Mãi miết dạy chữ
Chị Hạnh kể cho chúng tôi, vào giữa năm 1975, tôi tham gia vào Đoàn thanh niên và tham gia lớp dạy xóa mùa cùng với các chiến sĩ bộ đội. Lớp học lúc đó dành cho người lớn tuổi và trẻ em vạn đò, chuyên hành nghề trên sông nước. Hàng ngày cứ 3 giờ sáng là họ giong đò xuôi ngược đánh bắt cá... Đến 4 giờ chiều đò cập bến ở bến Me, sau một ngày mưu sinh vất vả, buổi tối người dân vạn đò mang đền sách đến học lớp xóa mù. Lớp học được tổ chức ở Trường Thượng Tứ (nay là Trường Tiểu học Phú Hòa).
Trải qua một thời gian, lớp học cũng thưa vắng dần, bởi theo họ: “Thời cha ông tụi tui có ai đi học mô mà vẫn cứ sống được, cứ tay làm hàm nhai, sáng chống gối, tối lấy tiền là xong, học chi cho mệt”. Động viên họ không được, chị Hạnh tập trung việc dạy chữ cho các em. Cứ chiều về, chị lại đến với các em để tập hát và hướng dẫn trò chơi để thu hút các em.
Đầu năm 1977, chị Hạnh được tham gia đưa dân đi vùng kinh tế mới ở Đắk Lắk. Sáu tháng sau chị Hạnh lại trở về tiếp tục gắn bó truyền con chữ cho trẻ em vạn đò. Cuối 1977, ở bến Me có văn phòng HTX bỏ hoang lâu ngày nên chị mượn để cho các em tập trung học. Và dần dần không chỉ các em nhỏ mà thanh niên cũng tham gia, mặc dù lúc ấy bàn ghế còn rất hạn chế.
Năm 1995 chị Hạnh vẫn mải miết dạy chữ cho các em, địa bàn nơi chị ở được đưa đến tái định cư ở khu vực 6. Thời điểm đó, chị Hạnh vừa tham gia BCH Hội liên hiệp phụ nữ, vừa ủy viên Hội Chử thập đỏ cơ sở. Người dân ở đây đa phần là làm nghề chài lưới, trình độ học vấn rất hạn chế, đa số thanh niên mù chữ, không có việc làm ổn định vì các em không có giấy khai sinh. Nhiều lần chị hạnh động viên các em đến trường nhưng hầu như họ chỉ lo cho cái ăn, cái mặc đã khó khăn rồi nên không hề quan tấm đến con chữ.
Lớp học không phí
Vậy là chị Hạnh lấy hiên nhà mình làm lớp học, cứ 5 giờ chiều chị lại đến từng nhà, từng chiếc đò xin bố mẹ các em để các em đến lớp học mà không thu học phí, không cần giấy tờ. Lúc đầu chỉ 5 đến 7 em, nhưng sau đó các em đến nhiều hơn. Chị bỏ tiền ra để mua sắm dụng cụ cho các em học tập. Rồi một sự may mắn tình cờ đến với cô trò nơi đây khi có các em sinh viên Canada đến tham quan, khảo sát ở khu định cư và thấy lớp học của chị Hạnh. “Họ có ý giúp đỡ chúng tôi xây lớp học. Tôi nắm bắt ngay cơ hội và đưa họ đến gặp chính quyền địa phương để làm việc. Vậy là lớp học được xây dựng ngay sau đó. Chính quyền địa phương giới thiệu tôi đi mượn bàn ghế, lớp học bắt đầu từ 19 giờ và nghỉ lúc 21 giờ” - chị Hạnh xúc động kể lại.
Chị Hạnh vẫn miệt mài với lớp học tình thương
Sau một năm học, chị Hạnh đánh giá và sắp xếp chia lớp cho phù hợp, từ lớp học vỡ lòng đến lớp đọc – viết. Trung tâm giáo dục thường xuyên thành phố cũng tới thăm và động viên các em thi từng mức và có tiền thưởng để khuyến khích các em.
Trong quá trình dạy học chị Hạnh cũng đã thường xuyên học hỏi thêm kiến thức sư phạm, các trường mở bồi dưỡng giáo viên là chị tham gia đăng ký học. Đồng thời chị cũng tham gia các CLB kỹ năng sống và những dự án hay để bồi dưỡng kiến thức cho mình và truyền đạt cho các em ước mơ.
Với những hoạt động miệt mài với lớp học tình thương, dần dần nhiều cơ quan, tổ chức đã tiếp cận. Và cũng nhờ đó mà một số doanh nghiệp, chương trình, dự án, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ các em tiếp tục học tập. Đến nay lớp học tình thương đã hòa nhập vào bậc tiểu học là 200 em, bậc THCS 52 em, tham gia học nghề có 102 em. Lớp học hiện nay có 30 em từ lớp 1 đến lớp 5. Bên cạnh đó, hiện lớp học có câu lạc bộ từ thiện (HFB) đến dạy tiếng Anh giúp có điều kiện giao tiếp với du khách nước ngoài khi bán những món hàng lưu niệm.
Tận tụy với lớp học tình thương, chị Bạch Thị Ngọc Hạnh năm nay đã 55 tuổi, được vinh dự là điển hình trong phong trào thi đua phát triển văn hóa, giáo dục tại phường Kim Long, thành phố Huế.