Tham dự hội thảo có lãnh đạo các đơn vị Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ Nội vụ và các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ VPCP cho biết cải cách hành chính (CCHC) được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá.
Trong những năm qua, VPCP đã có nhiều đổi mới trong công tác CCHC. Cụ thể, từ ngày 1/1/2012, VPCP đã hoàn toàn xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Đến nay, VPCP đã kết nối liên thông với 178 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Tính đến ngày 25/8/2015, VPCP đã kết nối liên thông văn bản của 21 tỉnh, thành đang triển khai thí điểm.
Theo kế hoạch đề ra, đầu năm 2016 sẽ liên thông tất cả các công việc liên quan đến văn bản trên môi trường mạng trong cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Thực hiện chương trình CCHC giai đoạn 2011-2020 và chủ trương của Đảng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, VPCP đã và đang tích cực chuẩn bị triển khai nhiệm vụ tham gia xây dựng chính phủ điện tử và triển khai các giải pháp đã được phân công thực hiện.
Trong đó, tập trung thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, bao gồm kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản; thiết lập hệ thống điện tử lấy ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và thiết lập mạng xã hội-chính quyền để người dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thiết lập cổng dịch vụ quốc gia để tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng TTĐT Chính phủ để công bố thông tin về doanh nghiệp nhà nước; xây dựng cơ chế thí điểm đầu tư, mua sắm và thuê dịch vụ, sản phẩm công nghệ thông tin phù hợp với đặc thù của công nghệ.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, kết quả đạt được vừa qua mới chỉ là nước đầu. Vì vậy trong thời gian tới, VPCP xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong CCHC nhằm phục vụ tốt hơn công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết tại Đà Nẵng bên cạnh việc thu hút các nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và dịch vụ thì vấn đề CCHC được xác định là khâu đột phá để hoàn thiện các thủ tục hành chính, tiếp cận tốt quán trình thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ về chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Trên sơ sở đó, thành phố Đà Nẵng đã triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ theo lộ trình, từ đó nhân rộng ra cho các tổ chức, các đơn vị áp dụng. Đơn cử, việc tiếp cận và trả hồ sơ trước đây là một cửa, sau đó là một cửa liên thông và bây giờ là một cửa điện tử.
Theo ông Phùng Tấn Viết, trong CCHC, Đà Nẵng đồng thời triển khai khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các cơ quan công quyền, sau đó tiếp tục đánh giá lại công chức cũng như theo dõi kết quả giải quyết công việc hàng tháng, quý, năm.
Hội thảo gồm các nội dung: Cải cách thủ tục hành chính trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước tại các sở, ngành của TP. Đà Nẵng; báo cáo kinh nghiệm công tác đánh giá, phân loại công chức của TP. Đà Nẵng; hệ thống thông tin chính quyền điện tử và ứng dụng CNTT trong CCHC tại TP. Đà Nẵng; tích hợp, liên thông hệ thống các phần mềm ứng dụng CNTT của chính quyền TP. Đà Nẵng; tích hợp, liên thông hệ thống các phần mềm ứng dụng CNTT của chính quyền các cấp với VPCP để phụ vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, hội thảo còn nghe các địa phương Quảng Nam, Thừa Thiên- Huế chia sẻ kinh nghiệm về CCHC.
Thế Phong