Chuyển biến tích cực, hiệu quả
Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ Tài chính trong thời gian qua đã chuyển biến tích cực và hiệu quả. Nổi bật, trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thông qua nhiều luật quan trọng và ban hành nhiều nghị định; đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan đề xuất với Chính phủ, Quốc hội triển khai thực hiện nhiều giải pháp cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Bộ Tài chính cũng đã chủ động, phối hợp tích cực với các bộ, ngành, đơn vị thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ. Qua đó, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC.
Đến nay, Bộ Tài chính đã giảm được hơn 420 giờ/năm thời gian nộp thuế của doanh nghiệp (từ 537 giờ xuống còn 117 giờ); thời gian thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giảm từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu.
Bộ Tài chính đã rà soát, chuẩn hóa 70 quy trình, quy chế, cắt giảm 63 thủ tục và đơn giản hóa 50 thủ tục về thuế nội địa; ban hành mới 23 thủ tục, thay thế 128 thủ tục, bãi bỏ 84 thủ tục, đề xuất phương án đơn giản hóa 11 thủ tục trong lĩnh vực hải quan. Bộ Tài chính đã triển khai hải quan điện tử tại 100% cục và chi cục hải quan địa phương.
Bên cạnh đó, công tác cải cách tài chính công ở Bộ Tài chính đã có bước chuyển, góp phần bảo đảm hiệu quả thu, chi, sử dụng ngân sách; thực hiện có hiệu quả quy định về quyền tự chủ của cơ quan trong việc sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính, từng bước cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức; thực hiện từng bước theo đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, hải quan và các lĩnh vực khác được Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm, đạt được nhiều kết quả qua việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4, kê khai, nộp, quản lý thuế điện tử, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, kết nối kỹ thuật một cửa ASEAN…
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, công tác cải cách TTHC của Bộ Tài chính đã chuyển biến tích cực và hiệu quả.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những thành tích đạt được, công tác cải cách hành chính của Bộ Tài chính vẫn còn một số hạn chế, như: Chậm ban hành văn bản hướng dẫn trên một số lĩnh vực; chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên ngành chưa cao; một số nội dung quy định chưa rõ ràng, tạo ra cách hiểu không thống nhất giữa cơ quan hải quan, cơ quan liên quan, doanh nghiệp và việc áp dụng không thống nhất giữa các đơn vị.
Bên cạnh đó còn vướng mắc trong các quy định về hóa đơn, chứng từ; chồng chéo giữa thủ tục thuế và hải quan khi xuất khẩu, thời hạn kiểm tra, thanh tra thuế tại doanh nghiệp.
Việc thực hiện TTHC trên một số lĩnh vực còn gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp như: Thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa và giám sát hải quan, hoạt động kiểm tra sau thông quan, thủ tục báo cáo quyết toán đối với hoạt động gia công và sản xuất xuất khẩu.
Việc quy định nhiều bộ quản lý chuyên ngành phải có ý kiến đối với một loại hàng hóa nhập khẩu khi đăng ký hải quan, thông quan hàng hóa gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các biểu mẫu kê khai thuế còn tiểu tiết không cần thiết.
Đối với thủ tục thuế, chưa cụ thể các bước xử lý và hồ sơ. Bên cạnh đó, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận công chức hải quan, thuế chưa cao, chưa chuyên nghiệp...
Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác cải cách hành chính, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ giao; thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách TTHC về thuế và hải quan, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện.
Bộ Tài chính cần hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin; bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá.
Bộ Tài chính tiếp tục đề cao trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành và các đơn vị trong Bộ; rà soát chính sách, pháp luật, đề xuất kiến nghị phương án xử lý; điều chỉnh các TTHC trùng lắp, không thực sự cần thiết hoặc có thể khai thác dữ liệu ở các nguồn thông tin khác.
Bộ Tài chính cần thực hiện nghiêm việc cập nhật, công bố kịp thời danh mục TTHC; công khai quy trình thủ tục, hồ sơ cụ thể đối với từng khâu nghiệp vụ; hoàn thuế, miễn giảm thuế, quyết toán thuế… tạo thuận lợi cho người nộp thuế và giảm chi phí hành chính đối với cán bộ thuế.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, hải quan để khắc phục kịp thời những bất cập về cơ sở hạ tầng và phần mềm ứng dụng; thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao trong giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của Bộ.
Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các nghị định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trên 7 lĩnh vực là y tế; giáo dục và đào tạo; dạy nghề; văn hóa, thể thao và du lịch; khoa học và công nghệ; thông tin truyền thông, đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác… để bảo đảm hiệu quả hoạt động của những đơn vị này. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần có kế hoạch giải pháp phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ công chức ngành tài chính tận tụy, trung thực, minh bạch và hiện đại.
Xây dựng đội ngũ cán bộ thuế có năng lực, trung thực, liêm chính
Trước đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Tổng cục Thuế.
Qua kiểm tra và nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu thời gian tới ngành thuế cần rà soát các nội dung, chính sách còn bất cập, thiếu rõ ràng, minh bạch, đồng bộ thuộc thẩm quyền ban hành, để đề xuất kiến nghị phương án xử lý trên tinh thần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp khởi nghiệp, qua đó nuôi dưỡng nguồn thu cho cả nước.
Ngành thuế cần tiếp tục xem xét và điều chỉnh các TTHC trùng lắp, không cần thiết, hoặc cơ quan thuế có thể khai thác dữ liệu ở các nguồn thông tin thay thế khác; đặc biệt TTHC cần được điều chỉnh, hiện đại hóa toàn diện theo hướng phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Bên cạnh đó, ngành thuế cần tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ cho người nộp thuế; cần thực hiện lượng hóa và công khai thủ tục, hồ sơ cụ thể đối với từng khâu nghiệp vụ, hướng đến người nộp thuế tự chuẩn bị hồ sơ, cán bộ thuế ít có cơ hội tiếp xúc.
Ngành thuế cũng cần nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin, áp dụng đồng bộ cả việc nộp tờ khai thuế và nộp thuế điện tử kết hợp với đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời chuyển đổi cơ chế từ tiền kiểm sang hậu kiểm để tạo thuận lợi và giảm phiền hà cho người nộp thuế.
Cùng với việc đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ thuế, ngành thuế cần tập trung xây dựng đội ngũ quản lý thuế trung thực, liêm chính, có phẩm chất, năng lực.