Trước đó, ngày 20/8, Ban Chỉ đạo quốc gia về Chính phủ điện tử cũng đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng chỉ đạo, phải “Xây dựng Chính phủ điện tử quyết liệt hơn, phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu, phải gắn chặt với cải cách hành chính, thay đổi lề lối làm việc; lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm…”
Nội dung Đô thị thông minh hay Chính phủ điện tử, về nội hàm cụ thể, có lẽ còn nhiều việc phải xác định rõ ràng hơn. Song có thể nhìn thấy, đó là việc ứng dụng mạnh mẽ hơn những thành tựu của công nghệ thông tin trong việc kết nối trong điều hành, phục vụ giữa Chính quyền với người dân, doanh nghiệp , với mục tiêu: Thuận lợi, nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả.
Không phải đến bây giờ chúng ta mới cải cách nền hành chính. Mà một trong những nội dung quan trọng là phải ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa mọi quy trình thủ tục. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó có lý do là sự “trì kéo” không muốn minh bạch nên việc cải cách diễn ra chậm. Đến thời điểm này, dường như không làm là không được, không thể được trước sức ép của sự hội nhập, phát triển, sự đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp nên “ứng dụng công nghệ để minh bạch” là một đòi hỏi thúc bách.
Để thúc đẩy sự minh bạch, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025”, theo đó: 15 nội dung cụ thể phát triển dịch vụ đô thị thông minh đó là: Xây dựng kiến trúc ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) cho đô thị thông minh; Xây dựng hạ tầng nền tảng phát triển đô thị thông minh; Phát triển hạ tầng xã hội phát triển dịch vụ đô thị thông minh; Thực hiện việc chuyển đổi số; Liên kết, liên thông các hệ thống thông tin; Xây dựng mô hình trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; Xây dựng hệ sinh thái y tế thông minh; Xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh; Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh; Phát triển các dịch vụ giao thông thông minh; Phát triển các dịch vụ môi trường thông minh; Phát triển kinh tế số; Xây dựng và triển khai thẻ điện tử công chức và thí điểm thẻ điện tử cá nhân, doanh nghiệp; Xây dựng phương án thu hút doanh nghiệp tham gia vào hoạt động phát triển đô thị thông minh; Phổ biến, hướng dẫn mọi người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ đô thị thông minh; Đánh giá tổng kết mô hình thí điểm giai đoạn 2018 – 2020, làm rõ giải pháp, cụ thể mục tiêu để thực hiện nhiệm vụ định hướng xây dựng đô thị thông minh đến năm 2025…
Rõ ràng, đây là vấn đề được Chính quyền tỉnh hết sức quan tâm. Về phía người dân cũng quan tâm không kém. Mới chỉ đưa chủ đề về cuộc đối thoại : Xây dựng đô thị thông minh lên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Ban tổ chức chương trình đối thoại đã nhận được ngay 32 câu hỏi của người dân và doanh nghiệp, bao phủ hầu hết các lĩnh vực. Và có lẽ, câu hỏi không chỉ dừng lại ở con số đó và còn nhiều hơn thế nữa.
Ngoài những lợi ích mà việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin đưa lại, như nhanh chóng thuận lợi, tiết kiệm nguồn nhân lực, giải quyết hiệu quả công việc, nâng cao sự văn minh, thúc đẩy hội nhập…thì có một lợi ích quan trọng khác cũng cần đề cập là giúp minh bạch hóa. Tất cả những lời phàn nàn của người dân, doanh nghiệp trước đây, xét đến cùng là xuất phát từ sự không minh bạch. Việc không minh bạch nội dung, quy trình công việc là mảnh đất màu mỡ cho sự nhũng nhiễu. Giải quyết được “nút thắt” này, hy vọng nó sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình phát triển.