Trong nội dung này có đề cập việc xây dựng Nhà nước liêm chính và kiến tạo. Việc xác định hai trụ cột là một điểm đáng chú ý trong mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, được dư luận nhân dân quan tâm, nhất là việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân.
Trước đó, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XIV tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; đồng thời nêu rõ, các bộ, ngành cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, hạn chế trong ngành, lĩnh vực mình quản lý, yêu cầu các thành viên Chính phủ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu QH tâm đắc và đề cập trong những ngày đầu của Kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV.
Một trong những hoạt động cụ thể của một Chính phủ liêm chính, kiến tạo là việc Chính phủ quyết định thành lập ngay Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Sau ba tháng hoạt động, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với Bộ Y tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... Tại các buổi làm việc, Tổ công tác của Chính phủ cùng các địa phương, đơn vị đã rà soát rất cụ thể, rõ ràng từng nhiệm vụ. Đồng thời cùng trao đổi kỹ lưỡng những nhiệm vụ chưa hoàn thành, phân tích khó khăn, thảo luận những vấn đề đặt ra và thống nhất thời gian thực hiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hoạt động của Tổ công tác đã góp phần quan trọng thúc đẩy tinh thần, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương; đồng thời qua đó nắm rõ, hiểu sâu hơn những khó khăn thực tế mà các đơn vị đang gặp phải để tham mưu Thủ tướng Chính phủ có phương hướng xử lý kịp thời, chính xác. Đây chính là những nét mới của một Chính phủ kiến tạo.
Cùng với việc thành lập Tổ công tác, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết định, xử lý công việc theo đúng tinh thần phục vụ nhân dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và bảo đảm quyền lợi của người dân. Vụ việc quán cà-phê Xin Chào ở TP Hồ Chí Minh vào tháng 4-2016 là một thí dụ. Ngay sau khi có thông tin về vụ việc, lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân, Thủ tướng lập tức chỉ đạo xử lý vụ việc; khác với trình tự thông thường là chờ cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất. Kết quả, người chủ quán Xin Chào được giải tỏa nỗi bức xúc bị dồn nén; còn những cán bộ có sai phạm đã chịu những hình thức kỷ luật, xử lý nghiêm khắc.
Gần đây nhất, ngày 23-10, trước những thông tin khác nhau về chất lượng của nước mắm trên thị trường, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Bộ Y tế để có ngay thông tin chính thức, công khai, rõ ràng, đầy đủ tới nhân dân về loại và hàm lượng Arsen an toàn trong sản phẩm nước mắm cũng như các thông tin cần thiết khác liên quan, tránh gây hoang mang trong dư luận; đồng thời, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có). Ngày 20-10 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ tại một số địa phương. Theo đó, các cơ quan báo chí phản ánh lãnh đạo một số địa phương tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào các đơn vị do mình phụ trách, quản lý, gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với nền công vụ. Trong đó, có bài viết Chuyện như đùa ở Hải Dương đăng trên Báo Nhân Dân... Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Nội vụ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, kiểm tra các vụ việc báo chí phản ánh, tiến hành thanh tra công vụ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Lo lắng cho cuộc sống của người dân gần vùng thủy điện trong những ngày mưa lũ, vừa qua, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra việc xả lũ của các hồ thủy điện tại khu vực miền trung. Văn bản nêu rõ: Những ngày qua, mưa lớn trên diện rộng đã gây ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại nặng về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước tại các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế. Chính quyền một số địa phương và dư luận cho rằng có nhà máy thủy điện xả lũ không báo trước gây bị động cho công tác ứng phó, thiệt hại cho nhân dân. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc vận hành xả lũ của các hồ chứa thủy điện trong đợt mưa lũ vừa qua (trong đó có việc xả lũ của hồ thủy điện Hố Hô trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh); làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xác định cụ thể trách nhiệm đền bù thiệt hại, đề xuất phương án khắc phục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-10.
Chính phủ đang nỗ lực gần dân hơn, sát dân hơn, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong cuộc sống của nhân dân. Đây chính là một Chính phủ mà nhân dân mong đợi và tin tưởng.
Tại Kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV, Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém nội tại của nền kinh tế cũng như những khuyết điểm trong chỉ đạo, điều hành thời gian qua. Đó là: Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý đầu tư, khai thác, thu phí tại nhiều dự án BOT còn bất hợp lý, thiếu công khai, minh bạch, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí. Hoạt động của doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp; năng lực quản trị, giám sát nội bộ còn yếu kém. Một số dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chậm tiến độ, kéo dài, hiệu quả thấp, thua lỗ, lãng phí, dừng đầu tư, dừng hoạt động. Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Quy định về điều kiện kinh doanh còn phức tạp, nhiều giấy phép con. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn, lãi suất vay còn cao. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Cải cách hành chính, năng lực xây dựng, thực thi pháp luật, cơ chế chính sách vẫn còn hạn chế, còn đùn đẩy trách nhiệm, phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương. Còn tình trạng văn bản pháp luật ban hành chậm, nhất là thông tư hướng dẫn thi hành pháp luật; một số quy định chưa khả thi, còn nhiều vướng mắc. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm; năng lực, phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đất đai...
Nhiều đại biểu QH cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất thẳng thắn, trách nhiệm khi nhìn nhận những yếu kém, hạn chế và hy vọng tinh thần đó sẽ là nền tảng để Chính phủ nỗ lực hơn nữa trong điều hành kinh tế đất nước.
Có thể thấy, đất nước đang đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ, thậm chí có những chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là những thử thách mà Đảng, Chính phủ, QH và nhân dân chưa bao giờ gặp phải. Vì thế, những mục tiêu, giải pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội mà Chính phủ báo cáo, xin ý kiến trước QH rất cần được triển khai quyết liệt trong thực tế. Bên cạnh đó, rất cần sự đoàn kết, ý thức trách nhiệm và quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân để đất nước vững vàng vượt qua khó khăn, đạt những thành tựu mới trên con đường phát triển.