Ứng dụng Thẻ cân bằng điểm
Thẻ cân bằng điểm trong đánh giá hiệu quả hành chính công (BSC) với 4 trụ cột: Tài chính; khách hàng; quy trình nội bộ; học hỏi và phát triển có thể áp dụng vào cơ quan hành chính ở những cấp độ khác nhau. Bản thân mỗi cơ quan có thể lựa chọn một trụ cột hoặc tổng thể 4 nội dung để áp dụng và đánh giá.
BSC đã đưa ra một phương pháp mới về tổ chức thực hiện chiến lược và đo lường việc thực thi chiến lược, mang lại nhiều lợi ích mà chưa có phương pháp đánh giá nào đạt được. Hy vọng rằng, cùng với các chỉ số khảo sát mà các bộ, ngành đang tiến hành như hiện nay như: Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index)... thì việc xây dựng các chỉ số đánh giá hiệu quả hành chính công bằng phương pháp BSC với những ưu việt của mình sẽ là công cụ hữu hiệu để đo kết quả thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả hành chính công của cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.
Điều căn bản là BSC cần được xây dựng cụ thể, phù hợp với mục tiêu chiến lược và định hướng giá trị của tổ chức thành những thang đo thích hợp, giúp đánh giá các hoạt động của cơ quan. Việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hành chính công bằng BSC được dựa trên cơ sở tiếp cận từ quan điểm hiệu quả hành chính công trước hết được tạo thành từ nỗ lực nội tại của chính quyền, từ khả năng học hỏi, thích ứng và phát triển của chính quyền và thước đo quan trọng nhất của hiệu quả hành chính công là cảm nhận từ phía người dân. Với phương pháp BSC, các chỉ số được xây dựng để đo lường trên bốn trục: yếu tố khách hàng, quy trình nội bộ, tài chính, học hỏi và phát triển để khảo sát ý kiến đánh giá của cán bộ, công chức và người dân, tổ chức.
Với đối tượng cán bộ, công chức, chỉ số khảo sát được xây dựng gồm 14 chỉ số. Với đối tượng khảo sát là người dân, 11 chỉ số được xây dựng. Bộ chỉ số được xây dựng cho phép đánh giá hiệu quả hành chính ở hai góc nhìn: đó là sự tự đánh giá và sự đánh giá từ phía người dân. Sự đối chiếu này sẽ là động lực cho các cơ quan hành chính nhà nước đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn nữa để đến một lúc nào đó, cán bộ, công chức và người dân đều cảm thấy hài lòng với hiệu quả hành chính công.
Thực tế qua khảo sát điều tra chính thức được thực hiện với 80 cán bộ, công chức và 314 người dân liên quan đến các dịch vụ hành chính công tại 4 Sở, ban ngành khác nhau tại tỉnh Thừa Thiên Huế là, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tư pháp. Sau khi sử dụng phần mềm SPSS để kiểm định hệ số Cronbach’s Alpha của kết quả điều tra chính thức, kết quả cho thấy toàn bộ thang đo của cả hai mẫu bảng hỏi đều tốt, đạt mức độ cao (Cán bộ, công chức: 0,936; Người dân: 0,816). Trong các tiêu chí của cả hai bảng hỏi, không có tiêu chí nào hệ số số Cronbach’s Alpha lớn hơn hệ số Cronbach’s Alpha toàn bộ thang đo nên tất cả các tiêu chí đã xây dựng đều có đủ độ tin cậy để sử dụng.
Yếu tố người dân, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng dịch vụ hành chính công
Thạc sĩ Đỗ Quỳnh Hương – Cơ sở Học viện Hành chính miền Trung cho rằng: Kết quả áp dụng BSC đánh giá về dịch vụ hành chính công năm 2014 ở Thừa Thiên Huế cho thấy công dân có hiểu biết ở mức độ trung bình về các dịch vụ hành chính công cơ bản, liên quan mật thiết đến đời sống. Sự hiểu biết về dịch vụ hành chính công thường chỉ xấp xỉ ở mức trung bình hoặc cao hơn mức trung bình không nhiều. Việc công dân chưa có những kiến thức đầy đủ về dịch vụ hành chính công ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua quá trình thụ lý hồ sơ, giải quyết công việc. Trong trường hợp công dân chưa có đủ hồ sơ theo quy định, việc giải quyết thủ tục hành chính có thể bị kéo dài và phải đi lại nhiều lần.
Xét về mong đợi của công dân, dường như công dân luôn mong đợi cao hơn nỗ lực của chính quyền trong giải quyết công việc của mình. Các mức đánh giá của công dân về năng lực của cơ quan hành chính, năng lực của cán bộ thụ lý hồ sơ, nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền thường ở dưới mức trung bình. Sự đánh giá này với quy mô phiếu khảo sát 190 phiếu người dân có thể là chưa đủ lớn, song điều này cũng cho thấy phần nào các cơ quan hành chính cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc đáp ứng sự mong đợi của người dân.
Nhìn chung ở trục nội dung học hỏi và phát triển, chỉ số tỷ lệ công dân, tổ chức cho rằng cơ quan hành chính đã tiếp thu tốt kinh nghiệm thực tiễn được đánh giá ở mức trung bình. Các chỉ số khác như, Mức độ tiếp thu ý kiến từ công dân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính; Tỷ lệ công dân tin tưởng ý kiến đóng góp của mình cũng có ý nghĩa đối với cơ quan hành chính chỉ trên mức trung bình không đáng kể.
Ngân sách có vai trò quan trọng đối với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Việc áp dụng mô hình khoán chi hành chính được kỳ vọng đem lại những thay đổi tích cực trong việc sử dụng ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách trong các cơ quan hành chính. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cán bộ, công chức cho thấy cán bộ, công chức đánh giá chưa cao về kết quả áp dụng khoán chi hành chính. Việc học hỏi kinh nghiệm tiết kiệm chi phí từ các tổ chức trong khu vực công và khu vực tư cũng chưa được thực hiện có hiệu quả, trong khi cơ chế phát huy sáng kiến mới chỉ ở mức trung bình. Hiệu quả sử dụng ngân sách chưa cao tất yếu ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung của cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công.