Tìm kiếm
THỪA THIÊN HUẾ: CCHC ĐỂ MANG ĐẾN SỰ HÀI LÒNG CHO NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP
Ngày cập nhật 17/07/2019
Giải quyết TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh

Với việc tăng chỉ số cải cách hành chính (CCHC- Par index) của tỉnh lên 7 bậc, xếp thứ 16/63 toàn quốc trong năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục cho thấy sự quyết tâm, nổ lực của chính quyền địa phương trong nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến một nền hành chính hiện đại, mang đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Cải cách hành chính để thu hút đầu tư

Sau một thời gian thực hiện Công tác cải cách TTHC gắn với cơ chế một cửa, một cửa liên thông, việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả… qua đó tạo sự chuyển biến trong mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với tổ chức theo tinh thần đồng hành, phục vụ.

Với quan điểm "thành công của doanh nghiệp và các nhà đầu tư là thành công của tỉnh", tỉnh đặc biệt coi trọng công tác xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư khi đến địa bàn. Để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nỗ lực cải cách hành chính, trong đó tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, Thừa Thiên Huế đã cấp mới 14 dự án đầu tư và điều chỉnh tăng vốn 04 dự án với tổng vốn đăng ký và tăng thêm đạt 14.889 tỷ đồng. Trong đó, có 9 dự án trong nước với vốn đăng ký gần 13.263 tỷ đồng; 05 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 60,54 triệu USD; ký kết 04 biên bản hợp tác chiến lược.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, với tư duy là chính quyền phải gần gũi với nhà đầu tư, phải nâng cao tinh thần phục vụ, Thừa Thiên Huế Huế đang có sự chuyển động lớn, khắc phục tình trạng chậm rãi, thụ động như trước đây. “Tỉnh đã đặt mục tiêu: Làm sao có được môi trường đầu tư tốt nhất, có khả năng cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn. Với việc áp dụng công nghệ thông tin, xử lý theo quy trình liên thông, 3 chỉ tiêu về thời gian giải quyết, giảm thiểu hồ sơ giấy tờ, chất lượng công việc đã được cải thiện đáng kể. Điều này đã giúp nhà đầu tư cắt giảm được chi phí cả chính thức lẫn không chính thức. Giúp họ cảm nhận được sự quan tâm công khai từ phía chính quyền. Đây là điều vô cùng quan trọng”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Cải cách hành chính để nâng cao chất lượng phục vụ

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 20/7/2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02 của UBND tỉnh, công tác CCHC của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Việc cung cấp dịch vụ hành chính công giúp việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhanh hơn, đảm bảo công khai, minh bạch. Trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) được nâng lên.

Người dân, tổ chức, doanh nghiệp đang có những đánh giá cao về kết quả CCHC của tỉnh và ở các địa phương cấp huyện, cấp xã. Điều này cho thấy, niềm tin và sự ủng hộ của Nhân dân ngày càng cao đối với các chủ trương, chính sách CCHC tại địa phương; kết quả thực hiện CCHC đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thừa Thiên Huế chia sẻ, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, trong đó có việc thông qua đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện, cấp sở (DDCI), sự đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với các sở, ban, ngành, địa phương, nhiều thông tin về các vướng mắc của doanh nghiệp được gửi gắm đến chính quyền. Qua theo dõi, tôi thấy công tác CCHC của tỉnh có nhiều chuyển biến, thay đổi ở bộ phận tiếp nhận một cửa; công tác tiếp nhận hồ sơ, việc giải thích cho người dân và doanh nghiệp được cải thiện tiến bộ.

Bộ phận TNVTKQHĐ xã Thượng Lộ (huyện Nam Đông) giúp người dân thuận tiện hơn trong giải quyết TTHC

Đến nay, toàn tỉnh có 2.114/2.132 TTHC (tỷ lệ 99,16%) được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đưa 1.526 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; công bố 1.135 TTHC thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích; 9/9 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện và 130/152 xã, phường có Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại đi vào hoạt động hiệu quả.

Năm 2019 được xác định là "Năm kỷ cương, kỷ luật hành chính. Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị". Vì vậy, tỉnh coi công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, thường xuyên, lâu dài cần được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đang dần loại bỏ những TTHC gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh kế - xã hội. 

“Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng dịch vụ tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Qua đó, nâng cao tỷ lệ người dân, doanh nghiệp giải quyết TTHC trên môi trường mạng ở mức độ 3 và 4 nhằm giảm hồ sơ, giảm thời gian và giảm đầu mối quá trình tiếp nhận, thụ lý và trả hồ sơ cho công dân, tổ chức. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu cho công dân, tổ chức, làm cho quá trình giải quyết TTHC có thể xử lý nhanh trên môi trường mạng. Quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, của người dân trong quá trình tham gia xây dựng và CCHC”- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định.   

Nguồn: thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Lượt truy cập _ CCHC
Truy cập tổng 290.366
Truy cập hiện tại 302