Xây dựng Bộ quy tắc ứng xử
Ở Việt Nam, trên cơ sở quy định của pháp luật về đạo đức công vụ, chúng ta có thể định nghĩa về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức như sau: “Quy tắc ứng xử là các chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội, bao gồm những việc phải làm hoặc không được làm, phù hợp với đặc thù công việc của từng nhóm cán bộ, công chức, viên chức và từng lĩnh vực hoạt động công vụ, nhằm đảm bảo sự liêm chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức”.
Bộ quy tắc ứng xử được sử dụng như một công cụ để tổ chức hướng dẫn thành viên của mình ứng xử thế nào cho đúng trong trường hợp có những nghi ngờ hoặc lúng túng. Người sử dụng có thể coi đó là tài liệu tham chiếu và chỉ dẫn có tác dụng hỗ trợ cho hoạt động quản lý hàng ngày của họ.
Theo Thạc sĩ Trần Công Dũng, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh: Hiện nay có hai quan điểm khi xây dựng Bộ quy tắc ứng xử. Quan điểm thư nhất: Bộ quy tắc ứng xử phải lấy sự chỉ huy từ bên ngoài (pháp luật) để đảm bảo cho trách nhiệm của công chức, viên chức được thực hiện. Tuy nhiên, Bộ quy tắc ứng xử như vậy sẽ có xu hướng quá nhấn mạnh vào sự nghiêm khắc và tính khống chế, cấm đoán điều xấu hơn là khuyến khích điều tốt, tức là quá chú trọng vào những điều buộc phải làm và những điều bắt buộc không được làm mà không có chỗ cho tự do cá nhân. Quan điểm thứ hai là: Bộ quy tắc ứng xử phải làm nổi bật vai trò những yếu tố bên trong bản thân công chức, viên chức – ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm cá nhân... đồng thời cho phép những khoảng tự do để cá nhân công chức, viên chức lựa chọn trong ứng xử.
Có thể nói Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức cấp phường cả hai lý thuyết này cần phải được kết hợp nhuần nhuyễn. Với những quy định khung, chắc chắn là vấn đề xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức được coi trọng để trên cơ sở đó có những quy định cụ thể linh hoạt. Thực tiễn cho thấy, chính quyền cơ sở cấp phường, mặc dù có nội quy, có quy chế hoạt động và có thể có cả Bộ quy tắc ứng xử nhưng hành vi ứng xử của cán bộ, công chức rất linh hoạt, không tuân theo một cách máy móc các quy định.
Để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức cấp phường ở Thừa Thiên Huế, cần phải tuần tự tiến hành các bước nghiên cứu, khảo sát trên cơ sở kết hợp các phương pháp thu thập và xử lý thông tin một cách đầy đủ, chính xác. Đó là: Tập hợp nhiều nội quy, quy chế, quy định hiện hành của nhiều cơ quan nhà nước, các tỉnh và thành phố khác đồng thời áp dụng phương pháp so sánh, đối chiếu để rút ra những nội dung có thể áp dụng cho cơ quan nhà nước cấp phường ở Thừa Thiên Huế.
Tiến hành phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm để lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan đến Bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức cấp phường. Có hai nhóm đối tượng chính: Cán bộ, công chức: đối với nhóm này có thể tách thành hai nhóm nhỏ khác nhau là cán bộ chuyên trách, công chức và cán bộ không chuyên trách của Ủy ban nhân nhân một số phường tại Thành phố Huế, Thị xã Hương Trà, Hương Thủy. Với nhóm đối tượng này, nên lấy ý kiến thông qua các buổi thảo luận nhóm đối tượng. Đối với cán bộ chủ chốt của Ủy ban nhân dân các phường nói trên nên áp dụng phương pháp lấy ý kiến thông qua các cuộc phỏng vấn sâu. Cán bộ khu phố, tổ trưởng, tổ phó dân phố của một số phường: chủ yếu lấy ý kiến thông qua các cuộc phỏng vấn nhanh.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, tiến hành xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức cấp phường ở các đô thị Thừa Thiên Huế đảm bảo tính đồng thuận cao của các đối tượng được hỏi. Từ kinh nghiệm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các cơ quan, đơn vị và địa phương, có thể thấy rằng nội dung của quy tắc ứng xử rất phong phú, đa dạng bởi tùy đặc thù của cơ quan đơn vị mình mà có thể thêm bớt những nội dung nào đó.
Tuy nhiên, cũng cần phải xác định những quy tắc ứng xử xoay quanh các vấn đề sau: Về thời gian làm việc: đây là nội dung quan trọng, quy định khi nào công chức phải có mặt ở nơi làm việc, khi nào được phép về sớm, khi nào rời khỏi nơi làm việc để giải quyết những công việc đặc thù của một cán bộ, công chức cấp phường thì như thế nào... Vấn đề vắng mặt ở nơi làm việc: Ngoài việc những ngày nghỉ theo quy định, cần quy định vấn đề nghỉ ốm, nghỉ khẩn cấp vì việc riêng, khi đi học, dự hội nghị... Về vấn đề ăn mặc, tác phong: Vấn đề y phục, để tóc, râu, cách trang điểm... Về thái độ với công việc; Vấn đề giao tiếp với công dân; Về quan hệ với đồng nghiệp; Ứng xử với công chúng; Giữ trật tự và vệ sinh nơi làm việc; Sử dụng tài sản công; Làm việc, cộng tác với cơ quan khác; Quy tắc ứng xử trong hội họp, qua điện thoại, với công dân có thái độ nóng nảy, giận dữ...
Những quy tắc ứng xử này chắc chắn sẽ được bổ sung, điều chỉnh không ngừng bởi qua quá trình thực hiện, công chức và lãnh đạo đơn vị mới nhận thấy những bất cập hay khuyết thiếu của hệ thống các quy định này.
Một số đề nghị
Theo thạc sĩ Phan Hữu Chánh, cán bộ trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh cho hay: Bộ quy tắc ứng xử cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp phường ở Thừa Thiên Huế phải được chính các đơn vị cấp phường xây dựng và thực hiện. Tuy nhiên, để xây dựng và thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử này cần có những vần đề sau: Trên cơ sở nghiên cứu, so sánh các bản nội quy, quy tắc ứng xử được sưu tập, tham khảo và những đóng góp ý kiến, bình luận của các đối tượng được khảo sát, phỏng vấn như trên, các đô thị của Thừa Thiên Huế cần đề xuất một mẫu Bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức các phường. Đây là văn bản quy định kèm theo một quyết định của Ủy ban nhân dân một phường nhất định nào đó. Trong đó, kết cấu của Bộ quy tắc ứng xử gồm 3 phần. Đó là các quy định chung: Quy định các đối tượng áp dụng và phạm vi áp dụng (trong thời giờ làm việc ở trụ sở UBND và tại địa điểm cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ ngoài trụ sở UBND phường). Các quy định cụ thể: Chọn lựa những nội dung cơ bản đã nêu ở trên để đưa vào quy định và UBND phường sẽ cụ thể hóa hơn nữa các quy định này tùy tình hình thực tế ở đơn vị mình. Các điều khoản thi hành: gồm thời điểm thực hiện và các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm.
Các bản dự thảo mẫu Bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức cấp phường cho dù được cụ thể hóa hơn nữa vẫn là những văn bản mang tính quy định nên thường phải ngắn gọn, súc tích. Cho nên, tùy tình hình thực tế, mỗi phường cần phải xây dựng thêm một số bản hướng dẫn quy tắc ứng xử cho một số chức danh cán bộ công chức để thực hiện nhiệm vụ và ứng xử trong những tình huống khác nhau. Hiệu quả của Bộ quy tắc ứng xử này thể hiện ở tính khả thi và tính phù hợp nên việc thực hiện chúng phải tuân thủ các quy trình khoa học đồng thời phải chọn lựa đúng đối tượng và phạm vi áp dụng. Việc chọn lựa đối tượng cán bộ, công chức cấp phường để bước đầu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử thực sự nhằm đáp ứng nhu cầu đặt ra hiện nay.