1. Một số mô hình hành chính công trên thế giới
1.1 Mô hình hành chính công truyền thống
Mô hình hành chính công truyền thống khởi đầu với ý tưởng của nhà xã hội học người Đức Max Weber; tiếp đó thiết lập mô hình thư lại hành chính với hai nguyên tắc căn bản là trật tự thứ bậc và chế độ thực tài. Mô hình này bắt nguồn từ các cuộc cải cách rộng lớn ở Vương quốc Anh và Phổ vào cuối thế kỷ XIX với mục tiêu cải cách hệ thống hành chính bảo trợ, thiên vị và sau đó được áp dụng phổ biến trong thế kỷ XX.
|
Kỹ năng quản lý hành chính, mô hình chính sách công và năng lực quy hoạch hạ tầng của Singapore được thế giới đánh giá cao
Mô hình hành chính công truyền thống có đặc trưng chủ yếu là: tách bạch giữa hệ thống chính trị với các chính khách theo chế độ bầu cử và hệ thống hành chính với các công chức hành chính theo chế độ bổ nhiệm; hành chính là quá trình liên tục, quản lý bằng pháp luật; công chức hành chính được bổ nhiệm trên cơ sở trình độ năng lực và là các nhà chuyên môn được đào tạo, bồi dưỡng chuyên nghiệp; phân công lao động được chia thành các đơn vị chức năng với hệ thống trật tự thứ bậc; các nguồn lực thuộc về tổ chức chứ không thuộc về các thành viên trong tổ chức; công chức phục vụ lợi ích công thay vì lợi ích tư; sử dụng cách tiếp cận “mệnh lệnh và kiểm soát”. Đa số các nước trong Khối thịnh vượng chung đã áp dụng mô hình này sau khi giành độc lập. Bên cạnh đó, chế độ tập quyền trong mô hình cũng được nhiều nước khác như Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc áp dụng. Singapore áp dụng triệt để chế độ thực tài trong tuyển dụng, đề bạt, xây dựng nền hành chính thứ bậc chặt chẽ, khách quan và trả lương (thưởng) theo cơ chế thị trường nhằm thu hút và giữ chân những người ưu tú nhất. Trong thập niên 1980, nhiều nước đang phát triển đã vận dụng mô hình tập quyền, thứ bậc, chế độ thực tài để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính.
1.2 Mô hình quản lý công mới
Mô hình quản lý công mới gồm nhiều cách tiếp cận mới đối với hành chính và quản lý công. Mô hình này xuất hiện nhằm khắc phục những hạn chế của mô hình hành chính công truyền thống để thích ứng với bối cảnh cạnh tranh của nền kinh tế thị trường. Các thành tố mấu chốt của mô hình này gồm: nghiên cứu vận dụng các bài học kinh nghiệm từ quản lý của khu vực tư; tập trung vào quản lý chi phí, phát huy cơ chế ủy quyền; quan tâm đến vấn đề thực tế đặt ra đối với công tác quản lý, việc tổ chức thực hiện chính sách cũng như xây dựng chính sách; chú trọng phát triển công tác lãnh đạo mang tinh thần doanh nghiệp trong các tổ chức dịch vụ công; nhấn mạnh việc kiểm soát, đánh giá đầu vào – đầu ra và việc quản lý, kiểm định kết quả thực thi nhiệm vụ; sử dụng nguyên tắc thị trường, cạnh tranh và cơ chế hợp đồng đối với việc phân giao nguồn lực và cung ứng dịch vụ trong nền công vụ.
Mô hình này bắt nguồn từ Vương quốc Anh, New Zealand, Hoa Kỳ và Bắc Âu vào giữa thập niên 1980 dựa trên nền tảng lý thuyết về sự lựa chọn của công chúng. Nó đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong cách tiếp cận cũng như quan niệm về bản chất khu vực công, tạo nên các cách thức quản lý mới: quản lý dựa trên kết quả, thị trường hóa và ký hợp đồng cung ứng dịch vụ cốt lõi với công ty tư nhân và tổ chức phi lợi nhuận, sáng tạo ra các cơ quan điều hành như là “những cánh tay nối dài” của nền hành chính, chịu trách nhiệm giải trình về việc thực hiện dịch vụ công. Trên thực tế, nhiều nước đang phát triển đã nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước phát triển để có sự vận dụng phù hợp các thành tố của mô hình này vào quá trình cải cách cơ cấu tổ chức của nền hành chính. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mô hình quản lý công mới đã bộc lộ một số hạn chế như: quá chú trọng vào các nguyên tắc quản lý khu vực tư; coi thị trường là động lực chính của cải cách; chưa đặt nhu cầu của công dân vào trung tâm của cải cách và điều này có thể làm suy giảm trách nhiệm giải trình.
1.3 Mô hình quản trị công mới
Trước những vấn đề đặt ra về mặt lý luận và thực tiễn đối với hai mô hình hành chính công truyền thống và quản lý công mới, đầu thế kỷ XXI, một số nhà lý thuyết xây dựng nên khung lý luận mới, hướng tới cách tiếp cận đồng bộ đối với chính phủ. Khác với sự chú trọng vào thứ bậc và lợi ích của bộ máy hành chính của mô hình hành chính công truyền thống và khác với quyền tự quyết trong quản lý và cơ chế hợp đồng của mô hình quản lý công mới, cách tiếp cận của mô hình quản trị công mới coi công dân (chứ không phải chính phủ) là trung tâm. Cách tiếp cận này không chỉ đơn thuần đưa ra một mô hình hành chính công mà chú trọng làm rõ vai trò của công dân trong xây dựng chính sách cũng như tham gia vào quá trình sản xuất (cung ứng) dịch vụ. Trên thực tế, cách tiếp cận trên mới xuất hiện ở Hoa Kỳ và một số nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tuy vậy, cách tiếp cận này vẫn còn nhiều điểm cần tiếp tục nghiên cứu về mặt lý luận để phục vụ cho quá trình thiết kế các nội dung CCHC của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
1.4 Mô hình công vụ mới
Hiện nay, đây là mô hình tổng hợp, rõ nét nhất của các cách tiếp cận nêu trên. Mô hình này được xây dựng dựa trên cơ sở xác định trọng tâm của quản lý công là công dân, cộng đồng và xã hội; công chức có vai trò chủ yếu là giúp các (nhóm) công dân đạt được nguyện vọng và nhu cầu chung thay vì kiểm soát và định hướng xã hội. Cách tiếp cận này khác với giả thuyết của mô hình hành chính công truyền thống và quản lý công mới ở chỗ, mô hình công vụ mới nhấn mạnh đến vai trò tích cực và sự tham gia của công dân. Lợi ích tự thân nhỏ hẹp của công dân được đặt trong tổng thể lợi ích công rộng lớn hơn. Công chức hoạt động để phục vụ công dân, tăng cường sự gắn kết của công dân với việc tìm kiếm các giải pháp đối với các vấn đề xã hội. Cách tiếp cận này nhấn mạnh tầm quan trọng, bản chất phục vụ công, các giá trị và động lực khiến công chức tận tâm phục vụ lợi ích chung của xã hội. Nền hành chính phải cải cách theo hướng cởi mở, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, đề cao trách nhiệm giải trình nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu chính đáng của người dân, nhu cầu xã hội. Nhà quản lý công cần trang bị thêm những kỹ năng tài chính (đấu thầu, hợp đồng), đàm phán, giải quyết vấn đề phức hợp trong mối quan hệ cộng sự với công dân. Người công chức không những chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thực hiện mệnh lệnh từ cấp trên mà cần phải tập trung vào lợi ích công và nhu cầu của tập thể công dân, xã hội. Mô hình này hiện được nhiều nước phát triển quan tâm nghiên cứu, áp dụng.
1.5 Cách tiếp cận tổng thể chính phủ
Theo mô hình công vụ mới, nền hành chính công mới cần bao gồm bốn thành tố: xây dựng các mối quan hệ với công dân và các nhóm công dân; khuyến khích chia sẻ trách nhiệm; truyền bá thông tin, nâng cao nhận thức chung về các vấn đề công; tìm kiếm cơ hội để công dân tham gia vào các hoạt động của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, mô hình này chưa đưa ra hệ quy chiếu với những giải pháp toàn diện cho cải cách khu vực công. Một số trào lưu hậu-quản lý công mới nghiên cứu các nội dung về quản trị số và tạo động lực làm việc cho công chức để giải quyết các vấn đề của tổ chức và đáp ứng nhu cầu của công dân, đặt nhu cầu và lợi ích của công dân vào trung tâm của quản lý công, coi đó là đặc tính phục vụ của khu vực công. Đây là cách tiếp cận bổ trợ cho mô hình công vụ mới, xuất hiện đầu tiên ở Úc, New Zealand và Vương quốc Anh nhằm đề ra các giải pháp cải cách toàn diện, chú trọng vào mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức, giữa các chính phủ, giữa chính phủ với công dân, tổ chức xã hội trong việc giải quyết các vấn đề phức hợp và mang tính toàn cầu; tăng cường năng lực chính phủ trung ương trong việc kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng, điều phối, kiểm tra, giám sát và có hành động khắc phục các chính sách, chương trình dịch vụ công đã phân cấp hay ký hợp đồng với bên ngoài. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử với mục tiêu hướng tới thay đổi mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với công dân, xã hội và thay đổi cách thức giao tiếp của chính phủ với doanh nghiệp là một nội dung trọng tâm của cách tiếp cận này. Nhiều nước phát triển và đang phát triển đã phát huy lợi thế của công nghệ số, tạo ra những kênh giao tiếp để công chúng tiếp cận và theo dõi thông tin quản lý nhà nước, tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức công. Trên thế giới, cách tiếp cận này đang trong quá trình nghiên cứu và đúc rút kinh nghiệm.
2. Kinh nghiệm cho quá trình cải cách hành chính ở Việt Nam
Qua nghiên cứu các mô hình và cách tiếp cận hành chính công cho thấy, không một mô hình nào có thể đưa ra các giải pháp đầy đủ, triệt để cho mọi hệ thống hành chính và quản lý công. Một số nước đang phát triển lựa chọn mô hình quản lý công vụ tập quyền bởi hệ thống phân quyền đặt ra yêu cầu về công nghệ và nguồn nhân lực vượt quá năng lực của họ. Nhiều nước tập trung vào nội dung cải cách cơ cấu tổ chức thứ bậc, đề cao chế độ thực tài theo mô hình hành chính công truyền thống nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. Các nước có nguồn tài chính dành cho quản lý hành chính công hạn hẹp đặt mục tiêu tinh giản biên chế là ưu tiên cải cách. Một số nước đang phát triển đã dừng việc áp dụng thái quá các nguyên tắc thị trường trong nền công vụ, vận dụng phù hợp mô hình công vụ mới và quản trị công mới, chú trọng phát triển các mối quan hệ liên tổ chức và tăng cường sự tham gia của công dân. Xu hướng cải cách của nhiều nước trên thế giới là đề cao việc xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các cơ quan, nhà quản lý công, các công dân, các tổ chức phi lợi nhuận trong việc xây dựng và thực hiện chính sách. Hầu hết các cuộc cải cách khu vực công hiện tại của các nước phát triển và đang phát triển đều tiếp cận theo hướng xây dựng đồng bộ các giải pháp; lấy công dân và lợi ích công làm trung tâm hơn là lợi ích tự thân của nền hành chính; ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường quan hệ với công chúng và phục vụ người dân tốt hơn.
Ở Việt Nam, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định CCHC là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Quá trình cải cách thời gian qua đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều bất cập về thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, hiện đại hóa, quản lý tài chính công. Kết quả nghiên cứu một số mô hình và kinh nghiệm cải cách nêu trên cho thấy, bên cạnh việc đẩy mạnh CCHC theo các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam cần xây dựng đồng bộ các giải pháp để nâng cao mối quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức nhà nước với công chúng; tiếp tục triển khai các quy trình quản lý chất lượng trong việc giải quyết công việc, thủ tục hành chính với người dân, tổ chức, áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước,... Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử như là giải pháp quan trọng để nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, tham gia xây dựng chính sách của người dân, tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, minh bạch, chuyên nghiệp, năng động, hiệu lực, hiệu quả.
ThS. Hà Thị Thu Hương - Trường Đại học Nội vụ Hà Nội