Tìm kiếm
Thừa Thiên Huế: Tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - nâng cao năng lực cạnh tranh
Ngày cập nhật 23/11/2022

Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, trong năm 2022, Thừa Thiên Huế đã được kết quả ấn tượng về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư.

 

* Quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2022 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch hành động số 17/KH-UBND ngày 19/01/2022 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế hướng đến: (1) Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với việc triển khai có hiệu quả các chính hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện trợ giúp doanh nghiệp thực hiện các biện pháp an toàn trước đại dịch COVID-19, tháo gỡ các điểm nghẽn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới” một cách tích cực và hiệu quả; (2) phấn đấu cải thiện, nâng cao vị trí xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (Par Index), chỉ số PAPI và chỉ số sẵn sàng và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) của tỉnh trong nhóm 05 địa phương dẫn đầu cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu.

Thông qua việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai,...

Ngoài ra, nhằm triển khai nhanh, kịp thời và có hiệu quả các chính sách của Trung ương, Tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trên nhiều lĩnh vực, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể: Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 10/3/2022 về Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới năm 2022-2023; Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 25/01/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND tỉnh) ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 25/01/2022 của HĐND tỉnh ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 của HĐND tỉnh về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 26/10/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế,...

* Nhiều giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19

Trong năm 2022, Tỉnh đã thực hiện kịp thời và có hiệu quả các chính sách của Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ giãn, giảm thuế; giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng; cơ cấu nợ lại nợ;… Ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn, cụ thể như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp thành lập mới; chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã; chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ,…

Theo đó, tỉnh đã thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của 349 đơn vị[1] (theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022); Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các thông tư sửa đổi bổ sung, theo đó ngân hàng Chính sách xã hội đã gia hạn nợ đối với 1.337 khách hàng với tổng dự nợ 25,22 tỷ đồng; các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ 1.987 khách hàng (trong đó có 147 doanh nghiệp) với tổng giá trị nợ của khách hàng có phát sinh số dư được cơ cấu là 7.943 tỷ đồng; miễn giảm, hạ lãi suất  đối với 52.762  khách hàng với tổng dư nợ 24.882 tỷ đồng, số tiền lãi đã được giảm, miễn, hạ lãi suất là 75,37 tỷ đồng; chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đạt 1.809 triệu đồng đối với 05 doanh nghiệp và số lượt lao động được chỉ trả 547 lượt. Tiếp tục thực hiện cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, số khách hàng dư nợ đến cuối tháng 04/2022 là 8.247 khách hàng với tổng dư nợ là 13.375 tỷ đồng.

* Quan tâm phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Để thúc đẩy hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng đi vào chiều sâu, Tỉnh đã ban hành Đề án Cố đô khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, đồng thời hoàn thiện hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, ban hành các chính sách cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động hiệu quả, trong đó có chính sách hỗ trợ nhiệm vụ khoa học công nghệ để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, năm 2022 đã hỗ trợ cho 04 dự án đạt giải cao trong các cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh các năm trước. 

Các chuyên gia, khách mời chia sẻ tại tọa đàm xây dựng hệ sinh thái Cố đô Khởi nghiệp

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh về nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh…. đã tiếp nhận và hỗ trợ 86 hồ sơ của các tổ chức, doanh nghiệp; trong đó có 05 dự án đổi mới, cải tiến công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương: (1) Dự án đổi mới, cải tiến công nghệ sấy dược liệu y học cổ truyền tại Hộ kinh doanh Tôn Thất Thống; (2) Dự án đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất và đóng gói sản phẩm tinh dầu tại Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công Thành; (3) Dự án đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất và đóng gói sản phẩm tinh dầu tại Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công Thành; (4) Dự án đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất và đóng gói sản phẩm tại Hộ Kinh doanh Yến sào xứ Huế Anna; (5) Dự án đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất tinh dầu tại Hộ kinh doanh Thanh Vui; hỗ trợ tổ chức Triển lãm Công nghệ sinh học và Công nghệ cao trong Nông nghiệp bên lề Hội thảo Công nghệ sinh học Quốc gia; hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu đối với sản phẩm "Sen Huế", thương mại hóa kết quả nghiên cứu đối với sản phẩm "Sâm Cau"...

Tiếp tục hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; tạo lập, đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ và quảng bá đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản, sản phẩm làng nghề; xây dựng bộ chuẩn nhận diện thương hiệu và phát triển tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp khởi và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, đặc sản...

* Nhiều giải pháp giúp các doanh nghiệp chuyển đổi nhận thức về kinh tế số, chuyển đổi số

Tỉnh đã triển khai có hiệu quả chương trình “100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày” và đã giúp các doanh nghiệp chuyển đổi nhận thức về kinh tế số, chuyển đổi số đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực về kỹ năng số, chuyển đổi số. Đến nay đã có hơn 800 lượt doanh nghiệp được tham dự các lớp truyền cảm hứng về chuyển đổi số, đào tạo cơ bản về TMĐT; có 04 khoá đào tạo kỹ năng chuyên sâu cho hơn 200 doanh nghiệp. Đã tổ chức 04 khoá đào tạo nâng cao năng lực bán hàng trên các sàn giao dịch TMĐT, mỗi khoá từ 30-60 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với các kỹ năng như: tăng đơn với chi phí 0 đồng bằng công cụ Marketing có sẵn trên SÀN, tăng lượt vào shop trên sàn TMĐT (Traffic nội sàn - ngoại sàn), chiến lược phát triển trên sàn TMĐT nhằm tối ưu hoá dòng tiền, tạo dựng cộng đồng ngàn view,...  Chương trình đào tạo đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao các kỹ năng số, tăng lợi thế cạnh tranh, phát triển cơ hội trong kinh doanh, hỗ trợ tối ưu hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng và sự chuyên nghiệp của từng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Điển hình các doanh nghiệp tăng doanh thu trên 20%, thậm chí trên 50% hay 100% như Công ty TNHH MTV Tân Nguyên (chuyên cung cấp hương sạch), Công ty TNHH Mộc TRULY HUE'S (sản phẩm quà tặng, ẩm thực), Công ty TNHH MARIES (sản phẩm đệm bàng thân thiện môi trường), Hộ kinh doanh Trà Đình Viên (sản phẩm từ gừng), Hợp tác xã nông nghiệp xanh NARASA (sản phẩm tinh chế từ đông trùng hạ thảo),...

Đến nay phần lớn các doanh nghiệp đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối,… Nhiều doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như TikTok, Facebook, Google, Sendo, Tiki, Lazada, Shopee; hầu hết doanh nghiệp đều trang bị và sử dụng chữ ký số; hơn 60% các doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm kế toán (Bravo, 3Tsoft, Misa) giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí và tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên; góp phần gia tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp đối với khách hàng và nhà đầu tư.

Các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhận thấy chuyển đổi số là một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp. Điều này đang góp phần tạo ra các doanh nghiệp số, logistic, giao nhận, thương mại, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch... hoạt động theo những phương thức mới, dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động.

Đã có 10 doanh nghiệp nhỏ và vừa được tư vấn 1-1 như hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn chuyển đổi số về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; có 03 doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được Gói hỗ trợ với 6 tháng đào tạo 1:1 cùng 100 triệu đồng vốn hạt giống để xây dựng và thử nghiệm mô hình kinh doanh mới (bao gồm: Công ty TNHH Mộc TRULY HUE'S, Công ty TNHH MARIES và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Innodir). Gói hỗ trợ này rất có ý nghĩa và cần thiết, cấp bách và toàn diện về cả tài chính và kỹ thuật để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh sau các tác động tiêu cực của dịch Covid-19, bám sát các chủ trương, chính sách của nhà nước về chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

 Về cải cách hành chính, đến nay toàn tỉnh có 2.356 TTHC (tỷ lệ 100%) được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Trong đó, cấp sở có 1.836 TTHC một cửa (432 TTHC liên thông); UBND cấp huyện có 390 TTHC một cửa (35 TTHC liên thông) và 40 TTHC lĩnh vực Công an, Thuế, Bảo hiểm xã hội; UBND cấp xã có 130 TTHC một cửa (17 TTHC liên thông).

Đã phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 2.356 quy trình (cấp tỉnh: 1.836, cấp huyện: 390 (40 quy trình của Công an, Bảo hiểm xã hội và Thuế), cấp xã: 130 và cơ quan khác 17)) và đã thiết lập 100% quy trình điện tử giải quyết TTHC trên phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh.

Hiện nay, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 và thực hiện một cửa liên thông trên môi trường mạng. 100% UBND cấp xã có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mô hình một cửa điện tử hiện đại; 100% UBND cấp huyện có phòng họp trực tuyến (thuê dịch vụ). Hiện nay, toàn tỉnh có 1.790 DVC trực tuyến mức độ 3, 4; trong đó có 814 DVC trực tuyến mức độ 3 và 976 DVC trực tuyến mức độ 4; 367/814 DVC trực tuyến mức độ 3 có phát sinh hồ sơ (tỷ lệ 45,08%); 154/976 DVC trực tuyến mức độ 4 có phát sinh hồ sơ (tỷ lệ 15,77%); đã giải quyết 97.150 hồ sơ DVC (có 104.435 hồ sơ mức độ 3; có 23.962 hồ sơ mức độ 4).

Thừa Thiên Huế cũng đã hoàn thiện, hệ thống đã phân loại hồ sơ điện tử theo thành phần hồ sơ số hóa được ký số; thành phần hồ sơ đã được tiếp nhận (trực tuyến); kết quả xử lý của thủ tục hành chính. Kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia để thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế… trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện dịch vụ công: Cổng dịch vụ công tỉnh đã tích hợp thanh toán trực tuyến trên nền tảng Payment Platform của Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện tại, đã tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Đặc biệt, Ứng dụng Hue-S là ứng dụng duy nhất trên nền tảng di động, được tích hợp toàn diện, cung cấp dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng di động. Đến nay HueIOC đã đưa vào vận hành gần 20 dịch vụ[2]. Ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng di động, tích hợp lên ứng dụng Hue-S hiện tại đã có gần 403.422 tài khoản công dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia.

Về việc đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam, hiện nay Cổng dịch vụ công tỉnh đã tích hợp thanh toán phí, lệ phí trực tuyến trên nền tảng Payment Platform của Cổng dịch vụ công quốc gia trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện dịch vụ công.

Có thể nói, với tinh thần đổi mới và chuyển động mạnh mẽ, tỉnh Thừa Thiên Huế đang quyết tâm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi hơn nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 


[1] trong 9 tháng đầu năm 2022: 348 tỷ đồng, Tổng số tiền đã gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất của 52 đơn vị trong 9 tháng đầu năm 2022 đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2022: 2,159 tỷ đồng.

[2] phản ánh hiện trường, giám sát đô thị thông qua cảm biến camera, giám sát thông tin báo chí, giám sát dịch vụ hành chính công, cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh, giám sát quảng cáo điện tử, giám sát môi trường, thẻ điện tử, giám sát tàu cá, giám sát đảm bảo an toàn thông tin…

 

D.Q
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Lượt truy cập _ CCHC
Truy cập tổng 290.365
Truy cập hiện tại 1.326