Đổi mới công nghệ và cơ cấu lại doanh nghiệp
Trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, doanh nghiệp Thừa Thiên Huế không dễ dàng thỏa mãn được các điều kiện, cũng có nghĩa là không dễ dàng có được cơ hội. Vì thế các doanh nghiệp cần phải đổi mới công nghệ và thay đổi tư duy phát triển. Trước các hiệp định thương mại có lực, các hàng rào thuế quan được bãi bỏ một phần hoặc toàn phần, doanh nghiệp đứng trước sức ép cạnh tranh rất lớn, như: Phải đối mặt với các công ty và tập đoàn có tiềm lực tài chính dồi dào, đội ngũ lãnh đạo, nhân viên có trình độ chuyên môn cao... Tiếp đó, công nghệ sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài rất hiện đại và thường xuyên được cải tiến. Mặt khác, khi hàng rào thuế quan được bãi bỏ thì các công ty của các nước phát triển lại dùng nhiều hình thức bảo hộ mới thay thế cho hình thức bảo hộ bằng thuế quan, trong đó có bảo hộ xanh, là sử dụng quy định và tiêu chuẩn liên quan đến môi trường để bảo hộ hàng xuất khẩu trong nước. Đây là bất lợi mang tính thách thức cao đối với doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp Thừa Thiên Huế nói riêng do đặc thù chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu. Hơn nữa, các FTA luôn đi kèm với hàng loạt quy tắc nghiêm ngặt, hàng rào kỹ thuật, quy định về kiểm dịch động thực vật, cạnh tranh với hàng hóa, dịch vụ cùng loại từ các nước trong khối FTA, các cam kết chặt chẽ về vấn đề môi trường...
Nhằm tận dụng những cơ hội và vượt qua những thách thức trong thời điểm hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp Thừa Thiên Huế cần thay đổi tư duy phát triển, tiếp cận với các yêu cầu cao hơn của thị trường. Phải chủ động nắm bắt và hiểu tõ các quy định từ các FTA, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (TTP, Việt Nam – EU), đảm bảo đáp ứng đúng các quy định, các tiêu chuẩn chất lượng. Qua đó, nắm bắt cơ hội để vận dụng chính sách hiệu quả, tối đa hóa lợi ích của doanh nghiệp, nâng cao nhận thức trong việc đối phó với những rào cản phi thuế quan; phản ánh kịp thời đến các cơ quan, ban, ngành để có sự hỗ trợ vượt qua rào cản... Đặc biệt, trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh cả về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, quản trị...
Lễ khởi công xây dựng khu công nghiệp Phong Điền
Không ngừng nâng cao, cải tiến chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Dù vào bất cứ thị trường nào thì chất lượng sản phẩm và giá thành vẫn quyết định thành công của doanh nghiệp.
Khẩn trương đầu tư chiều sâu, nâng cấp những nhà máy sẵn có để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến hành quy hoạch và đầu tư mới để đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTA quy định. Riêng nội bộ doanh nghiệp, cần phải đào tạo và đào tạo lại đội ngũ quản lý, công nhân theo hướng chuyên nghiệp, văn hóa, kỷ luật.
Ứng dụng công nghệ thông tin
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường, nắm bắt nhanh chóng nhu cầu của khách hàng, tiết kiệm chi phí giao dịch, quảng cáo. Đa dạng hóa mặt hàng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất xuất khẩu và giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định khi mà nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động như hiện nay.
Ngoài việc nỗ lực thay đổi của các doanh nghiệp, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Xây dựng chính sách ưu tiên hỗ trợ đối với các nhà đầu tư có uy tín và tiềm lực, các dự án lớn làm đòn bẩy, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn.
Thực hiện cuộc vận động trong các sở, ngành, địa phương để giúp tháo gỡ các vướng mắc từ chính sách và vận động doanh nghiệp nỗ lực vượt khó. Theo đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng. Thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Nâng cao cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp
Thời gian qua, ngành công thương Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, phát triển xuất khẩu. Trong đó, đáng chú ý là đã tổ chức Hội nghị Tham tán Thương mại nhằm kết nối các nhà xuất khẩu với các Tham tán tại các nước có thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh; Hội nghị “Gặp mặt – Đối thoại với các doanh nghiệp ngành dệt may tỉnh Thừa Thiên Huế”... Qua đó, đã kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp về điện, hỗ trợ khuyến công dự án đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, về nguồn lao động có kỹ thuật, có tay nghề cho các doanh nghiệp dệt may.... Ngoài ra, qua các hội thảo, khóa đào tạo, lớp tập huấn phổ biến kiến thức cho doanh nghiệp về nội dung FTA giữa Việt Nam với các nước, cũng như lộ trình thực thi, cơ hội, thách thức với doanh nghiệp khi Việt Nam thực thi FTA, giúp doanh nghiệp hiểu sâu hơn về các Hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực trong thời gian tới. Qua đó, chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh nhằm tận dụng được các ưu đãi từ các hiệp định, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu. Ngành Công thương cũng thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo của các thị trường xuất khẩu trọng điểm cho các doanh nghiệp, cung cấp các cơ hội giao thương để doanh nghiệp chủ động đàm phán, ký kết hợp đồng với các đối tác mở rộng đầu tư kinh doanh nhằm tạo đà phát triển vươn xa ra thị trường thế giới.