Ở nước ta, triển khai thi hành Luật Cán bộ, công chức năm 2008, và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Bộ Nội vụ, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có những đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động tuyển dụng công chức. Tuy nhiên, hoạt động tuyển dụng công chức ở các địa phương, cơ quan vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này ở nước ta hiện nay.
Những hạn chế trong hoạt động tuyển dụng công chức trong thời gian qua, nhiều địa phương đã tiến hành tuyển dụng công chức để lựa chọn những người đủ phẩm chất, trình độ, năng lực bổ sung cho nền công vụ. Tuy nhiên, hoạt động tuyển dụng công chức vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập sau đây: Thứ nhất, chưa có sự thống nhất trong áp dụng các quy định về điều kiện của người dự tuyển công chức. Hiện nay khi tuyển dụng công chức người dự tuyển phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 36 Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Thực tế áp dụng quy định này ở nhiều địa phương còn một số vấn đề chưa thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động tuyển dụng.
Về quy định văn bằng, chứng chỉ của người tham gia dự tuyển công chức nhiều địa phương, cơ quan quy định người tham gia dự tuyển phải có bằng tốt nghiệp xếp loại khá trở lên hoặc bằng tốt nghiệp hệ chính quy, bằng tốt nghiệp của trường công lập. Điều này tạo ra sự phân biệt, không bình đẳng đối với những người dự tuyển. Chính vì vậy, sau đó Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 05/2012/TT-BNV ngày 24/10/2012 trong đó quy định cơ quan quản lý công chức khi thông báo tuyển dụng công chức không được phân biệt loại hình đào tạo và văn bằng, chứng chỉ (chính quy, tại chức, liên thông, chuyên tu, từ xa, theo niên hạn hoặc theo tín chỉ), không phân biệt trường công lập và trường ngoài công lập. Việc quy định này của Bộ Nội vụ là hợp lý và cần thiết nhằm đảm bảo sự thống nhất. Tuy nhiên, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định người dự tuyển công chức phải có “văn bằng, chứng chỉ phù hợp” dẫn đến nhiều địa phương, cơ quan khi áp dụng quy định này đã tự đặt ra các quy định về văn bằng, chứng chỉ, tạo ra sự thiếu thống nhất, thậm chí tạo ra sự không bình đẳng trong tuyển dụng công chức. Một số địa phương, cơ quan quy định về văn bằng cho vị trí tuyển dụng công chức còn mang tính chủ quan, của cơ quan tuyển dụng thậm chí việc quy định văn bằng này còn tạo ra sự hoạt động tuyển dụng công chức “ưu tiên” cho một số người dự tuyển. Thậm chí đã từng xảy ra trường hợp cơ quan tuyển dụng công chức vì “ưu ái” người dự tuyển đã đưa ra yêu cầu về chuyên ngành của văn bằng mà “duy nhất” chỉ một người đáp ứng được.
Mặt khác, quy định về các loại chứng chỉ như chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong điều kiện tuyển dụng công chức cũng chưa có hướng dẫn thống nhất. Nhiều địa phương, cơ quan quy định yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thường là chứng chỉ A tin học, chứng chỉ A ngoại ngữ hoặc chứng chỉ B tin học, chứng chỉ B ngoại ngữ. Chính điều này trên thực tế đã xảy ra câu chuyện người dự tuyển có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn IELTS, TOEIC, TOEFL... hoặc tốt nghiệp Đại học ở nước ngoài, có bằng Đại học chuyên ngành ngoại ngữ cũng không được cơ quan tuyển dụng công chức chấp nhận hồ sơ dự tuyển vì không đúng yêu cầu về điều kiện ngoại ngữ. Bên cạnh đó, hiện nay ở một số địa phương, cơ quan, tổ chức đã tự đặt ra thêm một số điều kiện trong tuyển dụng công chức như: quy định người tham gia tuyển dụng phải có có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Thực tế quy định này là trái với Luật Cư trú và có thể dẫn đến tình trạng người dự tuyển công chức vì muốn đáp ứng điều kiện về hộ khẩu đã phải tìm cách sớm nhất để có thể nhập hộ khẩu vào địa phương có yêu cầu tuyển dụng.
Tất cả những quy định này đã tạo ra sự không thống nhất trong áp dụng các quy định về điều kiện đăng ký dự tuyển công chức. Điều 36 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 hoàn toàn không có những quy định này. Do đó các địa phương, các cơ quan cũng không được phép tùy tiện đặt ra các quy định này.
Thứ hai, việc tổ chức thực hiện một số công việc trong hoạt động tuyển dụng công chức chưa đáp ứng yêu cầu Việc tuyển dụng công chức được thực hiện bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển, trong đó thi tuyển là chủ yếu (xét tuyển chỉ áp dụng đối với vùng sâu, vùng xa và một số đối tượng ưu tiên). Mặc dù, các văn bản của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn và có quy định cụ thể việc tổ chức thi tuyển công chức hiện nay. Tuy nhiên, việc thi tuyển vẫn còn bộc lộ những hạn chế đặc biệt là việc ra đề thi, coi thi, chấm thi ở các địa phương, cơ quan. Việc thi tuyển chưa thật sự đánh giá đúng năng lực, trình độ của người dự tuyển. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy định về xét tuyển đối với những người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng còn hạn chế, bất cập. Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định nội dung xét tuyển công chức bao gồm: xét kết quả học tập của người dự tuyển, phỏng vấn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển. Kết quả học tập của người dự tuyển được tính từ điểm học tập và điểm tốt nghiệp. Theo đó, điểm học tập được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn học trong toàn bộ quá trình học tập của người dự xét tuyển ở trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, được quy đổi theo thang điểm 100 và tính hệ số 2. Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các bài thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự xét tuyển, được quy đổi theo thang điểm 100 và tính hệ số 1. Tuy nhiên, hiện nay trong quy định của hệ thống giáo dục quốc dân có hai loại hình điểm học ứng với hai hình thức đào tạo. Đó là điểm học theo tín chỉ và điểm học theo học phần. Do đó nhiều cơ quan tuyển dụng công chức rất lúng túng và gặp khó khăn trong xác định điểm số là căn cứ xét tuyển. Mặt khác, thông thường bảng điểm do các trường cấp cho người tốt nghiệp bao gồm cả điểm học tập tất cả các môn của khóa học và điểm bảo vệ đồ án, khóa luận hoặc điểm môn thi tốt nghiệp (trong trường hợp không bảo vệ khóa luận) nhưng một số cơ quan tiếp nhận hồ sơ xét tuyển công chức đã yêu cầu người dự tuyển liên hệ với trường nơi mình học để xin cấp bảng điểm chỉ bao gồm các môn học và bảng điểm bao gồm môn thi tốt nghiệp riêng. Thiết nghĩ điều này là không cần thiết và gây khó khăn cho người tham gia dự tuyển.
Bên cạnh đó, trong quá trình tuyển dụng công chức, một số địa phương, cơ quan khi tiến hành tiếp nhận không qua thi tuyển đối với những trường hợp đặc biệt là người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ Đại học ở trong nước và người tốt nghiệp Đại học, sau Đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài mà chưa có văn bản báo cáo thống nhất Bộ Nội vụ dẫn đến trường hợp người được tiếp nhận có trình độ chuyên môn không đúng vị trí được tiếp nhận.
Thứ ba, chưa thực hiện kiểm tra việc ra quyết định tuyển dụng công chức đối với người trúng tuyển Sau khi có kết quả tuyển dụng cơ quan quản lý công chức ra quyết định phê duyệt kết quả và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức phải gửi thông báo công nhận kết quả trúng tuyển bằng văn bản tới người dự tuyển theo địa chỉ mà người dự tuyển đã đăng ký. Như vậy, cơ quan quản lý công chức tổ chức tuyển dụng công chức và phê duyệt kết quả tuyển dụng và giao cho cơ quan sử dụng công chức ban hành quyết định tuyển dụng. Tuy nhiên hiện nay chưa có quy định về kiểm tra việc ban hành quyết định tuyển dụng công chức đối với những người trúng tuyển. Điều này có thể dẫn đến tình trạng người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức mặc dù trúng tuyển nhưng vẫn không được cơ quan sử dụng ra quyết định tuyển dụng. Chính vì vậy cần có quy định cụ thể để khắc phục tình trạng này.
Trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, xây dựng nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, thì cải cách chế độ tuyển dụng công chức là đòi hỏi khách quan và hết sức cần thiết. Vì vậy, để đảm bảo tuyển chọn được đội ngũ công chức có chất lượng thì các địa phương, cơ quan phải khắc phục những hạn chế trong hoạt động tuyển dụng công chức, thực hiện hoạt động tuyển dụng thống nhất, công khai, minh bạch và đúng pháp luật.