Theo đó, xung đột lợi ích chỉ nảy sinh khi có mối quan hệ trực tiếp hoặc dự đoán được giữa việc người tham gia ra quyết định với việc họ có lợi ích riêng tư trong việc ra quyết định đó. Yếu tố này được diễn giải theo hướng suy đoán: Lợi ích riêng tư một người thu nhận được nhờ vào việc họ tham gia ra quyết định hoặc có ảnh hưởng đến người ra quyết định. Lợi ích này có thể là lợi ích hiện hữu cũng có thể ở dạng tiềm tàng, vì thế việc kiểm soát không chỉ dừng lại ở những lợi ích có được mà cả những lợi ích có thể có được trong tương lai.
Hoàn cảnh khiến cán bộ, công chức thu nhận được lợi ích riêng tư nhờ vào việc ra quyết định hoặc nhờ có sự ảnh hưởng đến người ra quyết định thường chứa đựng nguy cơ tiềm tàng triệt tiêu tính vô tư, khách quan của cán bộ, công chức và dễ nảy sinh hành vi tham nhũng trong trường hợp cán bộ, công chức ra quyết định vì lợi ích riêng và làm tổn hại đến lợi ích chung. Triệt tiêu xung đột lợi ích là điều không thể vì nó luôn gắn liền với những quan hệ khách quan của cán bộ, công chức với đời sống xã hội, cho nên kiểm soát xung đột lợi ích là phương thức hiệu quả ngăn ngừa được hành vi tham nhũng nảy sinh cho dù nó vẫn tồn tại.
Xung đột lợi ích có tính khách quan, nảy sinh từ chức năng, nhiệm vụ, chính sách, quy định và cơ chế hoạt động của tổ chức, ngành, địa phương, hoặc toàn quốc gia. Trong khi đó, tham nhũng mang nặng tính chủ quan vì là hành vi, quyết định của cán bộ, công chức. Xung đột lợi ích là những tình huống có nhiều nguy cơ, nhưng không nhất thiết, dẫn đến hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, các tình huống có xung đột lợi ích luôn là những tình huống khó khăn cho cán bộ, công chức khi ra quyết định. Việc kiểm soát xung đột lợi ích sẽ có tác dụng lớn trong việc phòng ngừa các hành vi tham nhũng, đồng thời giúp cán bộ, công chức ra những quyết định khách quan, công bằng hơn. Trong mọi trường hợp, nếu không được kiểm soát phù hợp, xung đột lợi ích ảnh hưởng tới tính liêm chính và hiệu quả của khu vực công và làm suy giảm niềm tin của xã hội.
Hiện nay pháp luật kiểm soát xung đột lợi ích không phải là lĩnh vực pháp luật riêng được hệ thống hóa trong văn bản cụ thể mà được quy định trong nhiều văn bản luật ở các lĩnh vực pháp luật khác nhau, trong đó hiện diện nhiều trong các luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, như Hiến pháp 2013, Luật tổ chức các hệ thống cơ quan nhà nước, pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức; pháp luật liên quan đến hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước, cán bộ công chức có quan hệ trực tiếp với cá nhân, tổ chức.
Hiến pháp năm 2013 có một số điều khoản kiểm soát xung đột lợi ích của thành viên Chính phủ, đó là các thành viên Chính phủ không được đồng thời là thành viên của Ủy ban Thường vụ quốc hội. Luật phòng chống tham nhũng có quy định các biện pháp phòng ngừa xung đột lợi ích, thông qua việc yêu cầu xây dựng các quy tắc đạo đức nghề nghiệp hay kiểm soát nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
Mặc dù đã có quy định hạn chế xung đột lợi ích và yêu cầu phải công khai lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức, pháp luật vẫn chưa bao trùm được các tình huống xung đột lợi ích xảy ra trong thực tiễn.
Thứ nhất, pháp luật chưa luật định khái niệm xung đột lợi ích là một thiếu sót pháp lý khiến cho pháp luật kiểm soát xung đột lợi ích chưa thực sự hiệu quả. Sự ảnh hưởng tiêu cực của thiếu sót pháp lý này đến hiệu quả kiểm soát xung đột lợi ích từ phương diện pháp luật thực định cho đến thực thi pháp luật.
Do chưa đưa ra khái niệm xung đột lợi ích nên pháp luật quy định các tình huống dẫn đến xung đột lợi ích chưa bao quát được thực tiễn của nó. Pháp luật đưa ra các tình huống có thể dẫn đến xung đột lợi ích mang tính thống kê thực tại mà chưa có tính bao trùm các tình huống có thể nảy sinh trong tương lai. Chính điều này dẫn đến nhiều tình huống xung đột lợi ích xảy ra nhưng không thể ngăn ngừa và xử lý theo pháp luật nên cán bộ, công chức lợi dụng để thực hiện hành vi tham ô, tham nhũng.
Ý thức kiểm soát xung đột lợi ích của cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế vì ý niệm kiểm soát xung đột lợi ích chưa trở thành chuẩn mực chi phối hành vi của cán bộ công chức. Một bộ phận cán bộ, công chức nhận thức về xung đột lợi ích rời rạt, chủ yếu dựa trên cơ sở những quy định của pháp luật về lĩnh vực này. Đồng thời, pháp luật kiểm soát xung đột lợi ích chưa được xây dựng trên cơ sở nội hàm của xung đột lợi ích nên một số trường hợp không thể xử lý được hành vi lợi dụng xung đột lợi ích để có được lợi ích riêng tư.
Thứ hai, pháp luật kiểm soát xung đột lợi ích được xây dựng trên cơ sở quy định cấm, không được làm của cán bộ, công chức, đã bộc lộ những hạn chế trong thực tiễn thi hành pháp luật.
Tình huống xung đột lợi ích có thể xuất hiện ở tất cả các khâu của quá trình ra quyết định trong khi đó pháp luật chỉ đặt ra để kiểm soát xung đột lợi ích ở khâu quyết định, đơn cữ: Pháp luật kiểm soát xung đột lợi ích trong quyết định bổ nhiệm cán bộ. Pháp luật hiện hành chỉ kiểm soát xung đột lợi ích đối với người trực tiếp bổ nhiệm với người được bổ nhiệm mà chưa có quy định để kiểm soát xung đột lợi ích trong các khâu khác của quy trình bổ nhiệm, như: Chưa có quy định để kiểm soát xung đột lợi ích trong quy hoạch cán bộ, trong lấy phiếu tín nhiệm cán bộ. Chính những thiếu sót này dẫn đến một số cán bộ, công chức đã ra quyết định bổ nhiệm cán bộ rõ ràng có chứa đựng tình huống xung đột lợi ích nhưng khó xử lý được.
Pháp luật kiểm soát xung đột lợi ích chưa quy định chủ thể là cơ quan khiến cho việc lợi dụng tư cách cơ quan để thu nhận lợi ích riêng tư chưa được kiểm soát. Tình trạng cá nhân, tổ chức ngụy trang dưới hình thức tặng quà cho cơ quan để tìm kiếm lợi ích riêng tư trong chính sách, quyết định của chính quyền đang diễn ra nhiều nơi gây tâm lý bất bình trong xã hội.
Việc sử dụng chế tài pháp lý để kiểm soát xung đột lợi ích, trừng phạt hành vi lợi dụng tình huống xung đột lợi ích để thu nhận lợi ích riêng tư khiến cho việc kiểm soát xung đột lợi ích khó thực thi trong thực tiễn. Vì một số tình huống xung đột lợi ích không trực tiếp mang lại lợi ích riêng tư mà có thể gián tiếp hoặc có thể mang lại lợi ích riêng tư trong tương lai có thể chắc chắn xảy ra thì khó truy cứu được trách nhiệm pháp lý mà cần phải áp dụng chế tài đạo đức.
Ngoài những hạn chế nội tại của pháp luật kiểm soát xung đột lợi ích, tính minh bạch của hoạt động công vụ nói chung, mối quan hệ thân nhân của cán bộ, công chức nói riêng còn thấp khiến cho việc kiểm soát xung đột lợi ích chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội. Tình trạng lợi dụng các tình huống xung đột lợi ích để mưu cầu lợi ích riêng tư, để thực hiện hành vi tham ô, tham nhũng còn diễn ra ở nhiều cơ quan, nhiều cấp trên diện rộng đã làm xói mòn niềm tin của người dân vào pháp luật, Nhà nước.