Tại buổi làm việc, bà Pratibha Mehta bày tỏ sự vui mừng khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ trở thành một trong những nhà lãnh đạo toàn cầu cam kết thực hiện phong trào “Vì những người phụ nữ quanh ta”. Bà Pratibha Mehta coi đây là một “cú thúc” làm tăng thêm sứ mệnh và vai trò của nam giới trong sự nghiệp vì bình đẳng giới ở Việt Nam.
Phong trào “Vì những người phụ nữ quanh ta” là một chiến dịch quan trọng của LHQ nhằm đề cao vai trò không thể thiếu của nam giới trong sứ mệnh thúc đẩy quyền của phụ nữ; kêu gọi nam giới toàn cầu tham gia và hành động vì bình đẳng giới, xóa bỏ những rào cản về xã hội, văn hóa đang cản trở một nửa thế giới còn lại phát huy tiềm năng của mình. Chiến dịch này cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và chương trình nghị sự phát triển sau 2015 sẽ được các nước thành viên thông qua tại trụ sở LHQ vào tuần tới.
Bà Pratibha Mehta cho biết trong 17 mục tiêu phát triển bền vững có 1 mục tiêu dành riêng cho bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ; đồng thời một trong các nguyên tắc xuyên suốt 17 mục tiêu này là nguyên tắc bình đẳng, không ai bị bỏ sót trong quá trình phát triển và nguyên tắc giảm tất cả những dạng bất bình đẳng.
Sau khi các nước thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững này, LHQ sẽ có nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức của người dân cũng như đảm bảo ở cấp quốc gia có những chỉ tiêu cụ thể, “nội địa hóa” những mục tiêu này vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của mỗi nước. Bà cũng nhấn mạnh, thời gian sắp tới, LHQ sẽ có những hoạt động nhằm phối hợp và hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện những mục tiêu đã được phê duyệt ở Việt Nam.
Bà bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến của Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thanh Hòa về vấn đề bình đẳng giới trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như trong các hệ thống chỉ tiêu của Việt Nam hiện nay đã hợp lý chưa, cần thay đổi như thế nào trong thời gian tới.
Với tư cách là trưởng nhóm Điều phối không chính thức về Giới gồm các Đại sứ và Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (nhóm thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ và vận động những chính sách về bình đẳng giới ở Việt Nam), bàPratibha Mehta đã mời Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa tham dự cuộc họp sắp tới của nhóm để chia sẻ về vấn đề bình đẳng giới trong thể chế và các cơ quan của nhà nước; bàn việc hợp tác, phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam với các bên liên quan, các nhà tài trợ, các cơ quan phát triển của nước ngoài tại Việt Nam để có thể đưa vấn đề bình đẳng giới vào những chương trình nghị sự quan trọng của nhà nước, đặc biệt là trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Cảm ơn những thông tin mà bà Pratibha Mehta đã cung cấp, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh, hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiến hành lấy ý kiến về các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc XII, Hội LHPN Việt Nam sẽ có văn bản chính thức để đóng góp ý kiến và đề nghị nhằm đảm bảo vấn đề bình đẳng giới trong các nội dung văn kiện. Đây cũng là thời điểm Hội LHPN Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội các cấp, TW Hội sẽ có hướng dẫn để các cấp Hội có sự đánh giá đúng về những vấn đề của phụ nữ, từ đó đưa vào trong chương trình hoạt động Hội nhiệm kỳ tới.
Chủ tịch Hội thông tin, Hội LHPN Việt Nam đã có đề tài nghiên cứu về nguồn nhân lực nữ, đây là cơ sở quan trọng để đưa vấn đề giới và phụ nữ vào kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam. Hội cũng có đề tài nghiên cứu trong đó đề xuất một số phương án trình Ban Bí thư về thành lập Bộ máy quản lý Nhà nước về công tác phụ nữ, gia đình và trẻ em.
Cám ơn các cơ quan LHQ đã hợp tác và hỗ trợ Hội trong thời gian vừa qua, Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thanh Hòa mong muốn trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan LHQ để chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam quan tâm và cam kết mạnh mẽ hơn đối với vấn đề bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ; hợp tác với Hội trong các hoạt động nâng cao năng lực chất lượng nguồn nhân lực nữ trong bối cảnh hội nhập khu vực (AEC) và quốc tế; thúc đẩy phụ nữ tham chính; nâng cao năng lực đại diện của Hội, giám sát phản biện xã hội đối với luật pháp chính sách về phụ nữ và BĐG; nâng cao năng lực cho phụ nữ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vũ Linh