Đây là khẳng định của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Lê Mạnh Hà tại buổi họp báo chuyên đề về Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (Nghị quyết 35).
Nghị quyết 35 kế thừa Nghị quyết 19/2015/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, đồng thời liên quan chặt chẽ đến Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử.
Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà khẳng định, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp sẽ phối hợp triển khai hệ thống giám sát dày đặc về việc hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài việc báo cáo giao ban định kỳ, sắp tới sẽ triển khai sớm việc công khai, cập nhật các kiến nghị của doanh nghiệp gửi lên lãnh đạo Chính phủ.
Lãnh đạo VPCP cũng đề nghị các đơn vị như Bộ KH&ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các cơ quan thông tấn báo chí tích cực vào cuộc. Các đơn vị giám sát như VCCI cần phải thường xuyên khảo sát để có thông tin sát thực nhất, định kỳ báo cáo lãnh đạo Chính phủ.
Theo Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà, việc triển khai chính phủ điện tử nếu làm tốt sẽ là công cụ giám sát, buộc chính quyền phải tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân. Giám sát tốt thì việc mới “chạy” được, lúc đó nghị quyết mới thật sự đi vào cuộc sống.
Việc công khai minh bạch cũng sẽ giúp hỗ trợ giám sát việc thu phí BOT - một vấn đề gây bức xúc cho doanh nghiệp và người dân hiện nay.
Về việc thu phí BOT, Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà khẳng định, ngoài việc tính đúng, tính đủ để hài hòa lợi ích các bên, cần phải có công cụ giám sát chặt chẽ, tránh gian lận. Vì thế, phải khẩn trương phát triển công cụ thu phí không dừng. Công cụ này ngoài giúp giảm ùn tắc, giúp biết chính xác phí thu được bao nhiêu, giảm thời gian thu, từ đó đánh giá đúng dự án, giảm bớt gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.
Tại cuộc họp báo, có một số ý kiến băn khoăn: Nếu chỉ thanh tra, kiểm tra một lần trong năm như Nghị quyết 35 đề ra thì có ít không? Liệu có hay không việc doanh nghiệp sẽ cố tình vi phạm sau khi thanh tra, kiểm tra?
Giải đáp thắc mắc này, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho rằng, nguyên lý kiểm tra là phải phân loại được nhóm nguy cơ cao xảy ra vi phạm, chứ không phải kiểm tra tất cả doanh nghiệp.
Quan trọng là các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm túc, đúng chức năng của mình, chứ không phải thay nhau vào thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhiều lần, nhưng không có kết quả thực chất.
Với doanh nghiệp vi phạm, cơ quan chức năng vẫn có nhiều biện pháp để điều tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc, triệt để.
Có cùng quan điểm với lãnh đạo VPCP, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông phân tích: Những yêu cầu về tránh thanh tra, kiểm tra nhiều lần và hình sự hóa các hành vi không đáng hình sự được nêu ra là sát với thực tiễn.
Ở các quốc gia, việc thanh, kiểm tra thường là lực lượng liên ngành như thuế, hải quan, môi trường, thị trường... Tại nước ta, thực tế hiện nay có không ít những lần kiểm tra chưa nghiêm túc, hình thức, không mang lại hiệu quả, mà còn tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông tin tưởng rằng, qua các cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định và tỏ rõ, Chính phủ hiện nay là Chính phủ hành động, do đó, việc triển khai Nghị quyết 35 lần này sẽ hết sức quyết liệt, không chỉ từ lãnh đạo Chính phủ, mà tất cả các bộ, ngành, địa phương các cấp đều phải vào cuộc tích cực.