Mất ăn mất ngủ
Chúng tôi gặp chị Nữa trong lần những hướng dẫn viên du lịch về tập huấn và trao đổi cách làm du lịch ở cầu ngói Thanh Toàn. Khác với vẻ bề ngoài dịu dàng, mộc mạc, chị Nữa tự tin đứng trước hàng chục người làm du lịch chuyên nghiệp để thuyết trình về mô hình du lịch tại gia của mình. Những câu hỏi được đặt ra, chị trả lời khôn khéo, đúng trọng tâm xen lẫn sự hài hước khiến không ít “bậc tiền bối” làm du lịch vỗ tay tán thưởng. Kể về nghề chị tâm sự: “Bản thân tôi vốn chuyên làm nông, quanh năm với ruộng vườn. Thế mà giờ đây được các hãng lữ hành biết đến, khách quốc tế chụp ảnh đưa lên nhiều nơi khen ngợi, thật là vui khó tin”.
Năm 2014, trong lần tình cờ các công ty du lịch lữ hành về khảo sát địa điểm phát triển du lịch cộng đồng, chị Nữa được tiếp xúc và nghe ngóng triển vọng của vùng đất mình đang ở. Cuối năm đó, chị được mời tham dự tập huấn về cách thuyết trình và làm hướng dẫn viên du lịch tại địa phương, tham quan nhiều địa điểm du lịch, nhất là vườn rau Trà Quế ở Hội An. Về là tui làm luôn. Cách làm khác một số nơi, dựa trên điều kiện thực tế của địa phương mình, theo kiểu để du khách trải nghiệm đồng quê, có việc gì làm việc đó chứ không dàn dựng”, chị Nữa nói. Mùa làm đồng, chị cho khách cùng ra đồng cắt cỏ, tát nước. Khi hết việc lại cùng họ về vườn trồng cây rồi nấu ăn từ những mớ rau con cá hái và bắt được. Chính sự mộc mạc, đậm chất làng quê ấy lại được du khách thích thú.
Thấy hướng làm ăn của chị Nữa có hiệu quả, các công ty du lịch tìm đến đặt vấn đề. “Họ hỏi tui làm thêm trải nghiệm ẩm thực được không. Tui tự tin nhận lời. Thế nhưng, họ cũng thử thách, kiểm tra đủ thứ bởi khách của họ toàn khách 4 sao”. Sau lần nhận lời đó, chị Nữa mất ăn mất ngủ vì lo lắng, phần thì áp lực từ chính phía công ty du lịch nhưng cái lớn hơn là uy tín của quê hương. “Ẩm thực thì không khó bởi hầu hết phụ nữ Huế đều khéo léo, giỏi giang trong nấu ăn. Tuy nhiên, đặc tính của khách nước ngoài là không thích dùng chất phụ gia, nhưng vẫn đảm bảo độ ngon của thức ăn. Tui phải đi tìm tòi thay thế bột ngọt, ớt tiêu,… bằng những chất phụ gia phù hợp. Lần đó tui thấp thỏm lo âu đến sút cả mấy cân”, chị Nữa kể. Trải nghiệm ẩm thực lần đầu của chị Nữa được du khách và công ty lữ hành đánh giá cao, nhờ đó niềm tin trong chị với cơ duyên làm du lịch càng sâu đậm.
Chị Nữa tâm sự, lợi thế là gần các di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng, căn cứ địa chiến đấu trước đây bên cạnh nhiều di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đồng thời, khung cảnh đồng quê được thiên nhiên ưu đãi, ngay cả mùa đông đàn cò về nhiều cũng là một ưu điểm để làm du lịch. “Trời cho rồi thì người phải cố gắng. Không tìm tòi, học tập để vượt qua giới hạn ban đầu là tụt lùi với thời đại”, chị quan niệm.
“Cuộc sống là ở đây”
Trở lại mảnh vườn chị Nữa trong một ngày mưa vắng khách, chị cười tươi lạc quan. Mảnh vườn được quy hoạch, cải tạo đẹp, trồng hàng chục loại cây, chia thành nhiều góc như một bức tranh, có bố cục hợp lý. Căn nhà được đầu tư cây cảnh, làm thêm nhà bếp để khách nấu ăn, sắm bàn ghế tre khá thân thiện. Chị chia sẻ, mỗi tháng trung bình có 5 đoàn khách về đây, mỗi đoàn chừng 4-5 người, thu nhập của chị có lúc 5-6 triệu đồng/tháng. Vượt qua khó khăn ban đầu, giờ đây mô hình du lịch của chị trở nên đa năng hơn từ việc giúp du khách trải nghiệm cách trồng cây (chuối và các loại rau), nướng bánh tráng, nấu ăn từ các sản phẩm cây trồng do khách cắt hái như rau muống, vả, cà tím (thực đơn theo khách yêu cầu) và ngâm chân nước lá theo bài thuốc dân gian (xông hơi bằng cây thuốc nam hái trong vườn). Đồng thời, khi khách đông, trên những trải nghiệm ấy có thể tổ chức các cuộc thi. Thu nhập từ khách được công ty du lịch thanh toán trực tiếp, mỗi vị khách sau khoảng 3-4 tiếng trải nghiệm được tính 300.000 đồng, khách càng đông thì thu nhập được tính khác (3 khách trở lên tính 200.000 đồng/khách). Sự khởi nghiệp như vậy theo chị là một thành công bất ngờ.
Quá trình làm du lịch là quá trình để chị tự nỗ lực hoàn thiện, bởi khách trải nghiệm đến từ nhiều nước trên thế giới, sau chuyến trải nghiệm đều có bảng đánh giá theo nhiều tiêu chí. Nhưng niềm vui là từ khi mở ra, tất cả các đoàn khách đều đánh giá tốt. “Khách rất ngạc nhiên. Tour đầu tiên họ đánh giá rất tốt và thêm dấu cộng, nghĩa là tuyệt vời. Từ cách đánh giá này mà sau mỗi đoàn khách mình phải tự cố gắng hơn”, chị Nữa kể.
Từ một người rụt rè, những ngày làm du lịch, chị đã thay đổi tư duy, mạnh dạn và năng động hơn. Giờ đây, trong suy nghĩ của người phụ nữ 53 tuổi, làm du lịch không chỉ là cách kiếm thu nhập cho gia đình mà còn giúp địa phương phát triển. Do vậy, những ý tưởng về du lịch đang được chị ấp ủ tính toán, nay mai có thể sẽ trở thành những mô hình tiên phong hiệu quả.
Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay: “Mô hình của chị Nữa được xem là kết quả nỗ lực của dự án phát triển du lịch cộng đồng. Bản thân chị là nông dân, tham gia làm du lịch và bước đầu đã thành công. Chúng tôi có vài lần hỏi du khách khi về đây tham quan là: Theo anh chị, nếu cho phép các anh chị đặt một Slogan ở đây, thì anh chị muốn nói gì? Và họ trả lời “Cuộc sống là ở đây”. Nghĩa là họ đánh giá cao về điều kiện du lịch ở Thủy Thanh, trong đó có mô hình của chị Nữa”.
Lê Hữu Phúc