Các em gái tật nguyền biến rác thải thành quà tặng
Đến trung tâm Healing the wounded heart, bạn sẽ thấy những thứ phế thải như lon bia, nước ngọt, bao bì mì tôm, oshi,… được những bàn tay khéo léo và đầy sáng tạo của những bạn gái trẻ khuyết tật biến hoá thành những món quà lưu niệm hết sức ý nghĩa. Những chiếc khung ảnh, búp bê xinh xắn, những chiếc rổ bằng bao bì, những chiếc túi xách bằng lon bia đa dạng bắt mắt càng lôi cuốn du khách khi ghé đến trung tâm này. Công việc của 15 bạn trẻ khuyết tật nơi đây bắt đầu bằng công đoạn cắt, may, dán. Chỉ với cây kéo và hộp keo dán, lần lượt những sản phẩm độc đáo ra đời từ đống phế thải họ nhặt ngoài đường hay từ những người bán phế liệu. Với nhiều người, những nguyên liệu này chỉ là thứ bỏ đi, thế nhưng với những bạn khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn trong “gia đình” này thì đây là cả một gia tài lớn của họ. Từ những thứ con người thải ra môi trường, nhưng khi đến bàn tay của các em nơi đây đã biến thành những món quà tặng từ trái tim rất ý nghĩa.
Lê Bảo Thi - một thành viên bị câm điếc ở trung tâm, đến từ huyện Phú Vang đang thực hiện công đoạn cuối của chiếc rá vui vẻ ra dấu cho chúng tôi biết: “Chiếc rá này tuy làm bằng tre bọc bao nilông của lốp xe đạp mà em đi nhặt trên đường. Nhưng khi đan xong nó sẽ trở thành một món quà đẹp và ý nghĩa đối với du khách khi ghé đến cửa hàng”.
Từ những thứ rác thải này, những bạn trẻ nơi đây có thể biến hoá thành những món quà lưu niệm có giá trị trong mắt du khách khi đến Huế, nhất là khách quốc tế. Chị Lê Thị Uyên Phương (quản lý về kỹ thuật) bị tật hai chân, gắn bó với trung tâm hơn 10 năm tâm sự: “Những mặt hàng của trung tâm Healing the wounded heart bây giờ đã lên đến hơn 100 loại. Khách hàng khi đến mua hàng họ đều tỏ sự thán phục về những bạn trẻ khuyết tật nơi đây, bởi sản phẩm làm ra ngoài mục đích kinh tế nó còn giúp chúng ta bảo vệ môi trường trước thực trạng ô nhiễm rác thải hiện nay”.
Những chiếc khung ảnh này là một món quà bảo vệ môi trường do các em bị bệnh tim bẩm sinh làm ra
Để có nguyên liệu làm các sản phẩm này, hằng ngày các em ở trung tâm phải đi khắp các con đường để nhặt bao bì, vỏ lon bia, lon nước ngọt,… đem về rồi lau, giặt, phơi những thứ này để “chế biến” thành sản phẩm bảo vệ môi trường.
Chữa lành những trái tim tổn thương
Chị Phương cho biết thêm: “Những sản phẩm của các em làm ra vừa để bảo vệ môi trường, vừa giải quyết công ăn việc làm cho các em. Những phế thải này khi đã qua “chế biến” nó trở thành sản phẩm riêng của mình mà không có cửa hàng nào bán. Hiện tại, các sản phẩm hàng lưu niệm của Healing the wounded heart đang có mặt không chỉ ở Huế mà còn đang bán chạy ở thị trường Mỹ, Ý từ đơn đặt hàng của tổ chức The Spiral Foundation”.
Ngôi nhà Healing the wounded heart dần trở thành mái ấm của những trái tim tổn thương, nơi những mảnh đời mỏng manh bất hạnh cùng chữa lành vết thương tâm hồn cho nhau. Em Hồ Thị Thá (23 tuổi) và A Viết Đá (20 tuổi) đến từ A Lưới tâm sự: “Tụi em mồ côi ba mẹ từ nhỏ, 2 tuổi đã được đưa về nuôi tại Trung tâm xã hội An Hòa (huyện Phong Điền), lên 18 tuổi thì được các anh chị ở trung tâm đưa về sống ở đây, và dạy nghề cho tụi em. Với các em thì đây là một mái ấm gia đình mà từ nhỏ vẫn thường mơ ước”.
Chị Nguyễn Thị Lan Hương, quản lý cửa hàng Healing the wounded heart chia sẻ: “Số tiền bán các sản phẩm này mang 3 ý nghĩa khác nhau. Một là để trả tiền lương cho các em, hai là hỗ trợ những trẻ em nghèo trong chương trình “Trái tim cho em” ở Thừa Thiên Huế, và ba là chi phí vận hành sản xuất của trung tâm”.
Đây chỉ là một trong số những trái tim bị tổn thương được Healing the wounded heart chữa lành bên cạnh những hoàn cảnh đặc biệt khác. Các em khi đến đây đều cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, đáng để sống hơn. Tại đây, các em không chỉ vượt lên hoàn cảnh để sống tốt mà còn góp phần giúp đỡ những trẻ em nghèo bị bệnh tim được hoà nhập cộng đồng. Hiện thu nhập các em từ 1-1,5 triệu đồng/tháng, ngoài ra các em còn được hưởng chế độ BHYT, BHXH, và tiền ăn, chỗ ở miễn phí.
Dưới sự hỗ trợ của tổ chức The Spiral Foundation (Tổ chức nhân đạo phi lợi nhuận hoạt động tại Việt Nam và Nepal) phối hợp với Văn phòng tư vấn và hỗ trợ trẻ khuyết tật Trường Đại học Y khoa Huế (OGCDC), Healing the wounded heart ra đời tập trung hàng chục em khuyết tật, các em có hoàn cảnh khó khăn. Người tiên phong sáng lập trung tâm là Tiến sĩ sử học Marichia Simick Arese, thành viên tổ chức The Spiral Foundation. Những ngày đầu, chị đi tìm gặp những em có hoàn cảnh khó khăn, các em mồ côi, khuyết tật,… rồi tự tay chị dạy nghề làm mỹ nghệ, hàng lưu niệm cho các em.