Tìm kiếm
Phát triển hệ thống dữ liệu mở góp phần xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 15/11/2021

Tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm gần đây luôn coi việc xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính phủ số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và đã có những bước tiến vượt bậc. Với mục tiêu đó, Thừa Thiên Huế bước đầu xây dựng được Hệ thống dữ liệu mở nhằm hướng đến sự minh bạch, tạo ra các giá trị xã hội và thương mại, đồng thời, khuyến khích sự tham gia của người dân vào việc quản trị tại địa phương.

1. Một số kết quả bước đầu

Năm 2019, dự án Trung tâm Điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế được nhận Giải thưởng Viễn thông châu Á (Telecom Asia Awards 2019) ở hạng mục “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á”. Năm 2020, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam, Thừa Thiên Huế đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ thông tin.

Trung tâm giám sát, Điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế được đầu tư trang thiết bị hiện đại

Đối với dữ liệu mở (DLM) của chính quyền địa phương (CQĐP), Thừa Thiên Huế cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc xây dựng và công bố dữ liệu của chính quyền tỉnh. Năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng và cho công bố Hệ thống dữ liệu mở của tỉnh trên cổng DLM tại: https://data.thuathienhue.gov.vn. Hệ thống DLM của tỉnh được xây dựng và vận hành trước thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước. Hệ thống này được UBND tỉnh giao cho Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) xây dựng. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quy định chi tiết trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, cập nhật dữ liệu, nguyên tắc khai thác dữ liệu... cho các đơn vị liên quan trong tỉnh tại Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày 03/02/2021 về ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu trên Hệ thống DLM tỉnh Thừa Thiên Huế .

Hiện nay, hệ thống DLM này tập trung vào việc tạo và công bố dữ liệu ở 15 chuyên ngành: Văn hóa - xã hội; Dân cư, Lao động; Hành chính, Pháp luật; Kinh tế - Tài chính, Thương mại, Dịch vụ, Du lịch; Khoa học - Công nghệ; Nông nghiệp; Hạ tầng, Đầu tư, Xây dựng; Tài nguyên môi trường; Giáo dục - Đào tạo; Y tế; Công nghiệp, Năng lượng; Giao thông vận tải, bưu chính viễn thông... Ngoài ra, hệ thống DLM tỉnh Thừa Thiên Huế còn được thể hiện dữ liệu theo 11 chủ đề: Văn hóa ẩm thực; Văn hóa danh nhân; Văn hóa địa điểm; Văn hóa nghề thủ công; Văn hóa lễ hội; Văn hóa trang phục; Văn hóa - Nghệ thuật; Bệnh viện tư nhân; Giáo dục và đào tạo; Mã định danh; Kinh tế xã hội. Các dữ liệu này được cung cấp và cập nhật bởi các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 13 đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh. Theo Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND nêu trên, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý và vận hành bảo đảm an toàn, an ninh tại cổng DLM của tỉnh là Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (HuelOC).

Người dân và doanh nghiệp có thể truy cập để xem và tải dữ liệu dưới dạng tập tin excel mà không cần đăng ký tài khoản hay đăng nhập vào hệ thống. Ngoài ra, cũng có thể đăng nhập vào hệ thống bằng tài khoản đã đăng ký trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh hoặc đăng ký mới để có thể được cấp nhiều quyền hơn trên hệ thống này (xem bảng ở cuối bài).

Ngoài việc tạo và công bố các dữ liệu theo chuyên ngành, Hệ thống DLM tỉnh Thừa Thiên Huế còn công bố các số liệu thống kê trên địa bàn tỉnh, như: hành chính; y tế; thương mại, dịch vụ - du lịch; đầu tư - xây dựng; công nghiệp; giáo dục - đào tạo; dân cư - lao động; an toàn xã hội; nông - lâm - thủy sản; vận tải, bưu chính - viễn thông; doanh nghiệp.

Mặc dù, hệ thống DLM được xây dựng và công bố trong ba năm gần đây nhưng qua khảo sát trực tiếp trên hệ thống, có thể thấy, UBND tỉnh đã tạo và công bố khá nhiều dữ liệu hữu ích mà người dân và doanh nghiệp có thể tham khảo miễn phí, có thể tải dữ liệu (tập tin excel) để sử dụng, đặc biệt các số liệu thống kê và dữ liệu về văn hóa được công bố rất chi tiết. Hệ thống DLM tỉnh Thừa Thiên Huế đem lại một số lợi ích như: Giúp tập hợp, quản lý dữ liệu một cách khoa học và hiện đại; hỗ trợ các nhà đầu tư trong và ngoài nước về các chỉ số kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; phát triển kinh tế và khoa học - công nghệ; hỗ trợ cho việc phát triển chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế; hỗ trợ khởi nghiệp; tăng cường sự tham gia và giám sát của người dân, tổ chức, doanh nghiệp... vào các hoạt động của các cơ quan CQĐP.

2. Những thuận lợi và khó khăn trong công tác xây dựng dữ liệu mở

Về thuận lợi: được sự quyết tâm chính trị của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là người đứng đầu với quan điểm phát triển bền vững của tỉnh phải dựa trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế được sự ủng hộ từ Trung ương cho phép triển khai cơ chế đặc thù, chủ trương này thể hiện tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045.  Nghị quyết nêu rõ: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng”. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT (cán bộ, công chức, viên chức điện tử; công dân điện tử, doanh nghiệp điện tử, nhân lực làm trong lĩnh vực CNTT...). Ngoài ra, còn có tiềm năng số hóa của một trung tâm kinh tế và xã hội của vùng Bắc Trung Bộ, miền Trung.

Về khó khăn: DLM là vấn đề mới, chưa có văn bản hướng dẫn, chưa có quy trình triển khai, dẫn đến lúng túng khi triển khai xây dựng và vận hành; chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống này. Đặc biệt, dữ liệu công và bán công bị phân tán tại nhiều nguồn khác nhau; cơ chế quản lý dữ liệu không đồng bộ giữa cấp bộ và cấp tỉnh, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc cung cấp dữ liệu cho hệ thống DLM còn lỏng lẻo, thiếu sự quan tâm; thiếu quy chuẩn chung dữ liệu công và bán công; chưa có mô hình khai thác hợp lý; nhất là, chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của DLM trong quá trình xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cả người dân và doanh nghiệp.

3. Một số giải pháp đầy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu mở

Một là, đối với các cơ quan trung ương. Cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của DLM trong tiến trình xây dựng và phát triển chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số. Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn các quy chuẩn trong việc xây dựng DLM; tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của DLM. Chính phủ cần quan tâm, hỗ trợ kinh phí trong các hoạt động số hóa của các bộ, ngành và CQĐP.

Hai là, đối với chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế. Cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của DLM cho lãnh đạo, công chức, viên chức của các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền  thuộc UBND tỉnh và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh. Tuyên truyền phổ biến Hệ thống DLM của tỉnh đến người dân và doanh nghiệp với nhiều hình thức khác nhau. Căn cứ Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND, Sở Thông tin và Truyền thông cần tích cực đôn đốc các cơ quan, ban, ngành cập nhật dữ liệu lên hệ thống theo quy định này. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi họ đầu tư vào hệ thống DLM của tỉnh theo hình thức xã hội hóa, trong đó cần sớm xây dựng mô hình khai thác hợp lý và tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến mọi đối tượng trong và ngoài tỉnh.

 

Đình Qúy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Lượt truy cập _ CCHC
Truy cập tổng 290.365
Truy cập hiện tại 1.843