Tìm kiếm
Khác biệt lớn trong nỗ lực cải cách
Ngày cập nhật 19/10/2015

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có sự khác biệt lớn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Bộ KHĐT vừa có báo cáo về kết quả 6 tháng thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016.

Theo báo cáo, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ, của một số Bộ, cơ quan và địa phương trong thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, hải quan, thuế.

Có sự khác biệt lớn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết giữa các Bộ, và giữa các địa phương. Bộ Tài chính, Bộ KHĐT, Bộ NNPTNT, Bộ GTVT, BHXH Việt Nam, VCCI đã triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu. Về phía địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh là một điển hình tốt, hầu hết các đơn vị trên địa bàn Thành phố đã và đang tích cực thực hiện đổi mới, có nhiều sáng kiến về cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Theo Bộ KHĐT, hai lĩnh vực gồm Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư đã đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết. Có sự cải thiện tích cực trong lĩnh vực hải quan, nộp thuế và bảo hiểm xã hội dù chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Về cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP (ngày 7/8/2015) về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Một số Bộ như Bộ NNPTNT đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 59, tuy nhiên cho đến nay, chưa có kết quả rõ ràng. Bộ KHĐT chưa nhận được thông tin từ các Bộ, cơ quan khác về tình hình thực hiện nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, một số Bộ đã và đang tiếp tục soạn thảo, ban hành Thông tư quy định về điều kiện kinh doanh.

Về thủ tục hải quan, Bộ Tài chính, Tổng cục hải quan đã thực hiện nhiều giải pháp và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Trong quản lý chuyên ngành, kiểm dịch thực vật là một điểm sáng nổi bật, khi quy định về hồ sơ cho thủ tục này đã đơn giản hơn trước khá nhiều, giảm tới 60%. 

Một số nhiệm vụ, giải pháp về quản lý chuyên ngành đã thực hiện và kết quả, như Nghị quyết yêu cầu 10 Bộ rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo thông tin nhận được cho đến nay, có 5 Bộ đã chủ động triển khai một số hành động theo hướng này. Đáng chú ý là Bộ Tài chính (Tổng cục hải quan) đã phối hợp với các cơ quan liên quan tập hợp được gần 300 văn bản, gồm 20 Luật, 54 Nghị định và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hơn 180 Thông tư, và hàng nghìn công văn của các Bộ về quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, các Bộ chưa rà soát, phân loại nên chưa xác định văn bản bãi bỏ, văn bản bổ sung sửa đổi; các nội dung bãi bỏ, nội dung sửa đổi; và cách thức bổ sung, sửa đổi cần thiết.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều nhiệm vụ, giải pháp về quản lý chuyên ngành chưa được triển khai thực hiện. Nghị quyết 19 yêu cầu các Bộ, ngành ban hành danh mục hàng hóa cấm XK, cấm NK, hàng hóa XK, NK theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành. Cho đến nay vẫn còn một số bộ chưa ban hành danh mục này. Nghị quyết cũng chỉ rõ các văn bản quản lý hoạt động XNK cần phải thay thế, sửa đổi, bổ sung, nhưng chưa có văn bản nào được ban hành; một số văn bản đã có dự thảo, nhưng nội dung chưa giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp.

Trên thực tế, còn có rất nhiều vướng mắc trong quản lý chuyên ngành, như kiểm tra rộng, quá mức cần thiết theo kiểu “thà nhầm còn hơn sót“, thậm chí đối với cả hàng xuất khẩu; có mặt hàng chịu sự kiểm tra của nhiều cơ quan. Theo báo cáo, “nhìn chung, các vướng mắc của doanh nghiệp chưa được các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lắng nghe và giải quyết thoả đáng”.

Đáng chú ý, một số cơ quan quản lý chuyên ngành đang tạo ra rào cản kỹ thuật đối với mặt hàng xuất khẩu, thậm chí đối với cả mặt hàng mà thị trường nhập khẩu không yêu cầu. Đơn cử từ 1/1/2015, cơ quan kiểm dịch thực vật yêu cầu kiểm dịch đối với hạt điều, tinh bột sắn, dăm gỗ, cà phê… là những mặt hàng mà nước nhập khẩu không yêu cầu phải kiểm dịch trước khi xuất khẩu.

Quản lý thuế chuyển biến căn bản

Về cải cách hành chính thuế, Bộ Tài chính, đặc biệt là Tổng cục Thuế đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp về cải cách thủ tục hành chính thuế, nhờ đó tiết kiệm được chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, đồng thời tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý thuế.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, những cải cách về chính sách và TTHC thuế trong hai năm qua đã giảm được 420 giờ nộp thuế (từ 537 giờ/ năm xuống còn 117 giờ/năm). Nhìn chung, doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực cải cách của cơ quan thuế về kê khai và nộp thuế điện tử. Tuy nhiên, doanh nghiệp đánh giá thời gian trên thực tế chưa giảm được như báo cáo. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vướng mắc về chính sách và thủ tục hành chính thuế đang gây khó khăn cho doanh nghiệp như hoàn thuế, liên thông về đăng ký và nộp thuế giữa các cơ quan,...

Về nộp BHXH, cùng với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam là một trong số các cơ quan Trung ương triển khai quyết liệt Nghị quyết 19. Năm 2014, đã cắt giảm được 100 giờ nộp BHXH. Trong năm 2015, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát TTHC và dự kiến thời gian nộp BHXH giảm thêm được khoảng 100 giờ nữa trong thời gian tới đây.

Tuy vậy đến cuối năm nay BHXH vẫn khó đạt mục tiêu đề ra theo yêu cầu của Nghị quyết. Trên thực tế, vẫn còn một số vướng mắc về TTHC trong lĩnh vực BHXH cần sớm được cải thiện như cơ chế để người lao động theo dõi, giám sát việc đóng BHXH; ứng dụng CNTT,…

Về tiếp cận điện năng, trong năm 2014 và 2015, EVN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số này, nhờ đó thời gian làm thủ tục tiếp cận điện năng với EVN và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đã giảm còn 36 ngày. Tuy vậy, vẫn chưa đạt được được chỉ tiêu tổng thời gian tiếp cận điện năng là 70 ngày theo yêu cầu.

Còn phần lớn các chỉ tiêu khác (chuyển nhượng và đăng ký sở hữu tài sản, cấp phép xây dựng, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp) rất khó đạt được vào cuối năm nay.

Trong 11 đề xuất, kiến nghị được nêu trong báo cáo, Bộ KHĐT đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực thi các giải pháp, nhiệm vụ theo yêu cầu của Nghị quyết 19; có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, linh hoạt; kiến nghị, đề xuất những giải pháp chỉ đạo, điều hành hiệu quả.

Bởi thực tế cho thấy những ngành, địa phương mà người đứng đầu sát sao chỉ đạo, đôn đốc thực hiện thì thực hiện tốt các giải pháp và đạt được kết quả như Nghị quyết 19 đề ra và ngược lại.

theo baochinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Lượt truy cập _ CCHC
Truy cập tổng 301.842
Truy cập hiện tại 1.843