Quyết tâm cải cách TTHC
Ông Dương Quang Tương, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tổ chức thực hiện công tác kiểm soát TTHC. Không chỉ bằng văn bản mà còn qua công tác cán bộ và tổ chức thực hiện. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay các cơ quan, địa phương từ tỉnh đến xã đã bố trí hơn 210 cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC. Các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã áp dụng giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa” với gần 80% TTHC thuộc thẩm quyền đã được UBND tỉnh công bố; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các cấp; triển khai các dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ khác nhau...
Được giao nhiệm vụ tham mưu quản lý Nhà nước về công tác kiểm soát TTHC, Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối và cũng là cơ quan trực tiếp thực hiện các hoạt động liên quan đến kiểm soát TTHC. Ông Nguyễn Ngọc Cường, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC cho biết: “Với vai trò là bộ phận tham mưu chính về công tác kiểm soát TTHC, chúng tôi hiểu rõ quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo sở trong việc thực hiện công tác này. Để đảm bảo hiệu quả, sở đã tham mưu tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn với nội dung phù hợp chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng. Định kỳ 6 tháng, tổ chức giao ban hệ thống cán bộ đầu mối sở, ban, ngành, UBND cấp huyện nhằm thiết lập thông tin hai chiều, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác này”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trung bình mỗi năm tỉnh tiếp nhận hơn 1.000.000 hồ sơ, nhưng với quyết tâm của các sở, ngành, địa phương nên về cơ bản, đa số hồ sơ được giải quyết bảo đảm trình tự, thủ tục, thời hạn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Vì lợi ích chung
Mặc dù đa số hồ sơ được giải quyết nghiêm túc, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn còn khoảng 6% hồ sơ giải quyết chậm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, nguyên nhân do cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết thủ tục chưa tốt đang là vấn đề nan giải chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Một cán bộ phụ trách công tác “một cửa” cấp huyện giải thích: Khi thực hiện theo cơ chế “một cửa” liên thông, cơ quan chúng tôi có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, do đó phải chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thời hạn. Để có được kết quả trả cho người dân, phải phối hợp xác minh thông tin và điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan, phòng, ban liên quan. Nói cách khác, giai đoạn này hoàn toàn bị động. Do đó, vẫn có những trường hợp việc giải quyết hồ sơ bị trễ hạn, ảnh hưởng không chỉ đến người dân mà còn uy tín của cơ quan tiếp nhận hồ sơ”. Ông Phan Văn Quả, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Trước thực tế đó, sở sẽ tăng cường phối hợp với các ngành, thường xuyên kiểm tra, rà soát tổng hợp ý kiến, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp khắc phục”.
Nhằm bảo đảm lợi ích của tổ chức, cá nhân, công tác tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị về TTHC được chú trọng. Theo thống kê, hàng năm có khoảng hơn 200 phản ánh liên quan đến quy định hành chính và đa số các phản ánh được xử lý kịp thời. Ông Nguyễn Ngọc Cường, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC kể: “Có trường hợp người dân ở xa, đi lại nộp hồ sơ 2 lần vẫn không được vì lần nào cán bộ cũng đi vắng, lại không có ai giải thích, hướng dẫn. Từ đó, người dân bức xúc và điện thoại đến chúng tôi. Trước sự việc như vậy, chúng tôi đã kịp thời đề nghị cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân”.
Hoạt động kiểm soát TTHC, suy cho cùng là hoạt động nhằm hướng đến lợi ích của tổ chức, cá nhân trong thực hiện các TTHC. Do đó, thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện cải cách TTHC của Nhà nước, bảo đảm lợi ích chính đáng của mỗi người dân và doanh nghiệp.
Hải Huế - N.Đào