Tìm kiếm
Tiếp tục triển khai tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ASEAN
Ngày cập nhật 31/05/2016

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục điện tử hóa thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành với Cổng thông tin Một cửa quốc gia và Cơ chế Một cửa ASEAN để giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, việc đơn giản hóa thủ tục cấp C/O, thực hiện khai báo C/O điện tử và kết nối vào Cổng thông tin Một cửa quốc gia, qua quy trình thí điểm cấp giấy chứng nhận xuất xứ qua internet giai đoạn I (từ tháng 4/2015) thu được kết quả: Đã có 95 doanh nghiệp tham gia quy trình thí điểm với 10.287 bộ hồ sơ C/O mẫu D nộp qua internet, trị giá kim ngạch đạt hơn 47,75 triệu USD.

Như vậy, việc triển khai thí điểm giai đoạn I đối với tiếp nhận, xử lý hồ sơ C/O qua internet đã đạt đúng mục tiêu, tiến độ đề ra.

Vì vậy, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ASEAN kết hợp rà soát các mặt hàng thuộc diện quản lý bằng giấy phép để xem xét rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ; thực hiện điện tử hóa đối với một số thủ tục nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, Tổng cục Năng lượng, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Vụ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016.

Các đơn vị nêu trên sẽ tiếp tục đổi mới căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng doanh nghiệp; áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên.

Đồng thời rà soát danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, chỉ hàng hóa nhập khẩu trên quy mô thương mại mới thuộc diện phải kiểm tra; mã hóa chi tiết mặt hàng cần kiểm tra.

Áp dụng kiểm tra chuyên ngành theo thông lệ quốc tế; đẩy mạnh công nhận lẫn nhau theo thỏa thuận; chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến.

Cùng với đó chuyển thời điểm kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra chất lượng hàng hóa, hiệu suất năng lượng, an toàn thực phẩm trong giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau khi hàng hóa đã được thông quan (trừ kiểm dịch đối với trường hợp mặt hàng nhập khẩu có nguy cơ cao theo quy định của Bộ NN&PTNT).

Đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước thực hiện kiểm tra tại khâu sản xuất và trước khi đưa sản phẩm vào lưu thông; đối với hàng xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu thực hiện tại cơ sở sản xuất trước khi xuất hàng.

“Mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế: Thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu”, Bộ trưởng Bộ Công Thương cam kết.

Những công việc này nằm trong chương trình kế hoạch hành động của Bộ Công Thương đưa ra nhằm thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

 

theo baochinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Lượt truy cập _ CCHC
Truy cập tổng 301.842
Truy cập hiện tại 594