Tìm kiếm
Kết quả công tác CCHC 06 tháng đầu năm 2024 tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 27/10/2024

Để thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính năm 2024, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện chương trình trọng điểm về CCHC bằng các quyết định, kế hoạch, chỉ thị về đẩy mạnh CCHC gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai và hoàn thành 09/34 các nhiệm vụ đã đề ra. Các nội dung, nhiệm vụ CCHC năm 2024 được các đơn vị, địa phương triển khai kịp thời, theo đúng tiến độ đề ra.

 

1. Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC

Ngày 28/12/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3132/QĐ-UBND về việc công bố kết quả đánh giá, xếp loại công tác CCHC của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2023. Qua đó, gắn với trách nhiệm người đứng đầu và công tác thi đua, khen thưởng đã góp phần tích cực, thay đổi sâu sắc nhận thức của người đứng đầu và cán bộ, công chức góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn tỉnh.

Công tác kiểm tra CCHC được chỉ đạo tập trung đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC, kết hợp việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và tình hình giải quyết TTHC tại cơ quan, đơn vị. Ngày 22/01/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 27/KH-UBND về kiểm tra công tác CCHC, thực hiện ý kiến chỉ đạo và kiểm soát TTHC, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường mạng trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo kế hoạch, từ tháng 4/2024 đến tháng 11/2024 sẽ tiến hành kiểm tra trên 30% tổng số các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (gồm: 7/21 sở, ban, ngành cấp tỉnh và một số ban, chi cục, trung tâm đơn vị trực thuộc; 03/9 UBND cấp huyện và một số phòng, ban, ngành, địa phương cấp xã). Đến nay, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra công tác CCHC tại Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh.

Công tác kiểm tra được chỉ đạo tập trung đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC, kết hợp việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và tình hình giải quyết TTHC tại cơ quan, đơn vị. Tiếp tục nâng cao công tác tự kiểm tra CCHC tại sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã nhằm chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước. Phần lớn các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác CCHC đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc thẩm quyền quản lý.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền CCHC, ngày 26/12/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 425/KH-UBND về tuyên truyền CCHC trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024. Công tác tuyên truyền về CCHC được tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện với nhiều hình thức đa dạng: lồng ghép nội dung CCHC vào chương trình tập huấn, duy trì đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh với cá nhân, tổ chức; tăng cường ứng dụng thông tin, truyền thông, phát huy và khai thác có hiệu quả các tiện ích của mạng xã hội có nhiều người dùng (như zalo, facebook, youtube, …)

Tiếp tục nâng cao và vận hành có chất lượng Trang Thông tin điện tử của các cơ quan, địa phương, không ngừng nâng cao số lượt người truy cập và cung cấp những thông tin cần thiết về việc giải quyết các TTHC lên Trang Thông tin điện tử để tổ chức, công dân tìm hiểu. Duy trì chuyên trang, chuyên mục CCHC trên Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và hệ thống đài truyền thanh - truyền hình tại các huyện, thị xã, thành phố; lồng ghép đa dạng hóa nội dung tuyên truyền và chỉ đạo tăng cường công tác CCHC, đưa nội dung, chương trình tổng thể CCHC nhà nước một cách thích hợp vào công tác tuyển dụng, chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và người lao động; các chương trình sân khấu, các cuộc thi tìm hiểu chính sách pháp luật…

Triển khai Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 26/4/2024 của UBND tỉnh về tổ chức Hội thi trực tuyến tìm hiểu công tác CCHC tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024. Ngày 03/6/2024, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ phát động Hội thi bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu UBND tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Theo đó, hội thi diễn ra 4 đợt, bắt đầu từ ngày 17/6/2024 và kết thúc vào ngày 14/7/2024. Đối tượng tham gia hội thi gồm cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trên địa bàn tỉnh tại Các cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể các cấp; các cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; các đơn vị sự nghiệp công lập; UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn.

2. Kết quả thực hiện công tác CCHC

* Cải cách thể chế

Hiện nay, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) ở cấp tỉnh cơ bản được thực hiện đúng quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2024, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành 35 văn bản QPPL; trong đó có 08 nghị quyết của HĐND tỉnh và 27 quyết định của UBND tỉnh.

Công tác thẩm định văn bản QPPL tiếp tục được duy trì; từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp tham gia góp ý 40 dự thảo văn bản QPPL, 07 Tờ tình đề nghị xây dựng văn bản QPPL; thực hiện thẩm định 43/43 dự thảo văn bản QPPL[1] do các Sở, ban, ngành gửi đến đảm bảo thời gian và chất lượng.

Tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật

 Thực hiện Kế hoạch số 405/KH-UBND, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2297/UBND-TP ngày 11/3/2024; Công văn số 5564/UBND-CCHC ngày 03/6/2024 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024, Sở Tư pháp đã ban hành Công văn số 12/STP-BTTP ngày 02/01/2024 về việc hướng dẫn các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ và có hiệu quả các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật; các nội dung quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, trong đó lưu ý bảo đảm về nội dung và thời hạn của các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật là một trong các tiêu chí, thành phần đánh giá, xếp loại công tác CCHC tại các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện.

 

* Cải cách thủ tục hành chính (TTHC)

Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành 67 Quyết định công bố danh mục TTHC và 03 Quyết định công bố TTHC thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh. Cập nhật công khai TTHC trên CSDL quốc gia 378 TTHC và bãi bỏ 75 TTHC.

Tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương: 450 TTHC; trong đó: số TTHC do Trung ương quy định: 446 TTHC; số TTHC do địa phương quy định: 04 TTHC.Niêm yết đầy đủ, công khai và đúng quy định đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại địa điểm tiếp nhận và giải quyết TTHC (Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Trung tâm Hành chính công cấp huyện; Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hiện đại cấp xã).

Đến nay, toàn tỉnh có 2.022 TTHC được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 09 Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện và 141 Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hiện đại cấp xã (đạt 100% theo quy định). Trong đó: Cấp sở 1.537 TTHC một cửa (455 TTHC liên thông); UBND cấp huyện 349 TTHC một cửa (35 TTHC liên thông); UBND cấp xã 136 TTHC một cửa (17 TTHC liên thông). 100% TTHC đủ điều kiện được đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận một cửa các cấp, trừ các TTHC thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 14 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.

UBND tỉnh đã ban hành 26 Quyết định Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; trong đó đã phê duyệt bổ sung 97 quy trình nội bộ để cấu hình điện tử giải quyết TTHC trên phần mềm Hệ thống xử lý một cửa tập trung tỉnh Thừa Thiên Huế. Hoàn thành phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và đã thiết lập 100% quy trình điện tử giải quyết TTHC trên phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế.

 Hiện tại, trên toàn tỉnh có 524 TTHC thực hiện tại chỗ toàn bộ quy trình giải quyết TTHC, trong đó có 359 TTHC được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (đạt tỉ lệ 23%) và 165 TTHC được thực hiện tại các Trung tâm Hành chính công cấp huyện (đạt tỉ lệ 52%). Ngoài ra, UBND tỉnh đã công bố 486 TTHC thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích, trong đó cấp tỉnh có 451 TTHC, cấp huyện có 28 TTHC, cấp xã có 7 TTHC (Quyết định 3102/QĐ-UBND ngày 19/12/2020 của UBND tỉnh).

Triển khai nâng cấp, hoàn thiện các chức năng, tính năng, yêu cầu nghiệp vụ của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đáp ứng yêu cầu số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; hoàn thành kết nối chia sẻ dữ liệu trong tiếp nhận, giải quyết TTHC giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/6/2024, tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận: 205.787 hồ sơ, (trong đó có 121.266 hồ sơ nộp trực tuyến, đạt tỷ lệ 58,93%); cụ thể:

+ Cấp tỉnh: Tổng số hồ sơ mới tiếp nhận trong kỳ báo cáo là: 46.112 hồ sơ (trong đó có 39.997 hồ sơ nộp trực tuyến, đạt tỷ lệ 86,74%). Số lượng hồ sơ đã giải quyết: 43.097 hồ sơ, giải quyết trước hạn: 17.099, đúng hạn: 25.234 hồ sơ (đạt tỷ lệ 98,23%), quá hạn: 764 hồ sơ; số lượng hồ sơ đang giải quyết: 2.292 hồ sơ; hồ sơ chờ tiếp nhận: 697 hồ sơ.

+ Cấp huyện: Tổng số hồ sơ mới tiếp nhận trong kỳ báo cáo là: 65.894 hồ sơ (trong đó có 25.946 hồ sơ nộp trực tuyến, đạt tỷ lệ 39,38%. Số lượng hồ sơ đã giải quyết: 54.404 hồ sơ: trong đó, giải quyết trước hạn: 36.296; đúng hạn: 15.150 hồ sơ (đạt tỉ lệ 94,56%), quá hạn: 5.023 hồ sơ ( trong đó có 2.065 hồ sơ không hợp lệ). Số lượng hồ sơ đang giải quyết: 9.278 hồ sơ; số hồ sơ chờ tiếp nhận: 786 hồ sơ.

+ Cấp xã: Tổng số hồ sơ mới tiếp nhận trong kỳ báo cáo là: 93.781 hồ sơ (trong đó có 55.323 hồ sơ nộp trực tuyến, đạt tỷ lệ 58,99%). Số lượng hồ sơ đã giải quyết: 86.730 hồ sơ: trong đó, giải quyết trước hạn: 56.762, đúng hạn: 28.820 hồ sơ (đạt tỉ lệ 98,68%), quá hạn 1.148 hồ sơ. Số lượng hồ sơ đang giải quyết: 3.952 hồ sơ; số hồ sơ chờ tiếp nhận: 356 hồ sơ.

Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm giải quyết hồ sơ TTHC được các sở, ban, ngành, địa phương xác định chủ yếu là do: một số hồ sơ cần phải xác minh cụ thể hoặc phải thành lập đoàn kiểm tra, thẩm định và do các nguyên nhân khách quan khác, kể cả từ phía người nộp hồ sơ.

+ Việc công khai tiến độ giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh, đã được cập nhật thường xuyên và công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh (https://dichvucong.thuathienhue.gov.vn/thongke/ReqId/aeb742f1).

* Kết quả Cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước

Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 12 Quyết định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức;  02 Quyết định sửa đổi Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức.  Đến nay, toàn tỉnh có 684 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 04 đơn vị so với năm 2023.

Biên chế công chức năm 2024 của tỉnh là 1.951 biên chế, giảm 28 biên chế công chức so với năm 2023 (đạt tỷ lệ 1,41%). Tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh năm 2024 là 22.531 người, giảm 838 người so với năm 2023 (đạt tỷ lệ 3,74%).

Tiếp tục thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế theo Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị định của Chính phủ[2], UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế, nghỉ hưu đúng tuổi, thôi việc theo quy định của pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã thực hiện tinh giản biên chế 4 đợt và đã giải quyết chế độ chính sách tinh giản biên chế cho 28 cán bộ, công chức, viên chức (gồm: 9 công chức cấp huyện trở lên, 11 viên chức và 8 cán bộ, công chức cấp xã).

* Cải cách chế độ công vụ

Đến nay, UBND tỉnh hoàn thành phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh (gồm 22 Sở ban ngành; 15 Chi cục và tương đương và 09 đơn vị UBND cấp huyện) và 128 đơn vị sự nghiệp công lập (11 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; 117 đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan chuyên môn). UBND cấp huyện cũng đã hoàn thành phê duyệt 588 đơn vị sự nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý.

Đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý; cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch vào chức vụ lãnh đạo mới được xem xét bổ nhiệm, người được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại phải đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Công tác rà soát, sắp xếp, bố trí số lượng lãnh đạo cấp phó ở các cơ quan, đơn vị được tiến hành thường xuyên và theo quy định của Trung ương. Hiện nay, số lượng cấp phó các cơ quan, đơn vị ở tỉnh Thừa Thiên Huế được bố trí đảm bảo theo quy định của Trung ương. Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành 24 Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh không phát hiện trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu trong thi hành công vụ; không có trường hợp nào bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự về hành vi tham nhũng, hoặc hành vi khác liên quan đến tham nhũng; ý thức của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng chống tham nhũng được nâng cao.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, ngày 16/12/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2969/QĐ-UBND ngày 16/12/2023 về việc ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2024; theo đó, tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì tổ chức 18 lớp bồi dưỡng cho khoảng 1020 lượt cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Sở Nội vụ đã phối hợp với Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tổ chức 05 lớp trong kế hoạch với số lượng 304 học viên. Sở Nội vụ đã phối hợp với Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tổ chức 06 lớp Trung cấp lý luận chính trị theo kế hoạch với số lượng 375 học viên.

* Cải cách tài chính công

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã công bố công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó công khai rõ tổng nguồn thu, nguồn chi, chi tiết các nguồn thu và chi trong năm 2024. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đều có ban hành quy chế chi tiêu nội bộ (100% đơn vị), thông qua kinh phí năm 2024 tại Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đầu năm.   

Tình hình thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đến ngày 27/5/2024: 4.944.000 triệu đồng, bằng 41,9% so với dự toán và đạt 123,6% so với cùng kỳ năm trước. Chi cân đối ngân sách 4.473.325 triệu đồng, đạt 30% so với dự toán.

Kết quả thực hiện kiến nghị của kiểm toán nhà nước: Đến nay, về thực hiện kiến nghị xử lý tài chính đã thực hiện thu hồi kinh phí thừa nộp ngân sách Trung ương số tiền là 125.285.942.207 đồng và thu hồi nộp ngân sách tỉnh số tiền là 50.099.793.000 đồng (đạt 100% trên tổng số kiến nghị); Về thực hiện kiến nghị khác đã thực hiện nộp ngân sách nhà nước số tiền là 186.895.300 đồng (đạt 100% trên tổng số kiến nghị).

UBND tỉnh đã triển khai xây dựng cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay có 684 đơn vị[3] sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ, nhìn chung các đơn vị được giao quyền tự chủ tài chính đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí NSNN giao để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả; đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

* Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính quyền số

Hiện nay,  đã triển khai mạng diện rộng tỉnh theo mô hình mạng MetroNet kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ; thiết lập việc truy cập internet trong cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng tập trung. Đến nay, đã có 474 cơ quan, đơn vị (đạt 100%) cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã triển khai kết nối mạng MetroNet kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ, Internet tập trung.

 Triển khai các giải pháp SOC cho Trung tâm dữ liệu tập trung; Giải pháp giám sát phòng, chống mã độc tập trung cho 100% máy chủ tại Trung tâm IOC và 474 cơ quan, đơn vị với 5.877 máy tính; Giải pháp phòng, chống tấn công có chủ đích cho 100% máy chủ tại Trung tâm Dịch vụ đô thị thông minh (IOC), 2.096 máy tính kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Nền tảng làm việc số với mô hình tích hợp lại tất cả các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử, mô hình hơn 23 quy trình số đã tạo ra một nền tảng thống nhất trong hoạt quản lý nhà nước, thực thi công vụ của công chức, viên chức trên một nền tảng thống nhất bao gồm (Quản lý công việc, văn bản, lịch công tác, xử lý dịch vụ công, xử lý phản ánh hiện trường, nhận góp ý người dân, trả lời câu hỏi người dân; họp không giấy tờ…

Đã xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối liên thông, chia sẻ với hệ thống một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ người dân và doanh nghiệp. 

100% cơ quan nhà nước sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã được liên thông với Trục liên thông văn bản Quốc gia theo mô hình 04 cấp; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã áp dụng chữ ký số trong trong văn bản điện tử.

Thư điện tử: đã cấp 14.983 tài khoản cho cán bộ công chức, viên chức chiếm tỉ lệ 100%; trong đó, có 1.991 tài khoản không sử dụng; triển khai báo cáo số cho 20/20 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, chiếm tỉ lệ 100%.

Về Kết quả cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến: 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình, một phần và thực hiện Một cửa liên thông trên môi trường mạng. 100% UBND cấp xã có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mô hình một cửa điện tử hiện đại.  Toàn tỉnh có 1.953 TTHC trong đó có 1.859 TTHC được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến chiếm tỷ lệ 95% và 787 TTHC được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình chiếm tỷ lệ 40,29%. Tỷ lệ hồ sơ DVC trực tuyến toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt 58,93%, tăng 13,23% so với năm 2023, DVC trực tuyến đã chuyển dần từ cán bộ hướng dẫn làm thay sang công dân tự làm.

- Tỷ lệ TTHC được tích hợp, triển khai thanh toán trực tuyến là 100% trên tổng số 654 TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính. Đã liên thông cấp phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID, trong đó: Tổng hồ sơ đã tiếp nhận: 1.922, Tổng số hồ sơ đã trả: 1.559.

Trong 6 tháng đầu năm, công tác CCHC được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, các văn bản chỉ đạo thực hiện CCHC được ban hành kịp thời. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã phân công các cơ quan, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ trong công tác CCHC. Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính nhà nước được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp, quản lý nhà nước tốt hơn. Trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên. Hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đã chủ động, kịp thời trong việc xây dựng các kế hoạch triển khai, cụ thể hóa Kế hoạch, từng bước được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương được tăng cường.

 


[1] 03 đề nghị xây dựng Nghị quyết; 09 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh; 31 dự thảo Quyết định của UBND tỉnh do các Sở, ban, ngành gửi đến và Sở Tư pháp soạn thảo

[2] Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế; Quyết định số 1046/QĐ-TTg ngày 06/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

[3] 03 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 36 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; 115 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 530 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

 

D.Q
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Lượt truy cập _ CCHC
Truy cập tổng 290.365
Truy cập hiện tại 425