Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở và triển khai công tác cải cách hành chính. Cùng với sự nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện việc xây dựng và thực hiện dân chủ cơ sở, đạt nhiều kết quả tích cực, đem lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực về nhiều mặt, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Phát huy dân chủ trên nhiều phương diện
Thông qua việc thực hiện dân chủ cơ sở và đẩy mạnh cải cách hành chính, hoạt động của HĐND các cấp có nhiều đổi mới. Công tác tiếp xúc cử tri được cải tiến, thiết thực, hiệu quả hơn; các điểm tiếp xúc cử tri được bố trí tận thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, đến với từng đối tượng. Đại biểu HĐND đã thực hiện tốt việc tiếp xúc cử tri để trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân; nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri được đối thoại, giải thích trực tiếp và xem xét giải quyết. Chất lượng các kỳ họp của HĐND các cấp ngày càng được nâng lên; các kỳ họp của HĐND tỉnh, huyện, thị xã và thành phố đã được truyền thanh, truyền hình trực tiếp để người dân nắm bắt, giám sát các hoạt động của HĐND.
UBND các cấp luôn chú trọng chỉ đạo thực hiện công tác dân chủ ở trong các loại hình cơ sở, gắn việc thực hiện dân chủ với việc củng cố xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính ở các ngành, các địa phương; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận một cửa, tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành đã tích cực hướng dẫn, phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch. Cụ thể, kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và kế hoạch cải cách hành chính hàng năm của tỉnh Thừa Thiên Huế được ban hành đều xác định rõ các nội dung cần tập trung chỉ đạo thực hiện với các nhiệm vụ cụ thể của tháng, quý gắn với trách nhiệm đối với từng cấp, từng ngành. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính; trong đó, có chú trọng công tác cải cách công vụ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế luôn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt và triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nền hành chính; phát huy rộng rãi tính dân chủ trong hoạt động công vụ gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Thực tế cho thấy, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức luôn ý thức rõ về chức trách, nhiệm vụ được giao, sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; có ý thức tổ chức kỷ luật; không ngừng tự học, tự rèn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi kỹ năng của bản thân.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng trưởng thành cả về số lượng và chất lượng; trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng được nâng cao; có bản lĩnh chính trị, kiên định lập trường, quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, có tâm huyết và hoài bão, chủ động, đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển nhanh, bền vững, trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phần lớn đội ngũ này được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và quản lý nhà nước. Đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ năng lực được giao đảm nhận các chức vụ đã phát huy vai trò lãnh đạo, quản lý, năng động, nhiệt huyết trong giải quyết công việc, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.
Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xác định đẩy mạnh công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng điểm, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trong đó thường xuyên chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đủ về số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng. Nhờ vậy, công tác cải cách hành chính của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực và luôn được đánh giá cao. Việc cung cấp dịch vụ hành chính công giúp trong việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, đảm bảo công khai, minh bạch. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các Trung tâm hành chính công cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã đi vào hoạt động ổn định, tạo sự thống nhất, đồng bộ, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp, tạo môi trường làm việc thuận tiện, văn minh, hiện đại, mang lại sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân.
Quá trình thực hiện dân chủ gắn với cải cách hành chính ở các đơn vị, địa phương trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Về cơ bản, đã giải quyết được các vấn đề bức xúc ở địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hạn chế những khiếu nại, tố cáo vượt cấp; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần nâng cao đạo đức công vụ, cải tiến lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, theo hướng ngày càng trọng dân, gần dân, sâu sát với Nhân dân, hạn chế tình trạng quan liêu, qua đó tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt công tác cải cách hành chính. Mối quan hệ giữa cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân ngày càng gắn bó. Nhân dân thẳng thắn góp ý, phát hiện những cán bộ, đảng viên vi phạm để báo cáo tổ chức xem xét, xử lý, góp phần làm trong sạch tổ chức đảng và chính quyền các cấp; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và tinh thần, trách nhiệm phục vụ Nhân dân.
Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện dân chủ gắn với công tác cải cách hành chính vẫn còn một số hạn chế như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với công tác cải cách hành chính của một số cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có nơi còn chậm; công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thường xuyên, hiệu quả. Công tác cải cách hành chính tuy đã được quan tâm, nhưng kết quả đạt được chưa thực sự như mong đợi, tình trạng gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp vẫn còn diễn ra. Phong cách, lề lối làm việc của một số cán bộ, công chức còn nặng về hành chính, coi nhẹ công tác giải trình, minh bạch để vận động, thuyết phục, đối thoại giải thích cho người dân...
Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác cải cách hành chính, coi đây là giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng đã đề ra. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hóa và công khai, minh bạch, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, cửa quyền. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm các mục tiêu phát triển, đáp ứng kịp thời lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân.
Một số giải pháp đề ra
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở; triển khai thực hiện hiệu quả nội dung Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Phát huy hơn nữa dân chủ trong cán bộ, công chức, viên chức và người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với phân cấp quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác cải cách hành chính. Cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để đưa việc xây dựng, triển khai thực hiện dân chủ gắn với cải cách hành chính trở thành nền nếp, thường xuyên. Chỉ đạo thực hiện dân chủ gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện.
Ba là, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng công chức, viên chức và thực hiện thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý theo nguyên tắc cạnh tranh, nhằm thu hút người thực tài vào nền công vụ; đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, bên cạnh những kiến thức, kỹ năng, tư duy để nâng cao năng lực, cần chú trọng đến nội dung về trách nhiệm, đạo đức công vụ; các quy định về trách nhiệm, đạo đức công vụ và xử lý các vi phạm liên quan nhằm giúp cho cán bộ, công chức nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện và hành động đúng với nhiệm vụ được giao. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, bảo đảm chính quyền các cấp thực sự là chính quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện đúng phương châm: “Thân thiện - Đơn giản - Đúng hẹn” trong giải quyết thủ tục hành chính theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Duy trì thực hiện nghiêm việc đánh giá, xếp loại triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khách quan; làm cơ sở để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Với quyết tâm cao, với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian tới, việc triển khai thực hiện công tác dân chủ gắn với công tác cải cách hành chính kỳ vọng tiếp tục đạt nhiều kết quả, tạo bứt phá để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp và phát triển bền vững, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị đã đề ra./.