Những ghi nhận
7 giờ 30 sáng 3/3, tại bộ phận “một cửa” phường Phú Hội (TP. Huế) chưa có người đến giao dịch nhưng cán bộ đảm trách các bộ phận đã có mặt đông đủ. Riêng bộ phận Tư pháp đang ghế trống. 30 phút sau, anh Hồ Hữu Hoài Nhân, cán bộ tư pháp vào vị trí làm việc, đi cùng anh là một số người đang liên hệ thủ tục chứng thực chữ ký. Thấy chúng tôi ngồi đợi, anh Nhân giãi bày: “Do chứng thực chữ ký cho một người đi lại rất khó khăn nên tôi phải đến tận nơi ở để đảm bảo thủ tục và tạo thuận lợi cho người dân”. Một trong số những người đang đợi nhận lại thủ tục chứng thực chữ ký kể: “Người nhà tôi phải ngồi xe lăn nên đi lại rất khó khăn, gia đình phải nhờ cán bộ tư pháp phường về làm thủ tục tại nhà từ 7 giờ sáng. Cán bộ ở đây làm việc với tinh thần phục vụ tốt, bà con rất đồng tình…”.
Không hẹn trước, chúng tôi đến Văn phòng Đăng ký Đất đai thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường. Các vị trí làm việc đều có người trực và đang nghiên cứu, đối chiếu từng chồng hồ sơ chất cao. Chị Phạm Thị Bình, Giám đốc Văn phòng Đăng ký Đất đai cho biết: Nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính ngày càng tăng. Đơn vị còn tiến hành cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả các huyện, thị, thành phố nên khối lượng công việc lớn, nếu không tranh thủ làm sớm, làm ngoài giờ sẽ không kịp thời hạn.
Tại các hàng quán cà phê trên đường Tố Hữu, Nguyễn Lương Bằng (TP.Huế), địa điểm gần trụ sở các cơ quan, sở, ngành cấp tỉnh, hình ảnh ghi nhận được là các hàng quán ít khách. “CBCCVC ở các cơ quan xung quanh thỉnh thoảng cũng đến quán uống cà phê, nhưng hầu hết vào lúc sáng sớm, trước 8 giờ…” - nhân viên quán cà phê AB cho biết.
Chúng tôi tiếp tục đến Phú Vang - một trong những huyện có số lượng lớn CBCC các cơ quan, ban, ngành nhà ở xa nên phải ở lại buổi trưa để kịp làm việc vào đầu giờ chiều. Khác với trước đây, buổi trưa ở các nhà hàng Phú Thanh, Thảo Nguyên, Hải Sơn, Vườn Xanh ở thị trấn Phú Đa (Phú Vang) khá vắng. Một nhân viên ở nhà hàng Thảo Nguyên cho biết: “Nhiều năm trước, cứ đến giờ này quán rất đông, nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức liên hoan, tiếp khách… Bây giờ nghe đâu có quy định cấm liên hoan, tiệc tùng vào buổi trưa nên nhiều nhà hàng chuẩn bị đóng cửa”. Anh Đoàn Thao, Trưởng trạm Khuyến nông – lâm – ngư huyện Phú Vang cho biết: "Để đảm bảo việc chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính, cán bộ, nhân viên nhiều cơ quan, đơn vị đặt mua cơm phần đưa vào tận cơ quan nhằm tránh nảy sinh việc uống bia, rượu trong giờ nghỉ trưa".
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Để tiếp tục nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, nhất là tinh thần phục vụ của CBCCVC Chỉ thị 32 nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác chỉ đạo, kiểm tra. Đồng thời, thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở CBCCVC chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nếu vi phạm cần xử lý nghiêm túc. Có như vậy, tinh thần, trách nhiệm và thái độ phục vụ của CBCCVC mới được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới, góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
|
Chỉ thị 51 ngày 28/12/2012 và mới đây là Chỉ thị 32 ngày 22/12/2016 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương hành chính ra đời đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Ông Trương Văn An, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ nhận xét: "Ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của CBCCVC đã có những chuyển biến tích cực, văn hóa công sở được quan tâm. Hầu hết bộ phận tiếp dân, tiếp nhận, trả kết quả theo cơ chế một cửa được các ngành, địa phương quan tâm, tổ chức bố trí hợp lý; các thủ tục được công khai, niêm yết rõ ràng tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp".
Tuy vậy, Chỉ thị 32 của UBND tỉnh cũng chỉ rõ những tồn tại trong công tác này. Đó là việc chấp hành sự chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự nghiêm túc; chất lượng tham mưu, hiệu quả giải quyết công việc chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được thực hiện đúng tiến độ trong một số lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Kỷ luật, kỷ cương trong một số cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến cơ sở còn bị coi nhẹ; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa được quan tâm đúng mức, việc phát hiện vi phạm và xử lý chưa kịp thời, còn tình trạng nể nang, bao che. Tác phong, lề lối làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ một bộ phận CBCCVC chưa thực sự nghiêm túc; tình trạng đi muộn, về sớm, đùn đẩy công việc vẫn còn, tinh thần trách nhiệm chưa cao; nhiều CBCCVC gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình thực thi công vụ....