Tìm kiếm
Giảm thủ tục hành chính trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo
Ngày cập nhật 15/11/2016

Đây là một trong các nội dung lớn được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tại phiên họp toàn thể chiều 24/10.

Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là những vấn đề còn ý kiến khác nhau, những vấn đề về quản lý Nhà nước, các hành vi bị cấm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo báo cáo, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật còn quá nhiều quy định mang nặng tính hành chính, “xin - cho” và đề nghị quy định theo hướng giảm các thủ tục hành chính, tăng hình thức thông báo trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý dự thảo để các quy định về thủ tục hành chính phù hợp hơn với quan điểm xây dựng Luật.

Đến nay, rất nhiều nội dung trong dự thảo đã chuyển từ hình thức đăng ký-cấp phép hoặc đề nghị-chấp thuận sang hình thức thông báo. Dự thảo cũng đã minh bạch hoá các quy định về thủ tục hành chính, thẩm quyền và thời gian xử lý... Những điểm mới này nhằm góp phần tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; đồng thời thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với những vấn đề thuộc về nội bộ của tổ chức tôn giáo.

Về pháp nhân của các tổ chức tôn giáo, nhiều đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu quy định ngay trong Luật để thống nhất với các quy định của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) mới được thông qua tại kỳ họp 10 Quốc hội khóa XIII. Dự thảo Luật đã bổ sung một điều quy định về tư cách pháp nhân đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Theo đó, “Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận”. Tổ chức tôn giáo trực thuộc sau khi được thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, nếu có nhu cầu đăng ký pháp nhân phi thương mại thì phải được tổ chức tôn giáo đề nghị, có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó và nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Để quy định này được khả thi và thống nhất với Bộ luật Dân sự, dự thảo Luật cũng đã bổ sung và điều chỉnh một số quy định liên quan đến điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo, điều lệ, tên gọi và trụ sở của tổ chức tôn giáo để phù hợp với tổ chức của một pháp nhân.

Đối với xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề nghị dự thảo Luật cần có quy định về nghiêm cấm việc lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền, phát tán tài liệu xấu chống phá Nhà nước Việt Nam, thiết kế thêm quy định về tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở tôn giáo nếu vi phạm nghiêm trọng pháp luật.

Chỉ ra một trong những nguyên nhân của các mâu thuẫn tôn giáo hiện nay, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng năng lực quản lý Nhà nước về tôn giáo của một bộ phận cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém. Có nơi quản lý quá chặt, có nơi lại quá lỏng, nhiều người làm công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo lại không có chuyên môn về tôn giáo…

Bên cạnh đó, đại biểu Phương cũng đề nghị dự thảo Luật cần thu gọn một số điểm trong luật và hạn chế một số điều còn khắt khe như thủ tục hành chính về đăng ký hoạt động, phạm vi nào thì xin phép, phạm vi nào thì thông báo cho cơ quan Nhà nước, cần điều chỉnh giảm thời gian về thủ tục hành chính đối với các hoạt động tôn giáo.

Đánh giá cao việc ban hành dự thảo luật trong tình hình hoạt động tôn giáo hiện nay, Hoà thượng Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đánh giá cao việc ban hành luật là cần thiết, bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng cho mọi người, thể chế hoá những quy định của Hiến pháp 2013.

Theo đó, nhiều quy định mới được quy định nhằm bảo đảm tốt các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay. Đó là, lần đầu tiên quyền tự do tín ngưỡng của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được ghi nhận, việc đăng ký và công nhận các tổ chức tôn giáo đã coi trọng và dễ dàng hơn, hoạt động tôn giáo tín ngưỡng chỉ đăng ký hoặc thông báo một lần…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung và quy định còn khá chi tiết nên chuyển xuống Nghị định của Chính phủ.

Hoà thượng Thích Thanh Quyết cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền công nhận Đạo mẫu là một tôn giáo vì đây là tín ngưỡng nội sinh bản địa của dân tộc, đã có đầy đủ điều kiện của một tôn giáo hiện nay.

Đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) nhìn nhận, một số quy định về hành vi nghiêm cấm vẫn còn những quy định mang tính định tính, dễ bị lạm dụng. Do đó, cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn để dễ dàng áp dụng trong thực tiễn cuộc sống.

Về quản lý, sử dụng nguồn thu từ tổ chức lễ hội, đại biểu Trần Tất Thế cho rằng, cần thể hiện rõ mục đích quản lý, sử dụng nguồn thu từ tổ chức lễ hội được dùng cho mục đích lễ hội và tôn tạo cơ sở tín ngưỡng.

Cơ sở vật chất của cơ sở tôn giáo và tín ngưỡng là do nhân dân đóng góp xây dựng thì nguồn kinh phí này phải được nhân dân và Nhà nước giám sát, tránh lạm dụng.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Diệu Thuý (TPHCM) lại cho rằng, về quản lý, sử dụng nguồn thu từ việc tổ chức lễ hội, Nhà nước không nên can thiệp vào việc này mà chỉ cần người đại diện cơ sở tôn giáo có thông báo về việc sử dụng nguồn thu này với cơ quan liên quan./.

http://caicachhanhchinh.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Lượt truy cập _ CCHC
Truy cập tổng 301.842
Truy cập hiện tại 3.256