Tìm kiếm
Giải quyết thủ tục đất đai sau quy định mới: Còn lúng túng
Ngày cập nhật 27/10/2016

 Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) cấp tỉnh và các huyện, thị, thành phố được thành lập đã góp phần thu về một mối để thực hiện nhiệm vụ cấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này nảy sinh bất cập, gây khó khăn cho người dân trong việc giải quyết hồ sơ, cấp đổi giấy chứng nhận nhà đất.

“Một cửa” thành “hai cửa”?

Do nhu cầu của gia đình, anh Nguyễn Đình Vi, ở phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) tiến hành lập thủ tục xin gộp thửa đất. Đến giao dịch thủ tục tại bộ phận “một cửa” của phường, anh được hướng dẫn đến bộ phận “một cửa” của UBND thị xã để được thụ lý giải quyết. Sau khi liên hệ tại bộ phận “một cửa” thị xã Hương Thủy, anh tiếp tục được hướng dẫn về phường xác nhận các hồ sơ liên quan. Quá trình chạy đi chạy lại, đến nay anh vẫn chưa hoàn tất thủ tục theo yêu cầu. Anh Vi bày tỏ: “Gọi là một cửa nhưng làm hồ sơ thủ tục phải lên thị xã, xuống phường như vậy thành ra “hai cửa” rồi còn gì”. Tương tự, anh Hồ Trai, ở xã Điền Lộc (Phong Điền) làm hồ sơ xin cấp đổi sổ đỏ cũng phải lên huyện, xuống xã nhiều lần từ đầu tháng 9 và được hẹn thông báo trả kết quả vào ngày 26/9, nhưng đến trung tuần tháng 10 anh vẫn chưa được trả giấy chứng nhận.

Ghi nhận của chúng tôi tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở UBND huyện Phong Điền vào một buổi sáng, có hơn 10 người dân đến nhận kết quả theo hẹn nhưng chỉ có 4 người nhận được giấy chứng nhận. Theo ông Thân Mạnh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện, nguyên nhân chậm là do các hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận phải chuyển về VPĐKĐĐ của tỉnh để trình Sở Tài nguyên - Môi trường ký cấp giấy. Những hồ sơ bị trễ hẹn là vì phải chỉnh lý, điều chỉnh do diện tích tăng hoặc sai sót trong quá trình xử lý.

Đại diện Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Phong Điền cho biết, từ ngày 1/9 đến nay đã chuyển 102 hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận đến VPĐKĐĐ của tỉnh, nhưng tới nay vẫn còn hơn 30 hồ sơ chưa hoàn tất, trong đó có 7 hồ sơ trễ hẹn. Chi nhánh VPĐKĐĐ thị xã Hương Thủy cũng thông tin, từ đầu tháng 8 đến nay thị xã đã chuyển VPĐKĐĐ tỉnh hơn 1.500 hồ sơ nhưng hiện vẫn còn gần 80 hồ sơ chưa được chuyển trả.... Đây là tình trạng chung đối với các chi nhánh VPĐKĐĐ, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa. Theo ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện A Lưới, ngoài tình trạng chậm trễ do mất thêm thời gian chuyển hồ sơ từ huyện lên tỉnh, rồi từ tỉnh xuống huyện, còn nảy sinh việc xử lý các trường hợp diện tích tăng, giảm so với GCNQSD đất đã cấp thiếu linh hoạt.

Vẫn còn khó khăn

Trước đây, ngoài VPĐKĐĐ thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường thì mỗi huyện, thị, thành phố còn có một VPĐKĐĐ thuộc Phòng Tài nguyên - Môi trường. UBND cấp huyện sẽ ký cấp toàn bộ các loại giấy chứng nhận liên quan đến đất đai cho người dân trong địa phương. Nhưng nay theo quy định mới, các VPĐKĐĐ của huyện, thị, thành phố chuyển thành chi nhánh VPĐKĐĐ của tỉnh thì tất cả những trường hợp cấp giấy chứng nhận không phải lần đầu (cấp giấy chứng nhận cho chủ mới sau khi mua bán, tách thửa, nhập thửa, cấp đổi do giấy cũ bị mất, bị hư hỏng...) sẽ do Sở Tài nguyên - Môi trường ký cấp. Những loại hồ sơ này sẽ được chuyển từ các chi nhánh VPĐKĐĐ về VPĐKĐĐ của tỉnh để chuyển cho Sở Tài nguyên - Môi trường ký. Giấy chứng nhận sau khi ký sẽ chuyển về các chi nhánh để trả cho người dân.

Bà Phạm Thị Bình, Giám đốc VPĐKĐĐ tỉnh, cho biết, theo ước tính, các chi nhánh VPĐKĐĐ ở các huyện, thị, thành phố chuyển hàng ngàn hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận cho VPĐKĐĐ tỉnh mỗi tháng. Thời gian đầu thực hiện quy trình mới, việc chuyển hồ sơ và xử lý chưa thành thục. Hơn nữa, lượng hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận khá lớn nên khâu giải quyết gặp khó khăn…

Có thể thấy, hoạt động của hệ thống VPĐKĐĐ vẫn thiếu sự quản lý điều hành tập trung. Việc lưu giữ hồ sơ địa chính (trên giấy) đòi hỏi chi phí đầu tư lớn cho việc thiết lập quản lý và chỉnh lý thường xuyên. Hồ sơ được lưu giữ ở các chi nhánh VPĐKĐĐ nên việc quản lý hồ sơ phân tán, gây khó khăn cho việc cập nhật, chỉnh lý đồng bộ theo yêu cầu quản lý và nhu cầu của người sử dụng đất. Trong khi đó, điều kiện đi lại còn khó khăn, việc vận chuyển hồ sơ cấp giấy chứng nhận thường xuyên từ chi nhánh ở các huyện, thị về trụ sở chính của VPĐKĐĐ để kiểm tra, trình ký theo thời gian quy định là không hề đơn giản. Do vậy, cần có những giải pháp về tổ chức thực hiện với việc áp dụng công nghệ phù hợp mới mong thủ tục về đăng ký cấp GCNQSD đất được vận hành thông suốt, đảm bảo thời gian quy định. Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Bình cho biết, hiện tại VPĐKĐĐ tỉnh đang triển khai xây dựng hệ thống phần mềm mạng vi tính để quản lý điều hành tập trung hơn. Qua đó, hồ sơ ở các địa phương đều được xử lý, kiểm tra, chỉnh lý trên mạng máy tính và VPĐKĐĐ sẽ hoàn tất, in ra để trình ký. Cho nên, sẽ không còn tình trạng chuyển hồ sơ đi, về, hoặc thiếu linh hoạt trong việc chỉnh lý như trước đây. Đại diện một số chi nhánh VPĐKĐĐ cũng bày tỏ, khi đường truyền quản lý cơ sở dữ liệu địa chính được hoàn thành, mọi thông tin được số hóa và lưu chuyển qua hệ thống mạng nội bộ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho các chi nhánh VPĐKĐĐ trong quá trình xử lý hồ sơ...

baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Lượt truy cập _ CCHC
Truy cập tổng 301.842
Truy cập hiện tại 49