Tìm kiếm
Hướng đến nhóm 10 địa phương dẫn đầu về cải cách hành chính
Ngày cập nhật 24/11/2016
Giao dịch tại Phòng một cửa ở phường Tây Lộc

Thừa Thiên Huế đang hướng đến mục tiêu đến năm 2020 nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện cải cách hành chính (CCHC). Để đạt được mục tiêu đó, các đơn vị, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cần có giải pháp hữu hiệu.

Quyết tâm cao

Sở Tư pháp là cơ quan Nhà nước xếp vị trí cao trong bảng xếp hạng chấm điểm CCHC hàng năm của tỉnh. Năm 2014, đơn vị xếp thứ hai, nay đã vươn lên xếp thứ nhất về CCHC.

Theo ông Đào Chuẩn, Giám đốc Sở Tư pháp: “Ngoài ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, đơn vị đặc biệt chú trọng đến việc cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và thái độ phục vụ Nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần sớm khắc phục. Một số thủ tục hành chính còn rườm rà, công tác phối hợp giữa sở và các cơ quan Nhà nước chưa kịp thời”.

Phong Điền được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện QCDC gắn với CCHC. Ngoài thường xuyên chủ động lắng nghe, tiếp thu, giải quyết chu đáo ý kiến, kiến nghị của người dân, huyện đã chỉ đạo niêm yết công khai 283 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện và 176 thủ tục hành chính cấp xã, thị trấn; kiên quyết xử lý, CBCCVC quan liêu, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền và năng lực, phẩm chất yếu kém.

“Giải pháp huyện đặt ra trong thời gian tới là thường xuyên khảo sát, lấy ý kiến về mức độ hài lòng của người dân trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, có giải pháp cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công và nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ”, ông Trịnh Đức Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết.

Từ khi triển khai 25 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (mức độ 3 là 22 thủ tục hành chính, mức độ 4 là 3 thủ tục) để phục vụ nhu cầu của tổ chức và công dân trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã nâng cao chất lượng công tác CCHC. Ông Lê Quang Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Sở đang hoàn thiện danh mục thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc phạm vi giải quyết của sở và UBND cấp huyện, cấp xã để trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố. Sau khi hoàn tất công việc này, sẽ rà soát và đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, với tỷ lệ 100% thủ tục hành chính đã được công bố để góp phần nâng cao chất lượng CCHC của tỉnh”.

Xây dựng môi trường thân thiện

Tại hội nghị bàn về thực trạng và giải pháp xây dựng, thực hiện QCDC gắn với công tác CCHC trong các cơ quan Nhà nước Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo quy chế dân chủ (QCDC) tỉnh Bùi Thanh Hà chỉ đạo: Các thủ tục hành chính phải được giải quyết đơn giản, tinh gọn hơn. Công tác lãnh, chỉ đạo điều hành thực hiện QCDC, CCHC phải linh động, phù hợp. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh phải tạo sự chuyển biến mạnh về QCDC và CCHC; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh - quốc phòng”.

Dù đã rất nỗ lực trong công tác CCHC, nhưng vấn đề lưu cữu hiện nay ở các cơ quan Nhà nước là sự thiếu đồng bộ trong phối hợp thực hiện; tinh thần thái độ phục vụ ở một số cơ quan công quyền chưa được người dân hài lòng. Một số chính sách, thủ tục hành chính còn rườm rà.  “Phải thực sự nghiêm túc trong quán triệt, triển khai các văn bản của Đảng, Nhà nước về thực hiện QCDC đến tận cán bộ cấp cơ sở, trong đó, chú ý đến đội ngũ cán bộ xã, thị trấn. Đây là đội ngũ thường xuyên trực tiếp triển khai và tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nếu nắm vững, hiểu đầy đủ và có quyết tâm thì kết quả thực hiện QCDC, CCHC đạt kết quả cao hơn”, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Phú Vang chia sẻ.

Một trong những giải pháp mà Sở Du lịch hiến kế là tập trung tổ chức thực hiện thật tốt cơ chế một cửa tại cơ quan theo hướng hiện đại. “Một vấn đề hết sức quan trọng là tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích sự tham gia, giám sát của Nhân dân, doanh nghiệp du lịch đối với hoạt động của sở; đồng thời, xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân, doanh nghiệp đối với những vấn đề liên quan đến CCHC”, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch đóng góp ý kiến.

Với quyết tâm cao, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định tại hội nghị triển khai Nghị quyết 02 – NQ/TU của Tỉnh ủy và Chương trình hành động của UBND tỉnh về đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2016 2020: “Để đứng vào nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện CCHC, các địa phương, đơn vị, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở phải hành động cụ thể, quyết liệt. Phải xây dựng bằng được một nền hành chính vì Nhân dân, có môi trường thân thiện, sự hài lòng bằng những thủ tục đơn giản; phải xây dựng một chính quyền luôn đổi mới và hành động. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng nền CCHC đồng bộ, tạo thế mạnh để thu hút đầu tư. Muốn vậy, ngoài tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quan tâm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là vai trò của người đứng đầu, thì việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để tránh hình thức, qua loa, chiếu lệ trong quá trình thực hiện là vấn đề bức thiết cần sớm được giải quyết”.

Theo Báo Thừa Thiên Huế điện tử
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Lượt truy cập _ CCHC
Truy cập tổng 301.842
Truy cập hiện tại 3.197