Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, Diễn đàn là sự thể hiện sinh động mối quan tâm của Việt Nam và Hàn Quốc đối với những vấn đề về sự tiến bộ của phụ nữ. Đây cũng là hoạt động thắt chặt thêm mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa phụ nữ hai nước Việt – Hàn; là cơ hội để mở rộng kết nối, giao lưu, hợp tác giữa các tổ chức phụ nữ hai nước.
Đề cập đến sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động kinh tế và các lĩnh vực của xã hội, đại biểu tham dự diễn đàn đã cùng nhau trao đổi thông tin, chia sẻ và thảo luận những vấn đề liên quan đến chính sách, cơ chế, cách thức thực hiện cũng như kinh nghiệm của mỗi nước nhằm tạo được sự hỗ trợ tối đa đối với phụ nữ trong lao động và cuộc sống.
Nói về khái niệm và những khía cạnh của “gián đoạn công việc” ở phụ nữ, bà Lee Sun Min- Phó phòng nghiên cứu Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc cho biết, phụ nữ bị gián đoạn công việc vì những lý do như kết hôn, mang thai, sinh nở, chăm sóc gia đình… Bên cạnh đó là tình trạng khắc nghiệt trong tuyển dụng lao động nữ đã dẫn đến tình trạng thay đổi về vị trí công việc và giảm sút thu nhập sau khi gián đoạn công việc. Trong số 5.493 người có việc làm thì có 3.185 người từng bị gián đoạn công việc và cứ 3 người sau khi gián đoạn công việc thì không tìm lại được việc làm hoặc sau khi tìm lại được công việc thì lại tái gián đoạn là 26,7%. Chính vì vậy, việc cân bằng giữa công việc và gia đình là vấn đề rất đáng quan tâm ở cả Hàn Quốc và Việt Nam. Bà Lee Sun Min cho biết, chính phủ Hàn Quốc đã tìm kiếm nhiều giải pháp về chính sách để giải quyết, tạo những điều kiện thuận lợi hơn cho phụ nữ như: mở rộng cơ hội việc làm theo giờ, hạn chế sự phân biệt về độ tuổi, hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao năng lực cho phụ nữ, hỗ trợ giáo dục và gia tăng hạ tầng giáo dục công, tại nơi làm việc; điều chỉnh cân đối văn hóa doanh nghiệp hài hòa với gia đình; giám sát việc thực hiện để nâng cao hiệu quả của chế độ hỗ trợ cân bằng gia đình- công việc.
Bà Kim Eun-ju, Giám đốc Viện nghiên cứu chính trị nữ Hàn Quốc cũng cung cấp cho các đại biểu tham dự Diễn đàn về thực trạng và những tồn tại trong việc tham gia hoạt động chính trị của phụ nữ Hàn Quốc. Theo đó, Hàn Quốc đã đưa vào Luật quy định về phân bổ vị trí cho phụ nữ tại địa phương và chế độ phân bổ theo đại diện tỷ lệ (Quốc hội, tỷ lệ ứng viên nữ 50%, sắp xếp ứng viên nam, nữ xen kẽ; Hội đồng địa phương tỷ lệ nữ ứng viên cũng 50% và cũng được sắp xếp xen kẽ). Điều này đã tạo nên những thành quả tích cực, đóng góp cho việc tăng tỉ lệ nữ nghị sĩ trong quốc hội (từ 9 nữ nghị sĩ vào năm 1996 lên 47 vào năm 2012); tăng tỷ lệ nữ ứng viên tại địa phương. Tuy nhiên, bà Bà Kim Eun-ju cũng cho rằng, những tồn tại của chế độ phân bổ vị trí cho phụ nữ theo đại diện tỷ lệ là không có quy định cưỡng chế thi hành nên khó xử phạt khi vi phạm.
Các đại biểu Việt Nam cũng đã mang đến Diễn đàn những thông tin về thực trạng về lao động, việc làm và thu nhập của phụ nữ Việt Nam; những cơ hội và thách thức đối với phụ nữ trong quá trình hội nhập; các hoạt động của Hội LHPN Việt Nam trong đề xuất chính sách cũng như hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
Vấn đề hôn nhân quốc tế, trong đó có hôn nhân Việt Nam- Hàn Quốc cũng được đại biểu Việt Nam chia sẻ với mong muốn tìm kiếm hơn nữa sự quan tâm, hợp tác giữa hai bên để hỗ trợ tốt hơn phụ nữ và trẻ em trong các gia đình đa văn hóa, góp phần mang lại hạnh phúc cho các gia đình Việt- Hàn.
Bà Myung Sun, Lee- Chủ tịch Viện Phát triển phụ nữ Hàn Quốc khẳng định: Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam- Hàn Quốc lần này là động lực cho tiềm năng cạnh tranh của hai quốc gia về thúc đẩy vai trò chủ động của phụ nữ và cũng là hoạt động củng cố thêm sự hợp tác chặt chẽ, tạo cơ hội triển khai nhiều hoạt động đa dạng thúc đẩy mối quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa các tổ chức phụ nữ của hai nước.
Vũ Hoa