Chị Nguyễn Thị Hồng (phố Văn Cao, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội), bị mất chân phải và tay trái. Chị Hồng cho rằng, hiện còn nhiều định kiến với NKT như chị. Cụ thể, nhiều khu vui chơi, giải trí, khu công sở khi xây dựng không tính đến sự tham gia của NKT. Tại các rạp chiếu phim, rạp hát, phần lớn không sắp xếp chỗ cho người ngồi xe lăn, vì cho rằng những người di chuyển khó khăn như chị ít khi đến rạp. “Nhiều hôm tôi rất muốn đi xem phim, xem ca nhạc nhưng qua tìm hiểu một số rạp đều không có chỗ ngồi đặc thù nên tôi đành ở nhà”, chị Hồng chia sẻ.
Cũng theo chị Hồng, hiện nay, có một tâm lý khá phổ biến ở những NKT là ngại đến các cơ quan chức năng làm giấy tờ. Chị Hồng chia sẻ: “Các công sở hiện nay phần lớn không có thang máy. Vì vậy, mỗi lần chúng tôi đi làm giấy tờ, thủ tục là một lần khổ. Nhiều phòng, ban nằm ở tầng 2, tầng 3. Những người ngồi xe lăn như chúng tôi không thể di chuyển lên tầng trên nếu không có người hỗ trợ. Nhiều hội nghị cũng vậy, họ tổ chức ở hội trường tầng 4, tầng 5. Với người bình thường đi bộ thì không sao nhưng với NKT chân như tôi rất khó để di chuyển lên hội trường, bởi không có đường dành riêng cho xe lăn”.
Bản thân NKT cũng không muốn mình là gánh nặng cho gia đình, xã hội nên nhiều người cố kiếm việc làm. Thế nhưng, đây là một vấn đề khá nan giải. Chị Nguyễn Thanh Thủy (phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội), bị khuyết tật chân bẩm sinh, cho biết: “Tôi từng đi xin việc nhiều nơi nhưng không được nhận. Sau khi nhận hồ sơ các đơn vị tuyển dụng luôn tìm cách từ chối. Có đơn vị từ chối thẳng thừng, còn nơi nào khéo thì bảo: “Chúng tôi đánh giá cao năng lực của chị. Chúng tôi sẽ thông báo kết quả cho chị sau. Tôi chờ mãi nhưng chẳng thấy họ gọi lại”. Cách đây mấy năm, có một nhà máy may nhận chị vào làm việc nhưng trả lương rất thấp. Thậm chí, cùng một dây chuyền, công đoạn, công việc như nhau nhưng mức lương chị nhận được chỉ là 50.000 đồng/ngày, bằng ½ người bình thường. Với thu nhập như vậy chị không đủ trả tiền thuê nhà, sinh hoạt phí nên phải xin nghỉ việc.
Một lớp dạy nghề cho phụ nữ khuyết tật
Theo khảo sát của Học viện Phụ nữ Việt Nam tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế và Tây Ninh, với hơn 500 phụ nữ khuyết tật, chưa tới 1/3 số người được hỏi có việc làm. Có những người đã từng đi làm nhưng phải bỏ việc, trong đó phần lớn không tìm được công việc phù hợp với sức khỏe.
Cần chung tay
Theo ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội, hiện nay NKT làm việc, tham gia các hoạt động xã hội ngày càng nhiều. Điều này cho thấy, nhận thức của cả NKT và xã hội đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, hiện còn nhiều định kiến, kỳ thị đối với NKT. “Các chính sách của Nhà nước với NKT đã có nhưng nhiều nơi chưa thực hiện tốt, thậm chí chưa thực hiện”, ông Dũng cho hay.
Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Mai, giảng viên khoa Xã hội học (Đại học Công đoàn), cho rằng, hiện nay một số quy định như tạo điều kiện tiếp cận các công trình công cộng cho NKT đã có nhưng nhiều nơi chưa thực hiện. Ngoài ra, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với NKT còn tồn tại, khiến họ bị hạn chế đáng kể các cơ hội phấn đấu.
Để tạo cơ hội phát triển cho NKT, ông Trịnh Xuân Dũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho NKT dựa vào cộng đồng; giúp NKT tiếp cận giáo dục, dạy nghề, tạo cơ hội về việc làm. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ công cộng phù hợp với NKT. Cộng đồng cũng cần thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về NKT, hỗ trợ họ hòa nhập cuộc sống.
* Theo báo cáo của Hội LHPN Việt Nam tại hội thảo “Phụ nữ khuyết tật với cơ hội việc làm” tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, hiện có khoảng 3,6 triệu phụ nữ khuyết tật. Phụ nữ khuyết tật thường gặp nhiều rủi ro, dễ bị lạm dụng lao động và tình dục hơn so với những phụ nữ bình thường. Các quyền về sức khỏe sinh sản của họ ít được quan tâm và đảm bảo…Những khó khăn mà phụ nữ khuyết tật gặp phải cao hơn ít nhất 3 lần so với nam giới. Để giúp phụ nữ khuyết tật có công ăn việc làm ổn định, qua thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, từ năm 2010 đến năm 2015, Hội LHPN các tỉnh, thành đã triển khai hoạt động dạy nghề cho 4.268 phụ nữ khuyết tật.
* Hiện Việt Nam có hơn 7 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số, trong đó 20% bị đa tàn tật (vừa câm, vừa điếc hoặc khiếm khuyết cả về vận động, thị giác, trí tuệ). Về trình độ, chỉ gần 6% NKT học hết THPT, hơn 20% có trình độ THCS. Đặc biệt, trên 70% NKT phải sống dựa vào gia đình.
Chủ đề của Ngày Quốc tế Người khuyết tật năm nay là “Vì mục tiêu thiên niên kỷ hòa nhập: Nâng cao vị thế người khuyết tật và cộng đồng của họ khắp thế giới”.
|