Cuối tháng 5/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban ngành và địa phương (gọi tắt là sở, ban, ngành) năm 2018. Hay nói cách khác là đánh giá hiệu quả hoạt động của các đầu mối quản lý nhà nước thuộc UBND tỉnh. Đây là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC), cải cách cách thức làm việc, thúc đẩy hoạt động quản lý nhà nước, hướng đến phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và Nhân dân.
Hơn 10 năm qua, từ sự hợp tác của USAI (của Cơ quan hợp tác Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) và VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đã tiến hành đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh dựa trên 10 tiêu chí thành phần. Tất cả những bộ tiêu chí này, nhìn trên tổng thể là thử xem xét môi trường hoạt động của doanh nghiệp có thuận lợi hay không? Còn những rào cản gì làm “vướng chân” doanh nghiệp?.
Nếu như hoạt động thúc đẩy CCHC của Chính phủ buộc các bộ, ban, ngành, địa phương phải CCHC như là một mệnh lệnh phải thực hiện thì việc lấy ý kiến đánh giá từ doanh nghiệp, tạo ra sự thúc đẩy cải cách từ bên ngoài là một yếu tố quan trọng cho cải cách. Và rõ ràng, nó đã tác động tích cực đến cách nhìn nhận của các chủ thể được, hoặc “bị” đánh giá trong cách nhìn nhận vấn đề CCHC. Đã có nhiều bộ ngành, địa phương đề ra hẳn những kế hoạch để thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, nghĩa là thúc đẩy việc tạo lập một môi trường hoạt động tốt hơn cho doanh nghiệp.
Đối với năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thừa Thiên Huế, nếu tính trong 5 năm được điều tra công bố gần đây nhất, thì năm 2017 Thừa Thiên Huế nằm trong năm thấp nhất của chính mình. 10 chỉ số thành phần được điều tra đánh giá xoay quanh môi trường hoạt động của doanh nghiệp tốt hay không tốt, từ những vấn đề chung về chính sách như tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng đến những vấn đề không thuộc về chính sách như chi phí không chính thức… thì rõ ràng, môi trường hoạt động của doanh nhiệp thiếu tính ổn định.
Bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành được áp dụng sẽ cho chúng ta thấy một bức tranh về môi trường hoạt động của doanh nghiệp tốt hay chưa tốt; lề lối làm việc, phong cách phục vụ của bộ máy nhà nước ở nơi đó ra sao; mức độ hài lòng của doanh nghiệp và người dân thế nào… Một khi những điều này được thực hiện lâu dài, công khai, minh bạch, khoa học… chắc chắn nó sẽ tạo ra một động lực để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của sở, ban, ngành và người đứng đầu. Cứ hình dung như thế này thì sẽ nhận biết rõ hơn sự tác động: Ví dụ như một tổ chức Đảng hay đoàn thể, một đơn vị sự nghiệp nào đó, trong một năm đạt loại thấp thì được, chứ hai năm và nhiều năm cứ duy trì thứ hạng như thế mãi là một điều không ổn. Chắc chắn là người đứng đầu phải lo lắng và tìm ra giải pháp để cải thiện tình hình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nâng cao năng lực hoạt động.
Một cái hay nữa trong việc đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành đó là, nếu chúng ta thực hiện một cách khoa học, khách quan, minh bạch sẽ tạo ra một môi trường bình đẳng, không “có chỗ” cho cách nhìn nhận đánh giá chủ quan, hoặc ít ra là hạn chế điều này. Điều này sẽ có sức thuyết phục để các sở, ban, ngành “cải cách” chính mình.