Để có nguồn lực, Hội đã chủ động tham mưu, đề xuất được nhiều chính sách nhằm tạo nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ, đồng thời tích cực khai thác nhiều nguồn vốn tín dụng từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế và huy động tiết kiệm để huy động nội lực ngay trong các tầng lớp phụ nữ. Trong chương trình uỷ thác tín chấp giữa Hội với Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến tháng 3/2015, có 46.739 hộ dân tộc thiểu số tại 45 tỉnh thuộc diện đối tượng chính sách được vay vốn, dư nợ trên 333 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn trả đạt 99,9%. Hiện nay, các cấp Hội đang trực tiếp quản lý hơn 52.267.553 tỷ đồng, cho hơn 2,7 triệu hộ vay, trong đó các cấp Hội vùng dân tộc thiểu số quản lý 75.447 tổ tiết kiệm vay vốn với hơn 1,8 triệu hộ vay. Đây thực sự là một công cụ hữu hiệu của Hội trong hỗ trợphụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, XĐGN, qua đó thu hút, tập hợp phụ nữ DTTS tham gia tổ chức Hội.
Để khuyến khích phụ nữ dân tộc thiểu số biết tiết kiệm, tích luỹ nguồn vốn tự có đề phòng rủi ro, khơi dậy được truyền thống nhân ái, ý thức phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tự nguyện giúp nhau phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ vùng có đông dân tộc thiểu số đã chú trọng triển khai các phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế ”, xây dựng và phát triển các tổ nhóm “vay vốn- tiết kiệm”, “tổ góp vốn xoay vòng”... Ngoài ra, Hội còn ưu tiên dạy nghề miễn phí, giảm học phí cho phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật…; đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho trung tâm dạy nghề của Hội phụ nữ các tỉnh miền núi như: “Trung tâm giới thiệu việc làm cho phụ nữ”các tỉnh miền núi phía Bắc tại Yên Bái; Trung tâm dạy nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên tại Đăk Nông; tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các lớp học nghề dệt thổ cẩm, chiếu, đan mây, giang, làm hương, giấy dó, sản xuất “mỳ Chũ”, trồng nấm, làm nón... Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đã biết sử dụng đồng vốn đúng mục đích, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo thu nhập ổn định, xóa được đói giảm được nghèo, kinh tế gia đình phát triển bền vững, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.
Thực tiễn cho thấy, các mô hình làm nghề truyền thống trong đồng bào DTTS đã góp phần không nhỏ giúp phụ nữ DTTS nâng cao thu nhập, tạo thành “điểm sáng” trong công tác XĐGN ở các địa phương, đồng thời bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ thực tiễn đó, TW Hội LHPN Vỉệt Nam đã nghiên cứu thí điểm xây dựng các mô hình kinh tế tập thể phù hợp với nhu cầu của phụ nữ cũng như của thị trường, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn, nhất là phụ nữ tuổi trung niên, phụ nữ dân tộc thiểu số khó có cơ hội tìm kiếm việc làm. Hội cũng từng bước chuyển đổi phương thức hỗ trợ giảm nghèo với việc gắn kết hỗ trợ người khá với người nghèo, thúc đẩy được sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong mô hình, giữa các khâu trong sản xuất. Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng được 1.224 hợp tác xã/tổ liên kết, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp (70,4%), thu hút 17.581 lao động nữ tham gia; trong đó riêng nguồn TW xây dựng được 162 mô hình, thu hút 4.529 thành viên, trong đó hộ nghèo chiếm 12,1%, hộ cận nghèo 18,3%, hộ dân tộc thiểu số 15,4%.
Tuy nhiên, một số vấn đề đặt ra trong thực tế vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, XĐGN là kết quả công tác giảm nghèo chưa bền vững. Tỷ lệ nghèo đói tập trung chủ yếu ở địa bàn vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mù chữ, không nói được tiếng phổ thông hoặc có trình độ học vấn rất thấp khiến cho công tác xoá đói giảm nghèo, dạy nghề tạo thu nhập cho phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn hoặc chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Chưa kết hợp hiệu quả các hoạt độngxoá mù chữ cho phụ nữ DTTS với hoạt động phát triển kinh tế, tăng thu nhập để đảm bảo các tác động, can thiệp được triển khai một cách bền vững; chưa có thị trường ổn định cho các sản phẩm nghề truyền thống của phụ nữ DTTS; chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu, sở thích của khách hàng…
Để làm tốt công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, XĐGN bền vững, một trong các giải pháp được Hội LHPN Việt Nam quan tâm là sự cần thiết duy trì một số ngành nghề truyền thống để bảo đảm công việc tại chỗ cho phụ nữ dân tộc thiểu số như dệt thổ cẩm và sản xuất các mặt hàng từ vải thổ cẩm; các mô hình dệt, may thổ cẩm tại các địa bàn có gắn với du lịch; nghề đan lát với các sản phẩm đồ gia dụng phục vụ sinh hoạt và sản xuất (bồ đựng thóc, cót phơi thóc, nong nia, giần sàng, sọt lồ, bung giỏ, nón đội đầu); nghề chế biến lương thực, thực phẩm, nuôi trồng cây, con đặc sản địa phương như làm bún, bánh, bỏng gạo, bánh khảo, bánh tráng, miến dong, đường thốt nốt, nấu rượu, làm rượu cần; nuôi trồng các loại cây, con đặc sản địa phương (gà, lợn bản địa, dê…) và nghề ở một số địa phương còn giữ được nghề gia truyền bốc thuốc nam chữa bệnh của người Dao, Mường ở Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu, Ba Vì (Hà Nội). Đồng thời cần hỗ trợ phụ nữ tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo ra các tổ sản xuất liên doanh, liên kết để đảm bảo sản phẩm phụ nữ làm ra được tiêu thụ ổn định, tạo công ăn việc làm thường xuyên và mang lại thu nhập bền vững, thực sự trở thành nghề nghiệp có thể nuôi sống chị em, cải thiện kinh tế gia đình.