Từ đào tạo nguồn nhân lực
Có thể nói, Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN của cả nước là vấn đề tiên quyết, có tầm quan trọng hàng đầu là tầm nhìn chiến lược và quyết tâm của chính quyền địa phương về vai trò và sứ mệnh KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực và của đất nước. Xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững, là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Theo đó, với khoảng 50 tổ chức KH&CN đa ngành, đa lĩnh vực gồm các trường đại học, các học viện, viện, phân viện nghiên cứu, bệnh viện, các trung tâm, chi nhánh, văn phòng đại diện của Trung ương, khu vực và địa phương, Thừa Thiên Huế được cả nước biết đến như là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế lớn của miền Trung, Tây Nguyên và cả nước. Nhân lực KH&CN khoảng 25.000 người, với 189 giáo sư, phó giáo sư, 450 tiến sĩ, 1.184 thạc sĩ, xếp thức ba cả nước sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là một lợi thế hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển sự nghiệp KH&CN của địa phương.
Trên địa bàn tỉnh có gần 150 phòng thí nghiệm, trong đó có nhiều phòng thí nghiệm lớn về quy mô và khá mạnh về năng lực; Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh là hạt nhân phát triển công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm và đào tạo nguồn nhân lực; đã đầu tư để nâng cao năng lực cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc Mỹ phẩm Thực phẩm với trang thiết bị đồng bộ, hiện đại.
Đặc biệt, những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng, nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở đã triển khai thành công góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực và tăng cường hợp tác quốc tế. Sản phẩm đã và đang chuyển giao, ứng dụng trên các lĩnh vực khác nhau, nhiều sản phẩm đạt được giải cao trong các hội thi, giải thưởng cấp địa phương, khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực nông - lâm – ngư, y dược và sức khỏe cộng đồng, vật liệu mới, kinh tế - xã hội và du lịch như: “Chế phẩm Bokashi trầu trong phòng bệnh cho tôm cá”; “Chế phẩm Pseudomonas phòng trừ các bệnh hại cây trồng”; “Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não”; “Nghiên cứu phát triển phương pháp siêu âm-vi sóng chế tạo vật liệu sắt điện, áp điện trên cơ sở PZT có cấu trúc Nano”; “Ứng dụng các phương pháp nổ mìn vi sai cho các đơn vị có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” “Các quy trình sàng lọc, chẩn đoán trước sinh/sơ sinh”; “Thiết bị bay QuadRotor lấy không ảnh”,…
Cũng trong thời gian qua, tỉnh đã chủ trì, phối hợp tổ chức thành công các hội thảo quốc gia và quốc tế như: Hội thảo chuyên đề "Di sản và phát triển bền vững" do Hiệp hội quốc tế các thị trưởng nói tiếng Pháp (AIMF) tổ chức; Hội thảo quốc tế về nội soi tiêu hóa do Trường Đại học Y Dược Huế đã phối hợp với Đại học Y Khoa Nagoya-Nhật Bản, Liên chi hội nội soi Tiêu hóa Việt Nam tổ chức,…Tổ chức thành công các hội thảo lớn góp phần nâng cao uy tín và thắt chặt hơn nữa sự hợp tác giữa tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước.
Những bước chuyển mình
Có thể thấy rằng, từ khi Nghị quyết 07 được ban hành, ngành KH&CN của tỉnh nhà có những bước chuyển mình, tăng tốc và cơ bản đạt được các mục tiêu của lộ trình đã đề ra, để trở thành trung tâm KHCN của miền Trung và của cả nước trong tương lai cần sự tận tâm, tận lực của nhiều ngành, nhiều cấp và cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu đã đưa ra như:
Tiếp tục tuyên truyền, vận động để việc phát triển KH&CN là nhu cầu tự thân của các ngành, các cấp và của từng cá nhân; đưa KH&CN thực sự trở thành động lực trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá trên thị trường.
Cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lý để tạo động lực khai thác nội lực và thu hút các nguồn nhân lực bên ngoài; đào tạo đội ngũ cán bộ KH&CN đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển các công nghệ tiên tiến và hiện đại; có nhiều công trình nghiên cứu giá trị trên các lĩnh vực KH&CN.
Đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai, ứng dụng KH&CN, nhất là công nghệ y học, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ môi trường... vào một số lĩnh vực chủ yếu: nông - lâm - ngư nghiệp, y - dược, công nghệ chế biến, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá Huế.
Ưu tiên đầu tư xây dựng và hoàn thiện các trung tâm nghiên cứu hiện đại, làm hạt nhân cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN như: Trung tâm công nghệ sinh học Quốc gia, Bảo tàng thiên nhiên Duyên hải miền Trung,... Tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các trung tâm đã được hình thành, như: Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc Mỹ phẩm Thực phẩm,... Hỗ trợ Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế phát triển thành trung tâm y học cao cấp ngang tầm khu vực và quốc tế; quan tâm, tạo điều kiện để các đơn vị nghiên cứu Trương ương, khu vực đóng trên địa bàn hoạt động và phát triển.
Với những kết quả bước đầu đã đạt được, KHCN Thừa Thiên Huế sẽ phát triển nhanh, mạnh và thực sự trở thành nơi tập trung nhiều tổ chức, thiết chế KH&CN; có đội ngũ nhân lực hoạt động KH&CN mạnh; có trình độ công nghệ của xã hội (doanh nghiệp) cao; có nhiều sản phẩm KH&CN mang thương hiệu địa phương... Trong đó, nhiều hội nghị, hội thảo KH&CN quốc gia và quốc tế được tổ chức, đó là những cơ sở vững chắc để Thừa Thiên Huế được công nhận là trung tâm KH&CN của khu vực và của cả nước trong tương lai không xa.