Tìm kiếm
Thừa Thiên Huế: Những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước
Ngày cập nhật 21/05/2021

Thừa Thiên Huế trong thời gian gần đây được đánh giá là điểm sáng trong xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, đây là những nền tảng cơ bản để thực hiện chuyển đổi số nhằm tạo ra thay đổi trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính, hướng đến chính quyền phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

 

Tỉnh đã thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011- 2020, với 6 nội dung cơ bản về: Cải cách về thể chế, cải cách về thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được coi là khâu đột phá, lấy nhân dân làm trung tâm, hướng vào sự hài lòng của người dân, tiết kiệm, đơn giản, gọn nhẹ. Với sự quyết tâm đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực hưởng ứng tạo động lực và lan tỏa tinh thần cải cách mạnh mẽ trong toàn hệ thống, tạo được niềm tin trong xã hội bằng những kết quả tích cực, sự chuyển biến rõ nét trong phục vụ người dân, xã hội của các cơ quan hành chính nhà nước.

Tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công Tỉnh và 9 Trung tâm phục vụ hành chính công các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Tỉnh vào đầu năm 2018. Việc tiếp nhận và giải quyết TTHC cho các tổ chức, cá nhân đã có nhiều đột phá, được đông đảo Nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh và uy tín của tỉnh Thừa Thiên Huế. Những kết quả đạt được đó là:

- Về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, việc tuân thủ quy trình xây dựng pháp luật

Thực hiện Quyết định số 1573/QĐ-TTg ngày 11/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật trên địa bàn tỉnh kèm theo Quyết định số 2747/QĐ-UBND ngày 26/11/2015 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND về tăng cường thực hiện công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Sở Tư pháp cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản để chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn nghiệp vụ soạn thảo VBQPPL cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL đảm bảo theo đúng quy định và nguyên tắc của Luật năm 2015. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 68/2019/QĐ-UBND  ngày 01 tháng 11 năm 2019, về Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và cập nhật văn bản quy phạm pháp luật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hầu hết, các dự thảo VBQPPL đã được cơ quan Tư pháp thẩm định; được các Ban HĐND cùng cấp thẩm tra (đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND), được các thành viên của UBND tham gia ý kiến và được Văn phòng UBND thẩm tra, rà soát trước khi trình UBND tỉnh. Các văn bản do UBND ban hành phù hợp với các VBQPPL của Trung ương và Nghị quyết của HĐND cùng cấp và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với đối tượng tác động của văn bản, có tính khả thi cao và được các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tuân thủ nghiêm túc.

Đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý của tỉnh: Từ năm 2011 đến năm 2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về Chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh, giao các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện đảm bảo đúng thời gian quy định. HĐND tỉnh đã tổ chức được nhiều kỳ họp; xem xét và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của địa phương; thông qua và ban hành 173 Nghị quyết quy phạm pháp luật, UBND tỉnh đã ban hành 23 Chỉ thị, 527 Quyết định. Toàn bộ số văn bản này đều được cập nhật đăng tải lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Từ năm 2011 đến tháng 5 năm 2020, Sở Tư pháp đã thẩm định 880 VBQPPL (185 dự thảo là Nghị quyết của HĐND tỉnh do UBND tỉnh trình; 654 Quyết định và 41 Chỉ thị của UBND tỉnh do các sở, ngành tham mưu, soạn thảo. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn còn tiến hành góp ý 816 dự thảo Luật, Hiệp định, nghị định, Thông tư, Quyết định, Chương trình hành động do cơ quan Trung ương, Đoàn Đại biểu Quốc hội trưng cầu và Quyết định, Chỉ thị, Kế hoạch, Đề án của UBND tỉnh do các sở, ngành soạn thảo trưng cầu.

Đối với công tác theo dõi, thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền: HĐND, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc công tác này, quán triệt tới lãnh đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 của Bộ Tư pháp về quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.

Đã tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng; công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh. Chánh Thanh tra tỉnh là Chủ tịch Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại tỉnh, đã tham mưu đề xuất hướng giải quyết đối với các vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh, bảo đảm việc giải quyết khách quan, chính xác và đúng pháp luật.

Đối với công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL: Thực hiện Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 25/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản thống nhất trong cả nước kỳ 2014-2018, Kế hoạch ngày 12/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về triển khai thực hiện hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018 kèm theo Quyết định số 430/QĐ-BTP, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai thực Kế hoạch số 43/KH-UBND thực hiện hệ thống hóa VBQPPL trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ 2014-2018.

Ngày 31 tháng 01 năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 279/QĐ-UBND công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa VBQPPL của HĐND, UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ 2014-2018, kết quả: gồm: 564 VBQPPL còn hiệu lực; 418 VBQPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ; 32 VBQPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần và 110 VBQPPL cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của HĐND, UBND tỉnh trong kỳ hệ thống hóa 2014 - 2018. Thực hiện rà soát theo chuyên 2.919 văn bản liên quan đến lĩnh vực đất đai do HĐND, UBND tỉnh ban hành gồm; môi trường, khoáng sản, hình sự, Tư pháp, khiếu nại, tố cáo, lao động, thương binh và xã hội, giá. Đối với cấp huyện, cấp xã cũng đã tiến hành rà soát định kỳ theo quy định và rà soát chuyên đề theo hướng dẫn của cấp trên. Cấp huyện, xã hiện ban hành văn bản QPPL chủ yếu là các Nghị quyết về phát kinh tế xã hội hàng năm của địa phương, một số quyết định của UBND cấp huyện ban hành theo thẩm quyền được giao (như quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các đơn vị chuyên môn trực thuộc); cấp huyện, xã tiến hành rà soát chuyên đề thường là không có văn bản đã ban hành để điều chỉnh; công tác rà soát văn bản trong tỉnh cơ bản thực hiện thường xuyên, đi vào nề nếp theo quy định.

Đối với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật: Từ năm 2011 đến tháng 5 năm 2020, Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 550 VBQPPL do UBND tỉnh ban hành và đã kiến nghị UBND tỉnh thay thế, sửa đổi kịp thời các văn bản có nội dung chưa phù hợp với quy định của cơ quan nhà nước cấp trên và đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Công tác kiểm tra VBQPPL do HĐND và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh ban hành: Từ năm từ năm 2011 đến tháng 5 năm 2020 đã thành lập 47 Đoàn kiểm tra VBQPPL do HĐND, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế ban hành, qua đó đã kiểm tra 1.256 VBQPPL và văn bản có chứa nội dung QPPL, Đoàn kiểm tra đã phát hiện 546 văn bản có sai sót về hình thức, 11 văn bản nội dung và 01 văn bản sai về thẩm quyền, trên cơ sở đó, đã có Kết luận kiến nghị các huyện nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục kịp thời. Các kiến nghị của Đoàn kiểm tra đã được HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tự kiểm tra, xử lý nghiêm túc theo quy định của pháp luật.

- Về tổ chức triển khai hệ thống thể, cơ chế, chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước:

HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách đúng đắn, khả thi, bảo đảm sự phù hợp hơn với yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương để thực hiện tốt việc tổ chức triển khai, đánh giá tác động của các thể chế đó đẫn đến các mặt của đời sống xã hội: phát triển kinh tế xã hội; an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15 tháng 05 năm 2014 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, kịp thời các VBQPPL đến cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị và nhân dân thông qua nhiều hình thức phù hợp như: Đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; sao y gửi đến các phòng, đơn vị trực thuộc, niêm yết tại trụ sở, họp tổ dân phố, thông qua các cuộc họp giao ban; tổ chức hội nghị, lớp tập huấn; kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với hướng dẫn áp dụng pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật…; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để đưa tin, phổ biến đến nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Nhằm nâng cao chất lượng cải cách hành chính trong giai đoạn 2021-2030, thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn để giảm TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là, cần nhanh chóng quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: "Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo". Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức, coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về CCHC. Bảo đảm sự nhất quán, kiên trì, liên tục trong triển khai cải CCHC của UBND tỉnh đến huyện và xã phường trên địa bàn Tỉnh.

Hai là, tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Ba là, nâng cao vai trò của cơ quan chủ trì tham mưu cho HĐND và UBND tỉnh đôn đốc và theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ cải CCHC trên địa bàn Tỉnh.

Bốn là, tăng cường, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm; tăng cường tính công khai minh bạch để sát dân, sát cơ sở, phục vụ người dân. Đi đôi với  tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá quá trình triển khai thực hiện công tác cải CCHC; Tăng cường, phát huy vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với công tác cải CCHC.

Năm là, tiếp tục củng cố và hoàn thiện tổ chức bộ máy, nhân sự cho tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn và các cơ quan khác theo quy định, gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật và CCHC.

Sáu là, đẩy mạnh CCHC và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc và trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ về VBQPPL; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thay thế việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tiếp, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; tập trung đặc biệt vào việc xây dựng các cơ sở dữ liệu điện tử quản lý chuyên ngành.

 Thời gian tới giai đoạn (2021 - 2030), Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh CCHC, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, công khai minh bạch, thông suốt, chuyên nghiệp, tiến tới hiện đại và gần dân; nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo đột phá trong công tác CCHC, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục thực hiện cải cách TTHC đi đôi với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, góp phần tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư; cùng với đó, phát huy được văn hóa, bản sắc Huế để phát triển Thừa Thiên Huế, hướng tới xã hội bình yên và chính quyền thân thiện, thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân./.

 

Mai Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Lượt truy cập _ CCHC
Truy cập tổng 290.365
Truy cập hiện tại 2.496