một là, xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn, nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính tại các bộ, ngành và địa phương.
Hai là, tiếp tục áp dụng việc giảng dạy trực tiếp kết hợp với giảng dạy trực tuyến, giảng dạy qua mạng một số chuyên đề, đáp ứng nhu cầu học tập linh hoạt, kịp thời của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác cải cách hành chính các cấp.
Ba là, ây dựng cơ sở dữ liệu về cải cách hành chính tích hợp trên website caicachhanhchinh.gov.vn; thiết lập kênh tra cứu, hỏi đáp tự động về cải cách hành chính tích hợp trên website caicachhanhchinh.gov.vn hoặc trên phần mềm đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến bonoivu.cls.vn để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác cải cách hành chính trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Bốn là, xây dựng bộ công cụ đánh giá kết quả hoạt động bồi dưỡng, tập huấn về cải cách hành chính; xây dựng, triển khai phần mềm kiểm tra, đánh giá tự động, định kỳ các kiến thức về cải cách hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính các cấp. Có cơ chế động viên, khuyến khích, biểu dương đối với các công chức thực hiện công tác cải cách hành chính các cấp có kết quả kiểm tra tốt và khuyến nghị về việc cập nhật, bổ sung các kiến thức về cải cách hành chính đối với công chức chưa đạt hoặc đạt kết quả thấp.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế, huy động các tổ chức, cá nhân có năng lực, uy tín, kinh nghiệm thực tiễn về cải cách hành chính tham gia giảng dạy các khóa bồi dưỡng, tập huấn; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm tại các diễn đàn, hội thảo khoa học cho đội ngũ cán bộ, công chức, thực hiện công tác cải cách hành chính tại các bộ, ngành và địa phương.
Sáu là, tổ chức các đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm trong nước và nước ngoài về cải cách hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác cải cách hành chính tại các bộ, ngành và địa phương.
Bảy là, tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác cải cách hành chính ở các bộ, ngành và địa phương hàng năm.
Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng các Chương trình, biên soạn tài liệu bồi dưỡng cho đội ngũ công chức thực hiện công tác cải cách hành chính tại các cơ quan Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2022 - 2030, trong đó trọng tâm vào việc xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên sâu về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tài chính công, phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về cải cách hành chính, cổng hỏi đáp về cải cách hành chính, tiếp tục triển khai thực hiện bồi dưỡng trực tuyến, qua mạng về cải cách hành chính; triển khai việc kiểm tra, đánh giá kiến thức về cải cách hành chính định kỳ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện cải cách hành chính các bộ, ngành và địa phương để kịp thời xây dựng kế hoạch, phương án bồi dưỡng phù hợp; theo dõi việc triển khai; tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá và báo cáo cấp có thẩm quyền kết quả thực hiện Đề án./.