Tuy nhiên, nhiều bất cập trong giám sát trách nhiệm thụ lý hồ sơ, tình trạng hồ sơ quá hạn xử lý, người dân mất nhiều thời gian và số lần đến cơ quan hành chính Nhà nước, phương thức công khai minh bạch và trách nhiệm xử lý thủ tục hành chính... đang là những vấn đề bức xúc cản trở quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Hiện đại hóa phương thức vận hành
Trước thực trạng trên, công tác cải cách hành chính đòi hỏi sự đổi mới, hiện đại hóa phương thức vận hành của bộ máy chính quyền trong giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp. Hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng nền công vụ tiên tiến trên nền tảng cung cấp dịch vụ hành chính công trên môi trường mạng đang là nhu cầu cấp thiết nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho công dân, doanh nghiệp thông qua giảm thiểu chi phí, thời gian và hồ sơ, giấy tờ khi giải quyết thủ tục hành chính.
Với sự nỗ lực xây dựng triển khai hệ thống Cổng dịch vụ công Thừa Thiên Huế của Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh; sự vào cuộc của các đơn vị được chọn thí điểm, như Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, huyện Phú Lộc, thị xã Hương Trà, TP. Huế... cùng sự hỗ trợ, phối hợp tham gia của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Huế, Viettel Huế cung cấp dịch vụ thanh toán, nhắn tin trực tuyến và dịch vụ cấp thẻ điện tử doanh nghiệp; Cổng dịch vụ công Thừa Thiên Huế sẽ chính thức được đưa vào vận hành sử dụng từ ngày 23/12/2016 tại địa chỉ truy cập: dichvucong.thuathienhue.gov.vn
Từ thực tiễn vận hành mô hình một cửa hiện đại và yêu cầu tích hợp, liên thông phù hợp kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh, Cổng dịch vụ công đảm bảo các chức năng sau:
- Cung cấp dịch vụ công trực tuyến các mức độ thống nhất và duy nhất trên phạm vi toàn tỉnh, tạo môi trường cho công dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin và gửi hồ sơ đăng ký giải quyềt thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi.
- Tạo môi trường liên thông giải quyết thủ tục hành chính thông qua khả năng kết nối, tích hợp quá trình xử lý thủ tục hành chính nội bộ của đơn vị với dịch vụ thanh toán, tin nhắn trực tuyến.
- Hình thành cơ sở dữ liệu hồ sơ của công dân, doanh nghiệp làm cơ sở xác thực hồ sơ điện tử cho công dân và doanh nghiệp, tạo tiền đề giảm thiểu hồ sơ phải nộp khi giải quyết thủ tục hành chính.
- Thực hiện công khai minh bạch quá trình tiếp nhận, thụ lý, xử lý hoàn trả hồ sơ cho công dân, doanh nghiệp. Đảm bảo việc giám sát của công dân, doanh nghiệp toàn bộ quá trình xử lý thủ tục hành chính đối với cán bộ công chức làm nhiệm vụ.
Cùng với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin về doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể đang triển khai được chia sẻ, xác thực và tích hợp vào thẻ điện tử doanh nghiệp dưới dạng hồ sơ điện tử là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện cắt giảm hồ sơ hành chính cần phải nộp khi giải quyết thủ tục hành chính.
Hy vọng với sự hình thành và vận hành Cổng dịch vụ công, thẻ điện tử doanh nghiệp gắn liền với mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, thời gian tới sẽ có những chuyển đổi căn bản đem lại thực chất trong cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Cải cách thực chất
Nhằm đảm bảo các điều kiện vận hành thời gian đầu, khắc phục kịp thời những hạn chế về kỹ thuật cũng như phương thức vận hành, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung một số công việc. Về phía các cơ quan địa phương, cơ quan báo chí cần kịp thời tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn để công dân, doanh nghiệp tiếp cận hệ thống một cách thuận lợi nhất. Đối với công dân, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và tích cực tham gia dịch vụ công trực tuyến, xem đây là dịch vụ đem lại lợi ích thiết thực cho mình nhằm giảm thời gian, chi phí, thủ tục trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần chung tay cải cách hành chính với chính quyền các cấp.
Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm CNTT tỉnh tăng cường và thường xuyên tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ làm nhiệm vụ thụ lý giải quyết hồ sơ hành chính các cấp. Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm vận hành Cổng dịch vụ công đảm bảo hoạt động thông suốt 24/24 giờ để người dân, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch trực tuyến liên quan đến thủ tục hành chính. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Huế, Viettel Huế tiếp tục hỗ trợ để hoàn thiện hơn dịch vụ thanh toán trực tuyến, nhắn tin trực tuyến và dịch vụ cấp thẻ điện tử doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và doanh nghiệp.
Các sở, ngành, địa phương rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như phối hợp chặt chẽ với Trung tâm công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi và cài đặt hệ thống đảm bảo vận hành đúng yêu cầu và quy định. Thường xuyên tổ chức sơ kết đánh giá để góp ý hoàn chỉnh hệ thống. Đồng thời, phải quán triệt, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức đơn vị nêu cao tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Ban giám sát Cổng dịch vụ công tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại các sở, ngành, địa phương; kịp thời giải quyết vướng mắc về kỹ thuật cũng như quy trình nghiệp vụ, giải pháp liên thông, công tác phối hợp, nghiêm túc tiếp thu ý kiến các cơ quan, đơn vị để không ngừng cải tiến hệ thống, đảm bảo hệ thống được vận hành an toàn, an ninh, liên tục và thông suốt.
Việc xây dựng và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công và dịch vụ cung cấp sử dụng thẻ điện tử doanh nghiệp trên địa bàn Thừa Thiên Huế thể hiện ý chí và cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh trong việc cải cách hành chính, thúc đẩy sản xuất đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn cho công dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất trên địa bàn.
PHAN NGỌC THỌ
Phó Chủ Tịch Thường Trực UBND tỉnh