Trong buổi tọa đàm Giữ gìn và phát huy phẩm chất người phụ nữ hiện đại ở Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, một trong những nội dung được nhiều cử tọa tranh luận sôi nổi nhất là quan niệm về hy sinh của người phụ nữ. Có chị khẳng định đó là đức tính quý báu ngàn đời, chị khác lại cho đó là cái bẫy từ phía đàn ông để phụ nữ tiếp tục chịu đựng, thiệt thòi! Sự hy sinh chính là nguyên do kìm giữ, trì kéo tiến trình bình đẳng giới.
Vào facebook, tôi lại giật mình với cuộc tẩy chay đức hy sinh do một người đàn ông trung niên khơi lên: “Cái thằng ngốc lên ti vi bảo phụ nữ hiện đại là giỏi giang, biết tự chủ trong công việc, trong tình yêu nhưng cần phải học hỏi thế hệ trước là phải biết hy sinh. Trời, tôi điên mất! Thế các anh tàn tật hay sao mà phụ nữ cứ phải hy sinh? Bao giờ mới tỉnh ra đây?”.
Về nhà, con gái tôi đang học tiểu học chạy ra khoe món cá chiên lần đầu bà ngoại chỉ cho làm. Bé cười tít: “Con thích nấu ăn!”. Tiện thể, bà ngoại hướng dẫn thêm cách pha chế món rau má đậu xanh. Vừa làm bà vừa “tuyên truyền” về nết na nữ giới. Bé gật gù rồi cao hứng: “Vậy hả ngoại? Con gái phải nấu ăn hả ngoại? Nấu ăn là đảm đang. Sao kỳ vậy ngoại?... Hy sinh cho gia đình là sao ngoại? Thôi ghê lắm! Hy sinh là chết đó ngoại, cô giáo con dạy vậy...”.
Những tình huống đó vô tình được đặt gần nhau khiến tôi không còn dám mặc nhiên gán ghép hy sinh là một đức tính cao quý của người phụ nữ nữa. Nghĩa gốc của từ hy sinh liên quan đến việc tế thần, đổi một thứ để cầu được nhận lại thứ khác quan trọng hơn, có giá trị hơn trong tương lai.
Trên logic “cho trước, được sau” đó, người phụ nữ trong gia đình thường nhận phần “hẻo” và mong chờ “gái có công, chồng chẳng phụ”. Không có sự đầu tư nào phiêu lưu hơn là hy sinh rồi đợi chờ đền đáp.
Hy sinh quên mình đã tước đi của người vợ cơ hội hưởng thụ cuộc sống, trong khi chưa chắc người thân của họ nhận được lợi ích từ sự hy sinh đó. Một nữ trí thức có tính cầu toàn nên luôn căng thẳng, áp lực vì bị công việc vây hãm; đã vậy, về nhà chị còn phải cắm mặt vào gian bếp, đến nỗi không còn thời gian tập thể dục, chăm chút bản thân. Trong một lần than thở cùng chồng vì quá “đuối”, chị chợt tỉnh khi anh nói: “Bất kỳ ở đâu, em cứ bớt nghĩ mình quan trọng là được!”.
Thực tế, không hiếm trường hợp chính sự ôm đồm, nhịn nhục của người vợ đã khiến người bạn đời sinh ra vô tâm, ích kỷ, hư hỏng. Có anh chồng, khi ăn trái cây quen tật lựa những trái to đẹp nhất. Năm này tháng nọ, người vợ chạnh lòng vì mình cứ phải ăn mót những trái nhỏ, dập.
Một lần, chị thổ lộ với chồng tâm trạng tủi thân đó, anh phán ngay: “Thì anh biết đằng nào em cũng nhường nên ăn trước như vậy đâu có vấn đề gì!”. Chị bẽ bàng, thất vọng. Chị không đủ dũng cảm để chia phần rạch ròi trước khi ăn, bảo đảm quyền lợi của mình và yêu cầu một sự tôn trọng từ chồng. Thôi thì huyễn hoặc mình bằng hai chữ hy sinh, vừa cao cả vừa đỡ bế tắc.
Lại có những đôi vợ chồng giăng bẫy hy sinh để lừa nhau. Người chồng khoán trắng cho vợ cha/mẹ chồng bị tai biến, già yếu. Một mặt, chồng tâng bốc vợ là người phụ nữ lý tưởng, rằng mình suốt đời mang ơn vợ; mặt khác anh ta rảnh rang chơi bời, nhậu nhẹt, bồ bịch.
Đến khi hết chịu đựng nổi, ly hôn, người vợ lại thêm một lần hy sinh ra đi tay trắng, không giành được quyền nuôi con vì đã trót dừng sự nghiệp, lùi vào xó bếp cho chồng tiến thân. Với những người phụ nữ chạm mặt chữ “ngờ” đó, hy sinh đúng là rước họa.