Vẫn là truyền thống...
Hiện nay, đa số các cơ quan nhà nước đều muốn tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính theo cách truyền thống. Với những lý do được đưa ra như làm như “cũ” tiện lợi hơn, tuổi lớn nên khó thể thao tác trên máy tính...., và muôn vàn lý do mà nghe qua là tưởng chừng rất chính đáng. Bên cạnh đó, các tổ chức, công dân khi thực hiện giao dịch thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước đa số vẫn thích cách truyền thống cũng vì muôn vàn lý do tương tự trên. Chính vì vậy, tại báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT của các Bộ, Ngành và địa phương hàng năm do Ban Chỉ đạo CNTT quốc gia, Hội Tin học thực hiện, rất nhiều đơn vị, địa phương có số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 rất lớn, nhưng đa số chỉ mang tính chất liệt kê số lượng chứ chất lượng thực hiện đúng với quy định về mức độ 3,4 là khá thấp. Về mặt khách quan, thì vẫn còn hạn chế nhất định về hiểu biết, nhận thức và khả năng ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức và người dân. Ngoài ra, đa phần đều có chung tâm lý muốn làm việc trực tiếp với cơ quan nhà nước để cho “chắc ăn”, hơn là gửi hồ sơ qua mạng. Chỉ những đơn vị lớn, có đầy đủ cơ cở hạ tầng CNTT mới có mong muốn thực hiện thủ tục hành chính qua mạng. Đây không chỉ là thực tế riêng chỉ ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, mà theo tham khảo từ nhiều nguồn, rất nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới cũng gặp phải vấn đề này. Hiện nay, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2 của các cơ quan nhà nước đã triển khai rất tốt. Tại Thừa Thiên Huế, tính đến thời điểm hiện nay, 100% các thủ tục hành chính đều đã được thực hiện trên mạng ở mức độ 2. Điều này giúp người dân có thể tra cứu thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết, biểu mẫu hồ sơ, từ đó dễ dàng thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước. Trong khi mức độ 1, 2 đã trở nên tốt thấy rõ, tại một số đơn vị, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lại đang lúng túng khi triển khai. Mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu không theo một quy chuẩn, tiêu chuẩn hay một quy trình nào. Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có các văn bản hướng dẫn về việc áp dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật đã cập nhật theo xu hướng phát triển chung về tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin trên thế giới, tuy nhiên các danh mục tiêu chuẩn được đưa ra nhưng không có văn bản hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn cho phù hợp với thực tế các đơn vị. Hiện trạng áp dụng hiện nay của các tiêu chuẩn chưa được đánh giá cụ thể và không có cơ chế giám sát việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong các ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
Tiêu chí áp dụng
Dịch vụ công trực tuyến được định nghĩa theo Nghị định số 43/2011-NĐ-CP ngày 13/06/2010 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước là “Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng”. Do đó, “dịch vụ hành chính công trực tuyến là dịch vụ hành chính công của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng”. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản hướng dẫn tiêu chí cho hệ thống Một cửa điện tử, như công văn số 125/ BTTTT-ƯDCNTT ngày 13 /01/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông Hướng dẫn áp dụng bộ tiêu chí đánh giá hệ thống một cửa điện tử, hay như công văn số 1725/BTTTT-ƯDCNTT ngày 04/6/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông Hướng dẫn các yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật cho hệ thống một cửa điện tử. Mặc dù đã có một số văn bản hướng dẫn về tiêu chí đánh giá và triển khai nhưng vẫn còn mang nặng tính kỹ thuật, chưa có tiêu chí áp dụng cho các quy trình triển khai và tiêu chí lượng hóa đối với từng thủ tục hành chính theo danh mục. Vì vậy đã xuất hiện tình trạng mỗi nơi, mỗi kiểu và mỗi hệ thống là một hệ thống dịch vụ công trực tuyến khác nhau. Vì vậy, rất cần thiết phải có một tiêu chí chung, từ đó đề xuất các tiêu chí riêng đối với việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4. Trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nhất là khi triển khai đưa vào sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến trong cơ quan nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã giao cho phòng Công nghệ thông tin nghiên cứu, đề xuất các quy chuẩn đối với dịch vụ công trực tuyến nhằm triển khai áp dụng trên địa bàn tỉnh. Bộ quy chuẩn hướng đến xác định cụ thể các tiêu chí: tiêu chí về chất lượng dịch vụ, tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật (bao gồm: hiệu năng hoạt động, hiệu suất hoạt động, khả dụng của giao diện, sẵn sàng kết nối, an toàn – bảo mật), tiêu chí đối với các công cụ hỗ trợ và các yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo hướng dẫn chung. Ngoài ra, bộ quy chuẩn cũng cần đưa vào việc đánh giá mức độ hài lòng đối với thủ tục hành chính, đánh giá thái độ, phong cách làm việc của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính…
Tại Sở Thông tin và Truyền thông, các tiêu chí, quy chuẩn đối với các dịch vụ công trực tuyến được áp dụng thử nghiệm tại Bộ phận Một cửa Sở Thông tin và Truyền thông và bước đầu đã đạt được một số kết quả như số lượng hồ sơ được thực hiện qua mạng ở mức độ 3 đang tăng hơn so với thực hiện theo kiểu truyền thống. Đặc biệt là hệ thống giao diện theo hướng khả dụng, các tiện ích đi kèm như theo dõi lịch họp, lịch tiếp dân của lãnh đạo Sở, máy đọc vã vạch, kèm theo hệ thống máy in, máy scan, máy photo nhằm phục vụ tại chỗ nhu cầu của người dân khi đến giao dịch. Ngoài ra, nhằm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn sử dụng Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây tiến hành triển khai Kế hoạch Tuyên truyền Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Thông tin và Truyền thông. Kế hoạch được triển khai nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, công dân về ý nghĩa, mục tiêu và tầm quan trọng Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Sở Thông tin và Truyền thông. Đồng thời đảm bảo 100% tổ chức công dân khi có nhu cầu sử dụng TTHC của Sở Thông tin và Truyền thông đều thực hiện qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Có thể khẳng định rằng việc đưa vào áp dụng các quy chuẩn, tiêu chí đối với dịch vụ công trực tuyến theo hướng rõ ràng, cụ thể, kết hợp với thống nhất quy trình giải quyết thủ tục hành chính là động lực góp phần nâng cao chỉ số sẵn sàng về ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, phần nào thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị của lãnh đạo Tỉnh trong việc tiến tới nền hành chính minh bạch, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Quá trình áp dụng được tiến hành song song, đồng bộ với quá trình cải cách hành chính nhà nước sẽ là động lực thúc đẩy quá trình đổi mới, nâng cao năng lực và chất lượng sống cho người dân. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế góp phần quan trọng vào sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.