Khẳng định bản thân
Dù hẹn trước, nhưng cuộc trao đổi giữa tôi và chị Nguyễn Thị Tú Bình, Giám đốc Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (Eximbank) – Chi nhánh Huế vẫn luôn bị gián đoạn bởi chị phải liên tục xử lý những vướng mắc từ các bộ phận báo cáo.
36 tuổi, chị được bổ nhiệm làm Giám đốc Eximbank- Chi nhánh Huế. Với chị, đây vừa là niềm tự hào vừa là sự lo lắng. Chính thức “cầm chịch” từ tháng 3/2013, thời điểm nền kinh tế suy thoái, nợ xấu tăng cao, trong khi đó qui mô thị trường ở Huế lại nhỏ, phải cạnh tranh với nhiều quỹ tín dụng có nhiều năm kinh nghiệm, nên trách nhiệm đặt lên vai chị càng nặng nề. Làm thế nào để kiểm soát nợ xấu và tăng khách hàng để ngân hàng phát triển ổn định, nâng cao đời sống cho 49 cán bộ, nhân viên là câu hỏi thường trực trong đầu chị.
Để vượt qua những thách thức này, chị Tú Bình không ngừng nỗ lực. Chị luôn tranh thủ học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước; tham gia các lớp đào tạo nâng cao năng lực điều hành quản lý; tìm tòi, nghiên cứu để nắm bắt nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, chị cũng tăng cường quản lý chặt chẽ, sâu sát tất cả các bộ phận. Chị giao chỉ tiêu công việc cho từng người để phát huy vai trò của từng cá nhân; nhắc nhở, chấn chỉnh thái độ làm việc, cung cách phục vụ khách hàng của nhân viên nếu có gì chưa tốt. Ngoài huy động vốn và cho vay vốn, chị Tú Bình tận dụng thế mạnh của Eximbank là hoạt động đa dạng trên tất cả các dịch vụ để phát triển khách hàng qua thanh toán quốc tế và kinh doanh ngoại tệ. Nhờ đó, Eximbank – Chi nhánh Huế ngày càng được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Lợi nhuận của ngân hàng năm sau cao hơn năm trước, đời sống của cán bộ công nhân viên được ổn định.
Nói về áp lực công việc, chị Tú Bình chia sẻ: “So với nam giới, phụ nữ làm công tác quản lý sẽ vất vả hơn bởi ngoài công việc xã hội, họ còn đảm nhận thiên chức làm vợ, làm mẹ. Dù vậy, phụ nữ lại có lợi thế hơn khi biết mềm mỏng những lúc cần thiết. Mình may mắn được chồng và gia đình ủng hộ, hơn nữa lại rất yêu nghề nên có động lực vượt qua khó khăn”.
Với sự nhạy bén trước thời cuộc, nữ doanh nhân Đặng Thị Thùy Dương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Volga Việt Nga, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân nữ Thừa Thiên Huế đã từng bước khẳng định vị trí trên thương trường. Từ chỗ chỉ chuyên kinh doanh lĩnh vực khách sạn, nay Công ty TNHH Volga Việt Nga đã mở rộng kinh doanh du lịch, dịch vụ và xuất khẩu lao động, mở rộng thêm chi nhánh tại Đà Nẵng và Quảng Bình.
Chị Thùy Dương kể, năm 2002, nhận thấy lực lượng lao động có nhu cầu tìm việc làm tại địa phương rất lớn, chị đã phối hợp với Công ty cổ phần Traenco thuộc Bộ Giao thông Vận tải tổ chức tư vấn tuyển chọn lao động đi xuất khẩu tại Nhật Bản. Mục đích lớn nhất của chị là đưa được nhiều lao động sang Nhật làm việc giúp họ nâng cao thu nhập, rèn luyện tác phong công nghiệp hiện đại. Để làm được điều đó, chị về các vùng sâu, vùng xa để tư vấn tuyển dụng lao động. Dù kết quả ban đầu không như mong muốn, song chị vẫn kiên trì theo đuổi. “Qua các chuyến đi, tôi nhận thấy ở các vùng quê còn rất khó khăn, nhiều thanh niên thiếu việc làm. Nhưng do một số đơn vị làm công tác tuyển dụng lao động không tốt, người dân mất lòng tin, không mặn mà đi xuất khẩu lao động”- chị chia sẻ. Từ đó, chị đổi mới hình thức tuyển dụng, tạo niềm tin cho người lao động. Những người chị giới thiệu đi xuất khẩu lao động tại Nhật, sau 3 năm trở về nước tích cóp từ 700 đến 800 triệu đồng. Một số người có trình độ tiếng Nhật tốt, tay nghề giỏi được giới thiệu vào làm việc tại các nhà máy của Nhật đầu tư tại Việt Nam với mức lương cao.
Đến nay, công ty của chị Thùy Dương đã giới thiệu hơn 1.000 lao động Thừa Thiên Huế sang Nhật, với mức thu nhập từ 20-30 triệu đồng/ tháng. Từ năm 2008, chị đã trực tiếp làm việc với các trường tại Nhật đưa các học sinh tốt nghiệp lớp 12, trung cấp, cao đẳng, đại học sang Nhật du học theo hình thức vừa học vừa làm. Chị Thùy Dương là 2 trong số 70 hội viên của CLB Doanh nhân nữ Thừa Thiên Huế tạo được dấu ấn riêng trong kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập cho người lao động, hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.
Trách nhiệm xã hội
Không chỉ năng động, nhạy bén trong kinh doanh, nữ doanh nhân Thừa Thiên Huế còn thể hiện trách nhiệm với xã hội, chia sẻ vật chất, tinh thần đối với những hoàn cảnh khó khăn. Ấn tượng là chương trình “Hát cho bệnh nhân nghe” được CLB Doanh nhân nữ duy trì hơn một năm nay. Với chương trình này, CLB Doanh nhân nữ đã phối hợp với các đội văn nghệ của các trường đại học tổ chức mỗi tháng một lần tại Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế. Tại đây, các bệnh nhân được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” do các sinh viên và thành viên của CLB Doanh nhân nữ thể hiện, được ăn bánh, uống sữa… các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà. Chị Đặng Thị Thùy Dương, Chủ nhiệm CLB Doanh nhân nữ cho biết, kinh phí cho mỗi lần tổ chức chương trình này trên dưới 10 triệu đồng. Ngoài sự đóng góp của các thành viên trong CLB, các chị còn vận động thêm từ các đơn vị doanh nghiệp khác.
Chị Trần Thị Ngọc Yến, Giám đốc Công ty TNHH MTV TM và DV Ngọc Yến cho hay: “Trừ trường hợp quá bận rộn, còn không tôi đều cố gắng tham gia. Được chứng kiến niềm hạnh phúc của những bệnh nhân nghèo khi cầm món quà trên tay hay niềm vui của người bệnh khi được thưởng thức các tiết mục văn nghệ, tôi thấy vui như chính mình được nhận vậy.”
Hàng năm, CLB Doanh nhân nữ còn tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện khác, mang tình cảm yêu thương, ấm áp, sẻ chia đến với những hoàn cảnh khó khăn như: tặng quà cho học sinh, phụ nữ nghèo vùng cao, nạn nhân chất độc da cam, xây dựng “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo, hỗ trợ giúp đỡ kịp thời những trường hợp bị hoạn nạn đột xuất, với tổng kinh phí tiền hàng trăm triệu đồng. “Mới đây, qua trang mạng xã hội biết được hai em nhỏ ở Kim Long mồ côi cả cha lẫn mẹ, tôi đã phát động ủng hộ. Sau 1 ngày phát động, chúng tôi quyên góp được 7 triệu hỗ trợ cho các cháu”, chị Thùy Dương cho biết.
Theo chị Thùy Dương, trước đây, các DN thường tổ chức các hoạt động từ thiện nhưng vì đơn lẻ nên hiệu quả chưa cao. Từ khi thành lập CLB, các hội viên cùng phối hợp với Hội Doanh nghiệp tỉnh nên các chương trình thiện nguyện mang lại hiệu quả hơn. Sắp tới, CLB sẽ triển khai kết nối với các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội, CLB Doanh nghiệp ở các tỉnh thành, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... nhằm mở rộng giao thương, tăng cơ hội quảng bá cho hội viên, qua đó, làm phong phú thêm các chương trình hoạt động của CLB. Đồng thời, đề xuất với Hội Doanh nghiệp tỉnh nếu có các chương trình cho vay vốn ưu đãi thì ưu tiên cho các DN thuộc CLB để phát triển sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, CLB Doanh nhân nữ Thừa Thiên Huế đã trở thành mái nhà chung của chị em hội viên, tạo sức mạnh đoàn kết các nữ doanh nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong các hoạt động xã hội, giúp các chị khẳng định hơn nữa vai trò của nữ giới, tạo ra một cách nhìn mới về người phụ nữ Việt Nam thời hiện đại, năng động, sáng tạo.
Hải Thuận